Ứng dụng công nghệ nâng cao giá trị chè Thái Nguyên

07:38' - 05/11/2019
BNEWS Phú Lương có tổng diện tích chè hơn 4.100 ha; trong đó, diện tích chè kinh doanh khoảng 3.800 ha, sản lượng ước đạt hơn 42.700 tấn búp tươi/năm.
Phú Lương có tổng diện tích chè hơn 4.100 ha. Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN

Là một trong hai huyện có diện tích sản xuất, thâm canh chè lớn nhất tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, Phú Lương có tổng diện tích chè hơn 4.100 ha; trong đó, diện tích chè kinh doanh khoảng 3.800 ha, sản lượng ước đạt hơn 42.700 tấn búp tươi/năm.

Bước đầu, huyện đã hình thành vùng sản xuất chè tập trung tại các xã: Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc... đem lại giá trị thu nhập cho mỗi ha đất trồng chè đặc sản khoảng 200 triệu đồng/năm, đóng góp đáng kể vào việc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Gần đây, chỉ riêng Doanh nghiệp tư nhân chè Phúc Lâm tại xã Cổ Lũng đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Iran với sản lượng trung bình 300 tấn chè búp khô/năm.

Hay như tại Hợp tác xã chè Khe Cốc (xã Tức Tranh) hiện đã xuất khẩu thành công sản phẩm chè túi lọc và chè móc câu ướp hương sen sang thị trường Ba Lan, Pháp với giá thành rất cao so với các sản phẩm chè tiêu thụ nội địa.

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Lương cho biết, hiện nay, giá trị sản phẩm chè của huyện Phú Lương trên thị trường ngày càng được nâng cao, ước tính sản phẩm chè xanh của huyện tiêu thụ ngoài tỉnh đạt hơn 700 tấn búp khô/tháng với mức giá từ 200.000 đồng/kg đến hơn 6 triệu đồng/kg.

Bên cạnh các sản phẩm chè búp khô truyền thống, người dân còn phát triển được các dòng sản phẩm khác như: bột chè, chè túi lọc, kẹo trà xanh...

Để nâng cao giá trị cây chè, trong những năm qua, Phú Lương đã tập trung vào việc cải tạo, trồng thay thế giống chè cũ bằng các giống chè mới, chất lượng cao như: LDP1, TRI777, Phúc Vân Tiên… đưa diện tích trồng chè giống mới lên hơn 2.600 ha, chiếm tỷ lệ 65% tổng diện tích trồng chè, mở rộng diện tích chè VietGAP được chứng nhận chiếm tỷ lệ gần 10% tổng diện tích thâm canh chè.

Huyện cũng hình thành 40 làng nghề chè, hỗ trợ một số hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề chè trong việc cấp mã vạch, mã QR code chứng nhận xuất xứ sản phẩm và chuỗi thực phẩm an toàn.

Huyện tích cực triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chè như: xây dựng mô hình nhà kính cho sản xuất chè vụ Đông ở xã Vô Tranh, hỗ trợ vật tư xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm tại 4 xã trọng điểm sản xuất chè, hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất chè cho các hộ sản xuất chè...

Cùng với việc nâng cao chất lượng, năng suất của sản phẩm chè, Phú Lương đặc biệt chú trọng hỗ trợ các hợp tác xã, làng nghề chè trong việc tiếp cận các thị trường mới, góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động tại các vùng trồng chè.

Hiện Phú Lương chủ trương nâng cao năng lực tổ chức sản xuất chè theo chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP, tổ chức lễ hội vinh danh các làng nghề chè của huyện vào dịp cuối năm 2019 với nhiều hoạt động quảng bá đặc sắc; trong đó, nổi bật là hoạt động bình chọn danh hiệu "Làng nghề chè tiêu biểu"; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chè của 37 làng nghề chè trên địa bàn; chương trình trải nghiệm "Khám phá xứ sở Trà xanh" để kết hợp khai thác du lịch với các tuyến thăm quan chính.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục