Ứng dụng công nghệ thông tin tại văn phòng đăng ký đất đai còn hạn chế

09:55' - 25/01/2018
BNEWS Sự phối hợp giải quyết công việc giữa văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh và cấp huyện chưa rõ ràng; việc lập và chỉnh lý hồ sơ địa chính không được thực hiện thường xuyên và kịp thời giữa các cấp...
Ứng dụng công nghệ thông tin tại văn phòng đăng ký đất đai còn hạn chế. Ảnh minh họa: TTXVN

Thời gian gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất quyết liệt trong việc chỉ dạo các địa phương tập trung cơ sở dữ liệu đất đai để làm nền tảng cho việc vận hành hệ thống của văn phòng đăng ký nói riêng và ngành đất đai nói chung, hướng tới vận hành Chính phủ điện tử.

Tuy vậy, sau một thời gian dài triển khai tại các tỉnh, thành, mô hình văn phòng đăng ký đất đai đã bộc lộ một số hạn chế như sự phối hợp giải quyết công việc giữa văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh và cấp huyện chưa rõ ràng; việc lập và chỉnh lý hồ sơ địa chính không được thực hiện thường xuyên và kịp thời giữa các cấp...

Để giải quyết được những bất cập trên ngoài những giải pháp về tổ chức, nhân sự...thì việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp hữu hiệu hiện nay.

* Giải pháp quản trị

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ địa chính, Tổng cục Quản lý đất đai, việc ứng dụng công nghệ thông tin như: hệ quản trị cơ sở dữ liệu đất đai, các công cụ phần mềm tác nghiệp, công nghệ web, công nghệ GIS, công nghệ đường truyền dữ liệu (VPN, Leased line…) sẽ xây dựng lên được một mô hình văn phòng đăng ký đất đai hiện đại với mức độ chuyên nghiệp cao trong xử lý công việc nhằm cung cấp thông tin, tích hợp dữ liệu, chia sẻ thông tin với các ngành và dịch vụ khác có liên quan.

Theo đó, giải pháp quản trị cơ sở dữ liệu đất đai tập trung vào các đơn vị cấp dưới truy xuất trực tiếp cơ sở dữ liệu cài đặt trên tỉnh, như mô hình triển khai tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh; mô hình cập nhật biến động đất đai phân quyền chỉnh lý bản đồ số và cơ chế kiểm soát trước khi cập nhật vào cơ sở dữ liệu; mô hình triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống phần mềm hệ thống thông tin đất đai VILIS 2.0, giải pháp đầy đủ đáp ứng các mục tiêu của văn phòng đăng ký đất đai hiện đại sẽ tiến tới "xây dựng hệ thống thông tin đất đai và mô hình giao địch đất đai điện tử".

Đồng thời, giải pháp quản trị thực hiện nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm lên VILIS 3.0 tiến tới sử dụng trong cả nước, xây dựng phần mềm hỗ trợ các địa phương trong việc khai thác và cập nhật cơ sở dữ liệu đất lúa; tiếp tục triển khai thực hiện phần mềm liên thông với cơ quan thuế thuộc phân hệ trao đổi, chia sẻ dữ liệu đất đai tại các địa bàn chạy thử nghiệm.

Đối với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, trước mắt sẽ quản trị cơ sở dữ liệu tập trung cho toàn tỉnh như quản lý kho số thửa bản đồ và bản đồ tập trung; quản trị người sử dụng và quản lý biến động thường xuyên. Sau đó xử lý hồ sơ theo qui trình xây dựng qui trình xử lý hồ sơ (cấp mới giấy chứng nhận, qui trình giao dịch bảo đảm…), xử lý tự động các nghiệp vụ trên hệ thống phần mềm VILIS.

Ngoài ra, cung cấp thông tin đất đai lên cổng thông tin điện tử và trực tiếp cho tổ chức (phiếu cung cấp thông tin hoặc dịch vụ đọc mã vạch công cộng); liên thông tự động với bộ phận một cửa để thông báo tình trạng xử lý hồ sơ cho người sử dụng đất; thống kê tổng hợp, báo cáo kết quả cấp giấy chứng nhận.

Còn với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện, trước tiên kết nối vào cơ sở dữ liệu đặt tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh.

Sau đó xử lý hồ sơ theo qui trình xây dựng qui trình xử lý hồ sơ (cấp mới giấy chứng nhận, qui trình giao dịch bảo đảm…), xử lý tự động các nghiệp vụ trên hệ thống phần mềm VILIS; cung cấp thông tin đất đai cho hộ gia đình, cá nhân (phiếu cung cấp thông tin hoặc dịch vụ đọc mã vạch công cộng); liên thông tự động với bộ phận một cửa để thông báo tình trạng xử lý hồ sơ cho người sử dụng đất; thống kê tổng hợp, báo cáo kết quả cấp giấy chứng nhận. Với trường hợp địa chính cấp xã, cần truy cập vào cơ sở dữ liệu đặt tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ đất nông nghiệp; theo dõi biến động đất đai và thống kê, tổng hợp.

* Mô hình tiêu biểu

Tính đến nay, cả nước đã có 18 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành và đang được khai thác sử dụng có hiệu quả ở cấp tỉnh và một số đơn vị cấp huyện như các thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng, các tỉnh như: Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Nai và Bình Dương.

Trong đó phải kể đến mô hình văn phòng đăng ký đất đai tại tỉnh Vĩnh Long nằm trong khuôn khổ dự án tăng cường năng lực quản lý nhà nước về đất đai (VLAP) sử dụng nguồn vốn ODA của ngân hàng thế giới và chính phủ Niu - dê - lân.

Mô hình đã ứng dụng thông tin biến động đất đai, các thông tin luôn được cập nhật và đồng bộ giữa các cấp; qui trình xử lý hồ sơ nhanh chóng, thuận tiện; tăng cường độ chính xác trong việc giải quyết hồ sơ; hồ sơ gốc được số hóa và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu thuận tiện trong việc xác minh hồ sơ.

Hơn nữa, mô hình cũng đã liên thông dữ liệu với các cơ quan có liên quan: cơ quan thuế, quản lý đô thị, tổ chức tín dụng, cơ quan công chứng; dịch vụ cung cấp thông tin đất đai đa dạng (trực tiếp, qua internet, SMS ); thông tin đất đai sẽ được cung cấp minh bạch, kịp thời đến người dân và các đơn vị liên quan.

Có thể nói, lựa chọn ứng dụng công nghệ thông tin làm khâu đột phá trong việc xây dựng mô hình văn phòng đăng ký đất đai hiện đại sẽ đem lại hiệu quả to lớn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai và cho xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục