Ứng dụng khoa học công nghệ giúp nuôi tôm hiệu quả

15:43' - 25/11/2024
BNEWS Nghề nuôi tôm nước lợ tỉnh Bến Tre phát triển mạnh từ năm 2000 đến nay, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và gần đây nhất là nuôi tôm công nghệ cao.

Sáng 25/11, tại Bến Tre, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre tổ chức tọa đàm “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải, nâng cao hiệu quả”.

 

Theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thời gian qua, ngành tôm ở Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, gần đây bà con nuôi tôm cũng gặp phải những cái khó khăn, thách thức nhất định, như: việc phát triển không bền vững, dẫn đến những môi trường nuôi tôm bị ảnh hưởng; tổ chức sản xuất mang tính nhỏ lẻ, chưa bài bản; chi phí đầu vào còn lớn; vấn đề đảm bảo chất lượng của con tôm phục vụ xuất khẩu, bà con cũng chưa áp dụng quy trình nuôi một cách chặt chẽ; giá cả gấp bênh do biến động của thị trường cũng như là tình hình quốc tế. Chính vì vậy, lợi nhuận của bà con cũng chưa được cao.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để nghề nuôi tôm ở Việt Nam phát triển bền vững, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất, đòi hỏi sự chung tay hành động của ngành, địa phương, nhà nghiên cứu, người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với các giải pháp căn cơ, bài bản cho cả chuỗi sản xuất tôm. Đặc biệt là việc quy hoạch vùng nuôi, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng an toàn sinh học, giảm phát thải carbon, chất thải rắn, bảo vệ môi trưởng, kiểm soát lây lan của dịch bệnh...

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ khai thác và phát hiện những mô hình, những tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả để chuyển giao và sản xuất; rong đó, đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật, ứng dụng. Đồng thời, tổ chức sản xuất, hướng bà con sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã và sản xuất theo chuỗi.

Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng các mô hình để người nuôi có thể ứng dụng, tổ chức truyền thông các mô hình có hiệu quả để người nuôi tôm có thể nhận thấy được cách thức tổ chức sản xuất, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cũng như giải pháp kết nối thị trường để tổ chức sản xuất có hiệu quả nhất.

Mặt khác, trung tâm cung ứng các sản phẩm đầu vào như cung ứng giống, cung ứng thức ăn, các chế phẩm để bà con có giá cả thấp nhất, giảm chi phí đầu vào. Đồng thời sản xuất theo đúng quy trình công nghệ để làm sao mà tăng hiệu quả, tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải.

Tại Bến Tre, trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nuôi trồng thủy sản, như kỹ thuật nuôi tôm trẻ chân trắng, nuôi tôm sú, nuôi tôm quảng canh, tôm rừng và triển khai các dự án phát triển sản xuất nuôi tôm bền vững (tôm lúa, tôm lúa hữu cơ, tôm thẻ chân trắng).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết, Bến Tre là tỉnh đứng thứ 5 về phát triển nuôi tôm nước lợ của cả nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng (sau Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng), với diện tích nuôi trồng thủy sản tiềm năng 50.000 ha. Tỉnh đã khai thác được diện tích nuôi thủy sản khoảng 47.800 ha; trong đó nuôi tôm nước lợ đạt 36.000 ha.

Nghề nuôi tôm nước lợ tỉnh Bến Tre phát triển mạnh từ năm 2000 đến nay, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và gần đây nhất là nuôi tôm công nghệ cao. Mặc dù qua nhiều thời gian thăng trầm, nhưng nghề nuôi tôm ở Bến Tre vẫn giữ vững tốc độ phát triển khá bền vững. Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang lại hiệu quả rất cao. Bên cạnh đó, các mô hình nuôi tôm quảng canh, sinh thái, tôm lúa hữu cơ; đang được áp dụng làm nâng cao chất lượng, giá trị con tôm nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu sạch đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ước đến cuối năm 2024, tổng sản lượng nuôi thủy sản đạt 329.000 tấn. Năng suất mô hình nuôi ngày càng được cải thiện và nâng cao như: tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt 10 -12 tấn/ha/vụ; tôm sú thâm canh 6 - 8 tấn/ha/vụ, tôm công nghệ cao 60– 80 tấn/ha, nuôi tôm quảng canh, tôm lúa từ 150-200kg/ha/năm...

Theo báo cáo của Cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tính đến tháng 11/2024, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 730.000 ha, tổng sản lượng hơn 1,1 triệu tấn bao gồm các loại: tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm khác.

Tuy nhiên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong 10 tháng, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 22.269 ha (chủ yếu là tôm nước lợ), giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 10/2024, tổng diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh là 430 ha tại 8 tỉnh, thành phố, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất hiện 2 loại bệnh chủ yếu là bệnh hoại tử gan tuỵ và bệnh đốm trắng.

Năm 2024 cũng vẫn là một năm khó khăn đối với ngành tôm Việt Nam do điều kiện thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá vật tư đầu vào tăng, thị trường tiêu thụ với nhiều rào cản khắt khe, giá bán không ổn định có chiều hướng giảm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục