Ứng phó linh hoạt với hạn mặn, sạt lở ở ĐBSCL

13:29' - 14/06/2024
BNEWS Sáng 14/6, tại Bến Tre, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ XXVII năm 2024.

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các tỉnh trong vùng giai đoạn 2022-2024, thảo luận nhiệm vụ, giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng trong thời gian tới.

 

Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ được ban hành và đi vào thực tiễn; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hình thành và phát triển nhanh. Nhiều giải pháp về khoa học và công nghệ ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu được tổ chức triển khai. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ngày càng gắn với thực tiễn sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương và cả vùng.

Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhiều việc phải làm và cần làm quyết liệt, thực chất hơn nữa để thực sự đóng góp hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương và cả vùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai hoạt động khoa học và công nghệ của vùng thời gian qua; trong đó, tập trung trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả với tình trạng hạn, xâm nhập mặn, sạt lở đang diễn ra ngày càng khốc liệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam mong muốn, được hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như các địa phương để giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra và phát huy lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của vùng, góp phần phát triển sự nghiệp khoa học công nghệ, phát triển kinh tế đất nước.

Để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục là động lực phát triển nhanh, bền vững cho từng địa phương và cả vùng, các đại biểu thống nhất, thời gian tới, các Sở Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ; đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững cho vùng. Các tỉnh trong khu vực đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động, huy động mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ thiết thực, hiệu quả nhất các mục tiêu phát triển của từng địa phương và cả vùng; thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực, lợi thế của vùng...

Theo Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) giai đoạn 2022-2024, các địa phương trong vùng đã và đang triển khai 458 đề tài, dự án thuộc các lĩnh vực khoa học. Nhiều địa phương đã cân đối và bố trí nguồn kinh phí bằng hoặc cao hơn so với kinh phí Trung ương cân đối hằng năm. Tổng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ giai đoạn 2022-2024 do Trung ương cân đối cho 13 tỉnh, thành phố hơn 1.089 tỷ đồng; kinh phí được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt hơn 1.170 tỷ đồng, đạt 107% so với Trung ương thông báo.

Các sở Khoa học và Công nghệ đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố xây dựng nhiều văn bản quản lý về tài sản trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, hỗ trợ đăng ký bảo hộ và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm chủ lực trong vùng. Giai đoạn 2022-2024, có 6.369 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ; 10.613 văn bằng sáng kiến cải tiến kỹ thuật được cấp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục