Ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

17:00' - 09/10/2017
BNEWS Các địa phương kiểm tra, rà soát phương án ứng phó tại các địa bàn xung yếu, nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Sạt lở đất có nguy cơ xảy ra nếu mưa lớn kéo dài. Ảnh minh họa: Minh Tâm - TTXVN.

Chiều 9/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ có khả năng mạnh lên thành bão.
Để ứng phó hiệu quả với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi neo đậu hoặc tránh trú an toàn; kiên quyết ngăn chặn, không để các tàu thuyền, phương tiện, lồng bè đang ở nơi neo đậu, trú tránh ra khơi trong thời gian có áp thấp nhiệt đới; tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng yêu cầu sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, thấp, ven sông suối, khu vực ngoài bãi sông và khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở trước khi bão đổ bộ; kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước để đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du.

Các địa phương tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình bị hư hại do bão số 10 chưa kịp khắc phục; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn và khôi phục sự cố lưới điện và thông tin liên lạc trước, trong và sau bão.

Các địa phương tổ chức các đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới tổ chức phân luồng giao thông, hạn chế người và phương tiện lưu thông tại những khu vực ảnh hưởng trực tiếp khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ; bố trí sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ tại những trọng điểm xung yếu để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra, đặc biệt đối với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới và phổ biến các kỹ năng ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Tỉnh đã chuẩn bị các lực lượng, biện pháp để chủ động với những diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Theo Đại tá Trần Dương Kiên, Trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn Cơ quan Thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 7 giờ ngày 9/10, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 70.077 tàu/230.513 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm Các phương tiện đã nắm được hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, đang chủ động di chuyển về bờ hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Hiện còn 4 tàu/24 lao động chưa liên lạc được, trong đó: Thanh Hóa TH92688TS/10 lao động; Quảng Ngãi 3 tàu/14 lao động (QNg 90143TS/7 lao động; QNg 96598 TS/3 lao động ; QNg 96318 TS/4 lao động).
Theo báo cáo ngày 8/10 của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, trong số 162 hồ cập nhật thông tin, có 29 hồ xả qua tràn, lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung dao động nhẹ, các hồ vận hành bình thường.
Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 1.920 hồ chứa thủy lợi (132 hồ chứa lớn, 1.788 hồ chứa nhỏ), trong đó, có 58/132 hồ chứa lớn đã đạt hoặc xấp xỉ mực nước dâng bình thường (Thanh Hóa 20/26 hồ, Nghệ An 17/37 hồ; Hà Tĩnh 19/29 hồ).

Số hồ còn lại mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,5 – 3,0m. Hiện hồ Vực Mấu Nghệ An xả 90 m3/s, hồ Sông Sào Nghệ An xả 40m3/s.
Đối với các hồ chứa nhỏ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, hầu hết các hồ đạt trên 80% dung tích thiết kế; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế các hồ đạt trung bình 60-80% dung tích thiết kế.

Các tỉnh có nhiều hồ đầy nước gồm: Thanh Hóa 420/584 hồ; Nghệ An 337/588 hồ; Hà Tĩnh 280/316 hồ. Đặc biệt, 83 hồ chứa xung yếu (15 hồ lớn, 68 hồ nhỏ) cần quan tâm, khi có mưa lớn./.

>>> Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục