Ứng phó với bão số 3: Ngành điện sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra

11:29' - 07/09/2024
BNEWS EVN đã chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị trực tiếp xuống địa bàn nơi dự báo bão sẽ ảnh hưởng để kiểm tra công tác phòng chống bão.

Để ứng phó với bão số 3 YAGI – cơn bão được đánh giá mạnh nhất trong vòng 10 năm qua và mạnh nhất trên thế giới trong năm 2024 cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã có công điện và chỉ thị chỉ đạo các đơn vị tập trung công tác phòng chống bão.

Theo đó, cơn bão số 3 dự kiến đi vào đất liền với cường độ rất mạnh, tốc độ nhanh, khó dự báo, có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành điện nói chung và đặc biệt là công tác vận hành, điều độ và duy trì an toàn hệ thống nói riêng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đánh giá rất cao và hoan nghênh tinh thần chủ động, trách nhiệm của các đơn vị trong bộ, đặc biệt là 2 đơn vị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) đã triển khai khá nghiêm túc và có được những phương án để sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3.

Nhận định cơn bão có thể ảnh hưởng lớn đến hệ thống điện với mức gió mạnh và lượng mưa lớn trên diện rộng ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nhất là các tỉnh thành ven biển Quảng Ninh - Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trong ngành không được chủ quan, lơ là, chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với phương châm "04 tại chỗ”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, Yagi là cơn bão mạnh, di chuyển rất nhanh và diễn biến phức tạp. Dự báo, bão sẽ đổ bộ vào đất liền từ tỉnh Quảng Ninh đến Nghệ An, Hà Tĩnh và có khả năng đạt cường độ kỷ lục trong nhiều năm qua.

Với tính chất như vậy, chắc chắn hoàn lưu của bão cũng sẽ gây ra những hệ lụy rất lớn, như mưa to, sạt lở,…

Để ứng phó với cơn bão số 3 một cách hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là EVN và NSMO nghiêm túc thực hiện 5 nội dung lớn.

Theo đó, các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Công điện của Thủ tướng Chính phủ số 86 ngày 3/9/2024 và số 87 ngày 5/9/2024 về ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2024. Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ thị và công điện của Bộ trưởng tại các văn bản: số 6638 ngày 2/9; số 6650 ngày 4/9/2024 và Văn bản 6751/2024 ngày 6/9/2024 về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2024. Đồng thời, chủ động chuẩn bị “bốn tại chỗ" gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó một cách hiệu quả với cơn bão số 3, kể cả bão đổ bộ cũng như là hoàn lưu của bão.

EVN và EVNNPT khẩn trương tổng rà soát và lên kế hoạch cụ thể cho việc huy động vật tư, thiết bị, phương tiện, điều kiện nhân lực để sẵn sàng xử lý tình huống xảy ra ở bất cứ địa bàn nào, nhất là những địa bàn mà bão đổ bộ. EVN khẩn trương chỉ đạo điện lực các địa phương phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo về bảo đảm an toàn cho các hệ thống điện ở địa phương. Đồng thời, phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và các đơn vị chức năng trên địa bàn để triển khai các công tác phòng, chống bão một cách hiệu quả nhất.

NSMO triển khai kế hoạch và phương án phòng, chống bão đã được phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị cơ sở, nhất là 3 trung tâm (A1, A2, A3), nhất là những trung tâm và đơn vị chức năng nằm ở giữa vùng bão và hoàn lưu của bão, duy trì chế độ trực vận hành linh hoạt, an toàn, ổn định hệ thống điện. Đặc biệt là phải duy trì chế độ liên lạc với các đơn vị phát hiện. Đồng thời, có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật.

NSMO và EVN, EVNNPT cũng phối hợp chặt chẽ sẵn sàng xử lý kịp thời, nhuần nhuyễn, hiệu quả những sự cố có thể xảy ra.

Cùng đó, duy trì nghiêm túc chế độ báo cáo trong những ngày bão chưa đổ bộ hoặc là đổ bộ vào đất liền yêu cầu ngày hai lần. Báo cáo đột xuất khi có sự cố xảy ra và báo cáo về Bộ, các cơ quan chức năng của Bộ để có thông tin và kịp thời xử lý.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng cũng như Cục An toàn Kỹ thuật và Môi trường Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, các đơn vị chức năng đều phải phối hợp tham mưu xử lý một cách kịp thời và nhanh nhất.

Theo báo cáo của đại diện NSMO, ông Vũ Xuân Khu tại cuộc họp mới đây, với các thông tin dự báo về siêu bão Yagi, NSMO xác định chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hệ thông điện. Trong đó, có thể đường dây 500kV sẽ bị tách làm đôi, giống như một số trường hợp từng xảy ra khi bão lớn đổ bộ trước đây, mà đơn cử là năm 2015, đường dây 500kV tách làm đôi, mất thông tin liên lạc hệ thông. Do đó cần đề phòng, sẵn sàng phương án ứng phó, xử lý đối với việc vận hành hệ thống điện tách đôi. Mặt khác, cần sẵn sàng cho tình huống mất điện tại khu vực Đông Bắc Bộ do ảnh hưởng của bão lớn.

NSMO đã sớm có các văn bản, chỉ đạo ba trung tâm điều độ hệ thống điện miền sẵn sàng ứng phó; đồng thời ngay ngày 5/9 đã tổ chức họp khẩn cấp để quán triệt phương án ứng phó, phối hợp xử lý nhuần nhuyễn nhất không chỉ trong nội bộ NSMO mà còn với EVN và các đơn vị khác.

Nhận định cơn bão có thể ảnh hưởng lớn đến hệ thống điện với mức gió mạnh và lượng mưa lớn trên diện rộng ở khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, trước đó, EVN đã chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị trực tiếp xuống địa bàn nơi dự báo bão sẽ ảnh hưởng để kiểm tra công tác phòng chống bão.

Theo đó, Tổng công ty phát điện 1,2,3 cùng các Công ty Điện lực, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã đi kiểm tra các đơn vị trong công tác chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng xử lý, khắc phục sự cố do mưa bão; phối hợp với NSMO để sẵn sàng nguồn dự phòng nếu sự cố xảy ra; phối hợp cùng với các đơn vị viễn thông chuẩn bị sẵn vật tư, thiết bị đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt; thực hiện điều độ mức nước tại các hồ thủy điện… với tinh thần trách nhiệm cao nhất để đảm bảo hệ thống điện được vận hành, an toàn, lưới điện truyền tải liên tục.

Ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) cho biết: Để chủ động ứng phó với siêu bão, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, NSMO đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung cao độ tăng cường theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai..

Cùng đó, rà soát công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai như: Hệ thống ứng phó khẩn cấp, nguồn điện tự dùng, Hệ thống SCADA, thông tin liên lạc, phương án phòng chống thiên tai cho trụ sở, sẵn sàng nguồn lực trang thiết bị, phương tiện vật tư để nhanh chóng khắc phục kịp thời sự cố có thể xảy ra, không để ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện, thị trường điện.

NSMO cũng yêu cầu A1, A2 phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của EVN, các công ty truyền tải điện khu vực, rà soát những trạm đường dây có khả năng phải cô lập do sạt lở, ngập lụt hay sự cố cũng như lập phương án kết dây, lập phương thức vận hành, phương án xử lý sự cố, phương án khôi phục…

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An, các đơn vị của EVN đã và đang thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống bão; EVN cũng yêu cầu kiểm tra cả các đơn vị được cấp điện quan trọng như: bệnh viện, viễn thông, các trụ sở cơ quan chính quyền tỉnh…

Từ đó, đảm bảo công tác thông tin liên lạc được thông suốt, không để ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành. EVN cũng đã lập phương án ứng phó, hệ thống cung ứng điện và lưới điện được dự báo sẽ bị ảnh hưởng lớn, do vậy cũng phải làm việc với các đơn vị bạn để khi cần thiết có thể huy động nguồn lực hỗ trợ ứng phó, xử lý./.

Đức Dũng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục