Ưu tiên hàng đầu của EU là tăng tốc tiêm vaccine phòng COVID-19

10:02' - 21/01/2021
BNEWS Ngày 21/1, các nhà lãnh đạo EU bước vào hội nghị thượng đỉnh trực tuyến để thảo luận việc phối hợp ứng phó với đại dịch COVID-19, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.
Chủ đề quan trọng của chương trình nghị sự là việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên quy mô lớn và huy động mọi nguồn lực sẵn có để hạn chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19. Các lãnh đạo EU cũng sẽ chia sẻ về những giải pháp các nước đã thực hiện và thảo luận phương hướng triển khai chống dịch trong những tuần tới.

Về vấn đề vaccine ngừa COVID-19, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ xem xét tình hình triển khai tiêm chủng cũng như cách đảm bảo tăng năng lực sản xuất trong thời gian tới và tiếp cận công bằng với vaccine ngừa COVID-19.

Các nhà lãnh đạo cũng sẽ tranh luận về cách tiếp cận chung đối với chứng nhận tiêm chủng trên toàn EU. Vấn đề hợp tác với các nước thứ ba về vaccine, những nước lân cận trong khu vực và xa hơn nữa, sẽ được các lãnh đạo xem xét.

Trong thư mời các lãnh đạo EU, Chủ tịch Michel cho biết ưu tiên hàng đầu của EU là tăng tốc độ tiêm chủng trên toàn khối. Ông Michel đánh giá tỷ lệ lây nhiễm được ghi nhận trên khắp châu Âu cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn là điều cần hết sức thận trọng. Mặc dù triển vọng tiêm chủng là đáng khích lệ, người dân vẫn phải cảnh giác và tiếp tục phương pháp tiếp cận dựa trên xét nghiệm và truy vết, để cho phép đi lại qua biên giới trong EU được thuận lợi.

Chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 được triển khai từ ngày 27/12 trên toàn EU. Theo đó, vaccine được phân phối đến tất cả các quốc gia thành viên cùng lúc và trong những điều kiện như nhau. Cho đến nay, EU đã cấp phép tiếp thị có điều kiện cho 2 loại vaccine ngừa COVID-19. EU cũng đã đạt được thỏa thuận đối với 4 loại vaccine ứng viên khác.

Tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu trong hai ngày 10-11/12 vừa qua, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chuẩn bị cho việc triển khai và phân phối vaccine kịp thời để đảm bảo vaccine sẵn có kịp thời và đồng bộ. Hội đồng châu Âu cũng lưu ý rằng sự xuất hiện của vaccine không có nghĩa là sự kết thúc của đại dịch và kêu gọi những nỗ lực bền vững được thực hiện để chống lại sự lây lan của virus./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục