Vải thiều Hải Dương chính thức lên sàn thương mại điện tử của người Việt

11:15' - 16/05/2021
BNEWS Mùa vải năm 2021 là lần đầu tiên Viettel Post đưa vải thiều Thanh Hà lên sàn thương mại điện tử voso.vn.

Ngày 15/5, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương, Tổng Công ty Cổ phần bưu chính Viettel chi nhánh Hải Dương (Viettel Post Hải Dương) phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà đã chính thức công bố đưa quả vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) lên sàn thương mại điện tử voso.vn. 

Sàn thương mại điện tử voso.vn là nền tảng thương mại điện tử được phát triển bởi Viettel, thành lập từ năm 2019 và chính thức đi vào vận hành từ năm 2020.

Tháng 3/2021, trong đợt dịch COVID-19, sàn thương mại điện tử voso.vn đã trực tiếp kết nối, tiêu thụ được một lượng lớn nông sản cho Hải Dương, góp phần chia sẻ với những khó khăn của người nông dân tỉnh này trong bối cảnh dịch bệnh.

Mùa vải năm 2021 là lần đầu tiên Viettel Post đưa vải thiều Thanh Hà lên sàn thương mại điện tử này.

Ông Trần Văn Phú, Phó Giám đốc thương mại điện tử Chi nhánh Viettel Post Hải Dương cho biết: Với lợi thế có đội ngũ nhân viên hệ thống Viettel Post đông đảo trên toàn quốc, sản phẩm được bán trên sàn thương mại điện tử voso.vn được thu mua tận gốc từ vườn và giao tới tận tay người tiêu dùng với mức phí vận chuyển ưu đãi. Khách hàng các tỉnh, thành khi đặt mua đơn hàng dưới 20 kg chỉ mất 22.000 đồng phí vận chuyển.

Về thời gian vận chuyển, Viettel Post có hành trình đường thư và logistic rất thuận lợi, nhanh chóng, vải thiều từ khi thu hoạch đến với người tiêu dùng chỉ khoảng 2 ngày nên vẫn đảm bảo chất lượng. Riêng với người tiêu dùng trong tỉnh Hải Dương sẽ được hỗ trợ giao hàng miễn phí khi mua vải thiều Thanh Hà trên sàn voso.vn.

Để chuẩn bị cho việc lần đầu tiên đưa vải thiều lên sàn, Chi nhánh Viettel Post Hải Dương đã hướng dẫn cho các hợp tác xã tạo gian hàng trên voso.vn và thực hiện các bước để bán hàng trên sàn. Đơn vị cũng đã ký kết với các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu để cho chi nhánh triển khai bán hàng giúp bà con nông dân và các hợp tác xã.

Với người trồng vải Hải Dương, đây là tín hiệu vui được người nông dân rất kỳ vọng. Gia đình ông Nguyễn Thành Công, thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà có 25 sào trồng vải với khoảng 200 gốc vải.

“Người nông dân Thanh Quang chúng tôi cam kết cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng, quả vải đáp ứng tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Năm nay, vải được bán trên sàn thương mại điện tử, chúng tôi rất vui mừng vì từ giờ không còn phụ thuộc nhiều vào thương lái Trung Quốc như trước. Sắp tới quả vải quê hương càng được nhiều nơi biết đến hơn và thu nhập, kinh tế của người nông dân chắc chắn sẽ ngày càng phát triển”.

Chính quyền địa phương đánh giá và kỳ vọng trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử là kênh phân phối thuận lợi nhất trực tiếp từ các hộ sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà cho biết: “Diện tích vải của huyện Thanh Hà hiện có khoảng trên 3.300ha, sản lượng ước khoảng 40.000 tấn. Đến nay, huyện đã làm việc với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm vải thiều chính hiệu Thanh Hà đưa lên các sàn đảm bảo chất lượng tốt nhất, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng nhất. Huyện cũng đã in và duy trì tem truy xuất nguồn gốc đối với các hợp tá xã. Khi vải thiều đến với người tiêu dùng đều được dán tem truy xuất nguồn gốc và có nhãn hiệu rõ ràng”.

Theo ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công thương Hải Dương, việc đưa sản phẩm vải thiều Thanh Hà lên sàn thương mại điện tử là một trong những điểm mới của Hải Dương năm 2021 nhằm nỗ lực thúc đẩy việc tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch COVID-19.

Ông Hảo khẳng định đây là một kênh tiêu thụ có nhiều lợi ích không chỉ với bà con nông dân mà với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các sàn thương mại điện tử sẽ giúp cho quả vải thiều có thêm cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng trong và ngoài nước, từ đó, mở rộng thị trường và thêm một kênh tiêu thụ hiệu quả, bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống.

Thông qua đây, rút ngắn thời gian đưa quả vải đến tay người tiêu dùng, giảm chi phí và tăng thu nhập cho người nông dân. Sau vải thiều, tới đây, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh giới thiệu, quảng bá và bán rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử.

Ngoài ra, một điểm mới khác trong mùa vải năm nay của tỉnh Hải Dương là để thúc đẩy việc xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm vải thiều, tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh với sự tham gia của khoảng 30 điểm cầu từ ít nhất 12 quốc gia, vùng lãnh thổ. 

Tỉnh Hải Dương hiện có trên 9.100ha vải, sản lượng năm 2021 ước khoảng 55.000 tấn, tập trung tại huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh. Cơ bản các diện tích vải tại hai địa phương này đã sản xuất theo hướng VietGAP, trong đó, 1.000ha được cấp chứng nhận VietGAP. Bên cạnh đó, tỉnh có 520ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP với 50ha được cấp chứng nhận.

Năm nay, dự kiến 50% sản lượng vải của Hải Dương (trong đó chủ yếu vải sớm) xuất khẩu Trung Quốc, 40% tiêu thụ trong nước, khoảng 5-7% xuất khẩu đi các thị trường khó tính (Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU, Singapore, ….) và 5% chế biến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục