Vải thiều Hải Dương trước những cơ hội lớn khi nhu cầu trên thế giới tăng

18:34' - 28/05/2022
BNEWS Hiện nay, quả vải Việt Nam nói chung, trong đó có vải thiều Hải Dương đứng trước những cơ hội lớn khi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đang có xu hướng tăng lên

Ngày 28/5, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương phối hợp tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: "Nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn góp phần thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vải thiều Thanh Hà".

 

Diễn đàn có sự tham gia của 7 doanh nghiệp, đại diện các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn…
Theo thông tin tại diễn đàn, diện tích vải thiều của cả nước hiện nay khoảng 53.000 ha và sản lượng hàng năm khoảng 360.000 tấn. Tỉnh Hải Dương có khoảng 9.000 ha và sản lượng hàng năm ước khoảng 60.000 tấn.
Vải thiều Hải Dương vốn là đặc sản của vùng đất Thanh Hà, đã được trồng hàng trăm năm. Vải thiều Thanh Hà được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý  từ năm 2007. Từ đó đến nay, vải thiều Thanh Hà đã được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế vinh danh về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, đến nay vải thiều Hải Dương đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác; kết nối tiêu thụ qua các Sàn thương mại điện tử: Lazada, Sendo, Voso và Postmart...

Thị trường xuất khẩu của vải thiều Hải Dương tập trung các nước như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á... Tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại tìm kiếm mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.
Tuy vậy, việc sản xuất vải thiều ở Hải Dương vẫn còn gặp một số khó khăn. Vùng trồng vải tiêu chuẩn xuất khẩu, vải VietGAP lớn, số hộ dân tham gia rất đông nên việc chỉ đạo, triển khai, giám sát nông dân thực hiện các yêu cầu kỹ thuật gặp khó khăn.

Diện tích vùng sản xuất vải được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP còn nhỏ so với tổng diện tích trồng. Sản lượng xuất khẩu sang các thị trường cao cấp chỉ mới đạt khoảng 5% tổng sản lượng vải hàng năm của tỉnh, còn lại, khoảng 45% sản lượng vẫn đang xuất khẩu sang Trung Quốc. Số doanh nghiệp lớn vào đầu tư vào lĩnh vực chế biến và xuất khẩu vải thiều chưa nhiều.
Các ý kiến tại diễn đàn nhìn nhận, hiện nay, quả vải Việt Nam nói chung, trong đó có vải thiều Hải Dương đứng trước những cơ hội lớn khi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đang có xu hướng tăng lên, hiệp định Thương mại tự do Liên minh Việt Nam-EU (EVFTA) cũng đã mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu rau, quả.
Theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, vải thiều Hải Dương đã có mặt tại các thị trường cao cấp. Hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường ngày càng khắt khe, do vậy đòi hỏi các địa phương cần ngày càng phải chú trọng tuân thủ về quy trình sản xuất.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học, doanh nghiệp, đại diện hộ nông dân trồng vải đã cùng thảo luận đưa ra các giải pháp để nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng quả vải thiều Hải Dương. Các ý kiến tập trung về giải pháp quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất; quy trình chăm sóc, bảo quản vải nhằm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; liên kết sản xuất; các quy trình xuất khẩu vải vào các thị trường cao cấp…

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, quả vải Việt Nam hiện nay đã có mặt tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mỗi thị trường đều có những tiêu chuẩn khắt khe riêng. Đơn cử, để sang được thị trường Nhật Bản, từ khi vải ra hoa đến thu hoạch phải có 100 ngày chăm sóc đặc biệt, qua 5 lần đánh giá tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Trong quá trình chăm sóc, phải thường xuyên cắt tỉa quả để quả vải thu hoạch đảm bảo đồng đều và kích thước đạt tiêu chuẩn 25-30 quả/kg. Trước khi thu hái, cần kiểm tra hàm lượng đường tối thiểu ở quả vải.
Sơ chế và bảo quản trước khi xuất khẩu cũng phải được thực hiện đúng quy trình. Điều kiện lưu thông phải bảo đảm về độ ẩm. Các thị trường Mỹ, Úc, EU, Trung Quốc… cũng đòi hỏi tiêu chuẩn nghiêm ngặt để đảm bảo quả vải giữ được độ tươi khi xuất khẩu.
Hiện nay, tỷ lệ vải xuất khẩu đã qua chế biến chỉ chiếm từ 5-7% và từ 95-97% còn lại xuất khẩu theo dạng quả tươi. Theo ông Duy, dù xuất khẩu vải tươi hay chế biến thì phải đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào, như vậy mới giảm được tổn thất sau thu hoạch và nâng cao được uy tín.
Để nâng cao chất lượng quả vải, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì các vùng vải thiều xuất khẩu thế mạnh, quy hoạch và mở rộng hợp lý vùng trồng vải theo quy trình sản xuất hữu cơ, GAP, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn OCOP.
Ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, niên vụ vải năm 2022, Hải Dương tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với diện tích là 500 ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha, ngoài ra có gần 6000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GAP cơ bản.
Hàng năm, tỉnh sẽ đánh giá và cấp chứng nhận vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, cấp mã số vùng trồng vải để truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, chuyển đổi các vùng vải trồng xen giữa giống vải chính vụ với giống chín sớm thành những vùng sản xuất cùng một giống hoặc cùng nhóm giống có cùng thời gian thu hoạch để thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

Tỉnh cũng tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ cơ sở, các hộ nông dân nắm được những tiêu chuẩn, quy định về kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu; kỹ thuật chăm sóc vải; ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ vải.
Giải pháp về xúc tiến thương mại và tiêu thụ, tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm vải thiều Hải Dương kết hợp với quảng bá xúc tiến du lịch; ứng dụng công nghệ số hóa thông tin sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng tra cứu truy xuất nguồn gốc. Hải Dương cũng tích cực mời gọi doanh nghiệp đến thăm vùng sản xuất, bàn biện pháp liên kết tiêu thụ vải; song song với khai thác tốt thị trường truyền thống thì mở rộng các thị trường xuất khẩu cao cấp…
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện công ty cổ phần Ameii Việt Nam, chất lượng vải thiều Thanh Hà đã được nâng lên. Là doanh nghiệp đã qua 3 năm xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản, ông … Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết, sản lượng vải công ty xuất khẩu tăng lên theo từng năm.
Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay là nhiều nông dân, hợp tác xã chưa hiểu vai trò của liên kết trong tổ chức sản xuất. Doanh nghiệp rất mong muốn được đồng hành lâu dài với địa phương, với người dân để đưa vải thiều Hải Dương đến với nhiều nước trên thế giới.

Năm 2022, dự kiến Công ty cổ phần Ameii Việt Nam sẽ xuất khẩu 3.600 tấn vải. Để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm đáp ứng thị trường cao cấp, đẩy mạnh xuất khẩu đối với các nông sản chủ lực, cần có sự thích ứng một cách chủ động từ người nông dân.
Mùa vải thiều năm 2022 của Hải Dương có năng suất và sản lượng vượt trội. Toàn tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 9.000ha vải thiều, sản lượng vải năm 2022 dự kiến 60.000 tấn, tăng 10% so với năm 2021.
Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà cho biết, năm nay, vải sớm Thanh Hà được mùa, được giá. Giống vải U trứng trắng cực sớm có giá 160.000-180.000 đồng/kg; vải u hồng hiện đang có giá 40.000 đồng/kg./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục