Vai trò "2 nhà" trong phát triển thương mại

15:16' - 18/05/2018
BNEWS Thương mại, dịch vụ trong nước giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.
Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển thương mại. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Ngày 18/5, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong phát triển thương mại, dịch vụ”.

Theo ông Nguyễn Văn Hội – Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, những năm gần đây, thương mại dịch vụ trong nước giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.
Cùng với đó, chủ trương phát triển thị trường trong nước để kích thích tiêu dùng nội địa đã được triển khai khá rộng khắp trên cả nước, cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân nên đã tạo được những kết quả quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Giai đoạn 2011- 2017, mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 10%/năm, đạt 3.568 tỷ đồng vào năm 2016 và đạt 3.234 tỷ đồng vào năm 2017 (4 tháng đầu năm 2018, ước đạt 1.399 tỷ đồng, tăng 9,85% so với cùng kỳ 2017).
Mặc dù ở giai đoạn từ 2011 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng có chậm lại, nhưng tính chung từ 2006 đến 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ.
Các loại hình hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư và có sự tăng trưởng nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở các đô thị và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài. Chợ truyền thống tuy tốc độ gia tăng chững lại trong thời gian gần đây nhưng vẫn giữ được vai trò quan trọng, duy trì sự cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại với lưu lượng hàng hóa qua chợ trung bình từ 35%-40%.
Tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ; trong đó gần 75% là chợ nông thôn. Đa phần là các chợ hoạt động hiệu quả (97%) và thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ, số lượng chợ đầu mối trên cả nước còn khiêm tốn (cả nước có 83 chợ, chiếm 0,97%).
Tính đến hết năm 2017, cả nước có 957 siêu thị tại 62/63 tỉnh, thành phố (Hà Giang là tỉnh chưa có siêu thị) và 189 trung tâm thương mại tại 51/63 tỉnh, thành phố. Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành; tại các khu vực nông thôn, ngoại thành thì chưa phát triển. 189 trung tâm thương mại tại 51/63 tỉnh, thành phố. Riêng số lượng siêu thị và trung tâm thương mại tại 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ lần lượt chiếm 47% và 50% so với số lượng siêu thị và trung tâm thương mại cả nước.

Ông Lê Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, nhằm tăng cường xúc tiến thương mại phục vụ phát triển thương mại trong nước, thương mại biên giới, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại khu vực biên giới, miền núi; trong đó, có các chương trình như hội chợ thương mại.
Ông Đinh Việt Thanh, đại diện  Tổng Công ty May 10 cho biết, khó khăn lớn nhất đối với sản phẩm hàng hóa đã có uy tín trên thị trường, đó là nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Doanh nghiệp phải tự “chống chọi” bằng nghiệp vụ hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật có khi còn gặp rủi ro về phản ứng tự phát do tự bảo vệ mình.
Đối với doanh nghiệp có uy tín, doanh nghiệp thương hiệu mạnh, thương hiệu quốc gia… để được xã hội ghi nhận họ không thể bớt, tiết giảm chi phí bắt buộc như: bảo hiểm xã hội, an toàn bảo hộ lao động, chính sách lao động nữ, các chí phí khác liên quan trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là bất lợi khi phân phối tại cùng một thị trường mà vai trò quản lý vĩ mô chưa ổn định.

Bà Lê Thị Mai Linh - Phó Chủ tịch Điều hành quan hệ đối ngoại và truyền thông Central Group Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, Big C Việt Nam và Central Group Việt Nam luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong nước trong phát triển hàng Việt và thương hiệu Việt, từ đó làm nền tảng cho quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới để phát triển bền vững.
“Tại Hệ thống siêu thị Big C, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ nhà cung cấp và nhà sản xuất mở rộng mạng lưới phân phối, phát triển thương mại dịch vụ” – bà Linh nói.
Để phát triển thương mại, dịch vụ tại các tỉnh trong cả nước ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các bộ ngành triển khai phát triển hạ tầng thương mại theo các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt.

Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành liên quan (đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…) hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mạ.

Đồng thời nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan nhằm hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh doanh.

Đặc biệt, chú trọng tới việc hỗ trợ về kỹ năng quản lý cũng như đào tạo về kỹ năng chuyên môn cho lao động trong ngành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục