Vai trò của Mỹ trong đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu

05:30' - 30/03/2022
BNEWS Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã công bố báo cáo về triển vọng năng lượng thường niên, với kết luận không gây ngạc nhiên rằng mức tiêu thụ năng lượng của Mỹ sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2050.

Tờ The Hill dẫn đánh giá của chuyên gia kinh tế Bernard L. Weinstein – Giáo sư danh dự chuyên ngành kinh tế ứng dụng của Đại học North Texas của Mỹ, cho rằng chỉ Mỹ mới có thể đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu, nhưng Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cần tăng cường nỗ lực để thể hiện vai trò này trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay.

Cách đây vài tuần, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã công bố báo cáo về triển vọng năng lượng thường niên, với kết luận không gây ngạc nhiên rằng mức tiêu thụ năng lượng của Mỹ sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2050.

Mặc dù năng lượng tái tạo được dự báo là nguồn năng lượng phát triển nhanh nhất, nhưng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong ít nhất 28 năm tới.

EIA cũng dự đoán rằng xăng và dầu diesel sẽ vẫn là nhiên liệu chính mà ngành giao thông vận tải tiêu thụ trong tương lai gần. Tuy nhiên, do cuộc xung đột Nga-Ukraine, nếu châu Âu và các khu vực khác trên thế giới thành công trong việc loại bỏ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, và Mỹ phản ứng bằng cách thúc đẩy sản xuất trong nước và xuất khẩu, thì dự báo mới nhất của EIA về sản xuất nhiên liệu hóa thạch sẽ cần được điều chỉnh trong những năm tới.

Trong thời gian gần đây, cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine và mối quan hệ giữa các cường quốc trên toàn cầu đã tác động không nhỏ đến lĩnh vực năng lượng. Vai trò của Nga với tư cách là nhà xuất khẩu chủ chốt về cả dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, và vị trí của Ukraine như cầu nối giữa nguồn dầu khí của Nga với một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất trên thế giới là Liên minh châu Âu (EU), cho thấy rằng đây cũng là một cuộc xung đột có liên quan đến năng lượng.

Hậu quả là giá năng lượng tăng đột ngột và tăng mạnh đã tạo thêm gánh nặng lạm phát vốn đã đáng kể đối với hầu hết quốc gia trên thế giới. Giá dầu thô Brent tính theo ngày đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 15 năm khi thế giới chuyển sang thoái vốn khỏi hydrocarbon của Nga trong bối cảnh nguồn cung chưa từng có.

Và đã có lời kêu gọi tiếp theo từ các nhà lãnh đạo thế giới về việc khoan dầu và khí đốt nhiều hơn để bổ sung nguồn cung năng lượng trong ngắn hạn và nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

Trong khi đó, là nước sản xuất dầu khí số một thế giới, Mỹ sẽ có khả năng đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu. Điều đó sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng Mỹ có thể thực hiện các bước đi ngay từ thời điểm hiện nay để thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng trong nước, song hành với các biện pháp trừng phạt Nga. Mặc dù vậy, Mỹ đang phải đối mặt với một số thách thức không nhỏ để thể hiện vai trò của mình.

Trước hết, triển vọng đẩy mạnh sản xuất dầu khí tại Mỹ tăng mạnh vẫn còn xa vời. Sản lượng dầu của Mỹ, hiện vào khoảng 11,6 triệu thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm 2019 là 13 triệu thùng/ngày. Số lượng giàn khoan đang hoạt động đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, nhưng con số 519 giàn khoan vẫn kém xa mức cao nhất từ trước tới nay là 1.600 giàn vào năm 2014.  

Bên cạnh đó, giống như các lĩnh vực khác của nền kinh tế, ngành kinh doanh năng lượng tại Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng. Trong thời gian đại dịch xảy ra, nhiều công nhân trong ngành này đã nghỉ việc tại các khu vực khai thác dầu đá phiến như lưu vực Permian ở phía Tây bang Texas và bang New Mexico và khu vực Bakken ở bang North Dakota và bang Montana.

Hệ quả là các công ty khai thác dầu đá phiến phải tìm kiếm công nhân có tay nghề với chi phí cao và nguồn cung hạn chế. Trong khi đó, chi phí cho cát frac, một thành phần rất quan trọng cho việc hoàn thiện giếng khoan, đã tăng gần 200% trong năm 2021 và vỏ thép cho các lỗ khoan cũng càng ngày càng đắt đỏ và khó tìm. 

Ngoài ra, vẫn có rất ít hoạt động khoan mới đang diễn ra trên các vùng đất và vùng biển của liên bang, hiện đang cung cấp khoảng 25% sản lượng dầu và 11% khí đốt tự nhiên của Mỹ. Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa đưa ra kế hoạch mới khi chương trình cho thuê 5 năm của Mỹ đối với thềm lục địa, bao gồm cả Vịnh Mexico, sẽ hết hạn vào tháng 6/2022.

Cùng với đó, 9.000 hợp đồng cho thuê đã được phê duyệt đối với các khu đất liên bang vẫn chưa đạt hiệu quả. Đó là chưa tính đến khâu bảo đảm hợp đồng cho thuê chỉ là bước đầu tiên để phát triển giếng dầu hoặc khí đốt. Thử nghiệm địa chấn cũng là khâu cần thiết để xác định khả năng tìm thấy hydrocarbon trên khu đất cho thuê.

Tiếp đến là khâu cấp giấy phép mở đường tới khu đất cho thuê và xây dựng các tuyến tập kết để vận chuyển dầu và khí đốt đến các cơ sở xử lý. Sau đó, có thể mất tới 140 ngày để có được giấy phép khoan đối với hợp đồng cho thuê liên bang. 

Trong bối cảnh đó, Chính quyền Tổng thống Biden cần một giải pháp thực tế về chính trị và năng lượng nếu Mỹ muốn duy trì vai trò đầu tàu về năng lượng và cung cấp nguồn cung dầu và khí đốt tự nhiên cho các quốc gia sẵn sàng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga.

Những biện pháp hữu hiệu có thể được cân nhắc gồm loại bỏ các quy định khó khăn về sản xuất dầu và khí đốt, đẩy nhanh việc triển khai các hợp đồng cho thuê liên bang cả trên đất liền và ngoài khơi, xúc tiến việc phê duyệt xây dựng các đường ống và các cơ sở xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới trong thời gian tới nhằm nâng cao khả năng của Mỹ trong việc bán nhiều dầu khí cho châu Âu. 

Cuối cùng song cũng không kém phần quan trọng khi Mỹ tăng cường thể hiện vai trò đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu. Nỗ lực này của Mỹ cũng sẽ có lợi cho vấn đề bảo vệ môi trường bởi Mỹ sản xuất dầu và khí đốt với lượng phát thải khí nhà kính về cơ bản thấp hơn đáng kể so với Nga. Đây là một yếu tố đáng lưu ý bởi Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc mới đây đã đưa ra cảnh báo rõ ràng nhất về những nguy cơ mà nhân loại phải đối mặt do tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nhanh trên toàn cầu.

Như vậy, những thách thức địa chính trị mà thế giới đang phải đối mặt là rất sâu sắc, và tác động trực tiếp đối với sự gia tăng đáng kể của chi phí sinh hoạt đối với hầu hết quốc gia vẫn cần được ưu tiên.

Cuộc khủng hoảng không làm chệch hướng những tiến bộ đã đạt được cho đến nay về an ninh năng lượng nói riêng và nhiều vấn đề quan trọng khác nói chung. Đã đến lúc Chính quyền Tổng thống Biden phải đảo ngược hướng đi và nỗ lực nhiều hơn nữa để thể hiện vai trò đầu tàu trong đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục