Vẫn còn “khoảng trống” trong tài trợ chuỗi cung ứng

18:00' - 08/11/2023
BNEWS Tài trợ chuỗi cung ứng đang là lĩnh vực phát triển nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn “khoảng trống” lớn, do các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không tiếp cận được với nguồn tài trợ.

Tài trợ chuỗi cung ứng (SCF) là một phần quan trọng trong quản lý chuỗi cung ứng, giúp kết nối bên mua, bên bán và các tổ chức tài trợ tài chính. Tài trợ chuỗi cung ứng giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí tài chính và cải thiện hiệu quả kinh doanh. Xu hướng này đang ngày càng phát triển trên thế giới, nhưng vẫn còn “khoảng trống” rất lớn, khi rất ít doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể tiếp cận được. Đây là thông tin ghi nhận tại Diễn đàn Quản trị nguồn vốn, do Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 8/11.

 
Theo ông Sylvester Kinuthia, Giám đốc khối Ngân hàng Giao dịch, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, tài trợ chuỗi cung ứng đang là lĩnh vực phát triển nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn “khoảng trống” lớn, do các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không tiếp cận được với nguồn tài trợ. Trong bối cảnh này, công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận với các nguồn tài trợ trong chuỗi cung ứng dễ dàng hơn.

Dẫn chứng về mối quan hệ giữa ngân hàng và công ty công nghệ tài chính (fintech), ông Sylvester Kinuthia phân tích, mối quan hệ này hiện không còn là mối nguy mà là cơ hội để hai bên thúc đẩy năng suất ngày càng cao hơn. Nhờ có công ty fintech, các ngân hàng có thể tập trung vào sản phẩm cốt lõi, thay vì tìm cách giảm chi phí vận hành. Ngược lại, nhờ có ngân hàng, các công ty fintech có thể tiếp cận nguồn vốn tài trợ, giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính và hoạt động ổn định hơn.

Chuyên gia này cho rằng, tài trợ chuỗi cung ứng giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí tài chính và cải thiện hiệu quả kinh doanh. Việc xây dựng một nền tảng công nghệ đủ mạnh sẽ giúp xác thực công nợ thanh toán của người mua. Từ đó, hỗ trợ ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kết nối vào chuỗi cung ứng hàng hóa dễ dàng hơn.

Ngoài vấn đề tài trợ chuỗi cung ứng, Diễn đàn Quản trị nguồn vốn cũng thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia tài chính và quản trị nguồn vốn. Đại diện đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau đã cùng thảo luận, kết nối và trao đổi ý tưởng về sự phát triển trong quản trị nguồn vốn. Với chủ đề “Kế hoạch Quản trị nguồn vốn tương lai”, diễn đàn là sự kiện hàng đầu toàn cầu nhằm khám phá cách mà chuyển đổi số và công nghệ tiên tiến đã và đang giúp các nhà quản trị nguồn vốn nắm bắt các mô hình kinh doanh mới và bền vững cho tương lai.

Theo bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, diễn đàn mang đến cơ hội đặc biệt giúp các chuyên gia và các nhà quản lý doanh nghiệp cùng gặp gỡ và trao đổi ý tưởng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế không ngừng phát triển và tập trung vào tầm quan trọng của tính thanh khoản trong kinh doanh.

“Sự kiện này lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, khẳng định cam kết của Standard Chartered qua việc thúc đẩy tài chính toàn diện và đổi mới trong các hoạt động quản trị nguồn vốn và hỗ trợ sáng kiến của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển đất nước. Phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ là một trong những ưu tiên trong chiến lược của Standard Chartered. Các yếu tố này phù hợp với định hướng phát triển bền vững của chính phủ Việt Nam, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và lộ trình chuyển đổi số thuộc Chương trình chuyển đổi số quốc qia vào năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, bà Michele Wee chia sẻ.

Tham dự diễn đàn, bà Emily Hamblin - Tổng Lãnh sự Anh tại Tp. Hồ Chí Minh kiêm Giám đốc Thương mại Anh tại Việt Nam nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Vương quốc Anh sau 50 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao. Diễn đàn Quản trị nguồn vốn là một ví dụ tuyệt vời về cách hai bên đang hợp tác để xây dựng cho tương lai. Chuyển đổi số đang tái định nghĩa lại cách vận hành doanh nghiệp.

Tại diễn đàn, các chuyên gia tập trung chia sẻ về cách chuyển đổi số đang định hình tương lai các xu hướng quản lý tiền mặt tại Việt Nam và ASEAN; cải thiện tính thanh khoản của doanh nghiệp thông qua số hóa quy trình quản lý tiền mặt; triển khai chiến lược và tận dụng các công cụ kỹ thuật số để tối ưu hóa quy trình quản lý tiền mặt, dự báo dòng tiền, quản trị nguồn vốn tập trung và quy trình thanh toán tự động. Những chiến lược này giúp tăng cường tính thanh khoản đáng kể và mang lại sự ổn định về tài chính cao hơn cho doanh nghiệp và giúp các doanh nghiệp có thể ứng phó trước những thách thức và cơ hội một cách hiệu quả…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục