Vấn đề Brexit: Khó khăn trong đàm phán về tài chính

12:04' - 20/06/2017
BNEWS Đàm phán đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, chính thức khởi động ngày 19/6 được dự báo sẽ rất khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính.
Bắt đầu đàm phán về Brexit. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz đã nhận định như vậy khi nói về tiến trình đàm phán đang bị coi là eo hẹp về thời gian để có thể đạt được một thỏa thuận làm hài lòng cho cả hai phía. 

Phát biểu trên chương trình phát thanh "Oe1 Morgenjournal", Ngoại trưởng Kurz, đồng thời là lãnh đạo đảng Nhân dân trung hữu của Áo, cho biết các cuộc đàm phán liên quan đến chi phí và ngân sách sẽ đặc biệt gặp khó khăn khi mà hiện nay London đang nợ các đối tác trong EU.

Ông khẳng định: "Chúng ta sẽ chẳng nhận được gì từ một mối quan hệ mà cuối cùng sẽ tan vỡ hoàn toàn".

Ông thậm chí còn không tin rằng Anh sẽ duy trì được mối quan hệ láng giềng. Trước đó, EU yêu cầu Anh tất toán trước các “hóa đơn” rời khỏi châu Âu phù hợp nhất có thể, theo đó tính đến cả những cam kết về ngân sách đến ngày nước này chính thức chia tay EU với con số không chính thức vào khoảng 60 tỷ euro. Tuy nhiên, theo cách tính của tờ The Financial Times, con số này lên tới 100 tỷ euro. 

Liên quan đến nền kinh tế Anh, ngày 19/6, một ngày sau khi Anh và EU khởi động tiến trình đàm phán về Brexit, Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) nhận định tốc độ tăng trưởng của kinh tế "xứ sở sương mù" có thể sẽ chững lại trong vài năm tới do những xáo trộn chính trị trong nước, đặc biệt là tác động từ tiến trình Brexit.

Theo số liệu cập nhật mới nhất của CBI, kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng 1,6% trong năm nay trước khi chậm lại còn 1,4% trong năm 2018 sau khi tăng trưởng 1,8% trong năm ngoái. Mặc dù vẫn dự báo nền kinh tế sẽ phát triển ổn định, CBI cho rằng tăng tưởng kinh tế của Anh sẽ chậm lại trong vài năm tới, thậm chí tiếp tục đối mặt với những "cơn gió ngược" khi các cuộc đàm phán Brexit và những bất ổn chính trị tác động đến hoạt động kinh tế. 

Từ một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) trong năm 2016 (1,8%), kinh tế Anh đã ghi nhận sự chững lại trong những tháng đầu năm nay do sự mất giá của đồng Bảng sau khi Anh tiến hành cuộc trưng cầu ý dân quyết định vận mệnh của đất nước một năm trước đó, đẩy mức lạm phát lên cao, ảnh hưởng chi tiêu của người tiêu dùng./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục