Vấn đề Brexit: Thủ tướng Anh gửi EU hai bức thư trái ngược về đề nghị gia hạn Brexit

09:55' - 20/10/2019
BNEWS Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gửi hai bức thư tới Liên minh châu Âu (EU) liên quan đề nghị gia hạn Brexit.
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 17/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 20/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gửi hai bức thư tới Liên minh châu Âu (EU) liên quan đề nghị gia hạn Brexit, song nội dung hai bức thư này thể hiện rõ những bất đồng trên chính trường Anh về việc nước này rời EU.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, hai bức thư được gửi đúng 0 giờ (7 giờ Hà Nội). Bức thư đầu tiên gửi tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk để đề nghị gia hạn Brexit theo Đạo luật Benn mà Hạ viện Anh thông qua hồi tháng trước, song ông  Johnson không ký vào thư này.

Bức thư thứ hai có chữ ký của Thủ tướng Johnson, trong đó kèm đề nghị của các nghị sĩ Anh gia hạn Brexit, song Thủ tướng Anh khẳng định ông tin rằng quyết định trì hoãn Brexit là một sai lầm.

Bức thư thứ hai này kêu gọi lãnh đạo các nước EU yêu cầu các nghị sĩ Anh cân nhắc lại quyết định của họ và bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit đã được Anh và EU đạt được vào ngày 17/10  mà không có thêm bất cứ động thái trì hoãn nào khác.

Trong lá thư, ông đã lấy làm tiếc rằng Quốc hội Anh đã bỏ qua cơ hội thúc đẩy tiến trình thông qua thỏa thuận.

Theo ông, việc tiếp tục gia hạn Brexit sẽ làm tổn hại đến lợi ích của Anh và các đối tác EU, cũng như mối quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ tự tin rằng sẽ hoàn tất được việc thông qua thỏa thuận vào ngày 31/10.

Ngoài ra, Đại sứ Anh tại Liên minh châu Âu (EU) Tim Barrow cũng đã gửi một lá thư tới EU, trong đó giải thích rằng việc gửi thư đề nghị gia hạn Brexit chỉ là môt thủ tục theo luật.

Người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Anh cho hay ông Boris Johnson sau đó đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và ông Tusk về Brexit.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Tusk cho biết sẽ bắt đầu tham vấn các lãnh đạo về cách thức phản ứng.

Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết ông cũng đã thảo luận tình hình với người đồng cấp Anh, và chúc ông Johnson thành công trong giai đoạn tiếp theo khi bỏ phiếu tại quốc hội.

Trước đó cùng ngày, với tỷ lệ 322 phiếu thuận và 306 phiếu chống, Hạ viện Anh đã ủng hộ một đề xuất do cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ Oliver Letwin soạn thảo, theo đó không tiến hành bỏ phiếu trong ngày 19/10 về thỏa thuận Brexit mới đạt được giữa Thủ tướng Johnson và các nhà lãnh đạo EU ngày 17/10 vừa qua cho đến khi toàn bộ dự luật chính thức về Brexit được chính thức thông qua.

Theo luật, nếu Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận Brexit mới trong ngày 19/10, Thủ tướng Johnson sẽ phải đề nghị EU hoãn Brexit đến cuối tháng 1/2020.

Tuy nhiên, nếu toàn bộ dự luật chính thức về Brexit được quốc hội thông qua, ông Johnson vẫn có thể thực hiện Brexit đúng hạn chót 31/10.

Phản ứng trước diễn biến này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, một quyết định trì hoãn mới đối với việc đưa nước Anh rời khỏi EU “sẽ không đem lại lợi ích của bất cứ ai”.

Một quan chức Điện Elysee cho hay Tổng thống Pháp đã điện đàm với Thủ tướng Anh và chia sẻ quan điểm của ông về sự cần thiết phải nhanh chóng đưa ra một lời giải thích.

Ông Macron cũng hối thúc Thủ tướng Johnson làm sáng tỏ quan điểm của London về vấn đề Brexit sau thất bại trong một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội nước này, qua đó buộc người đứng đầu Chính phủ Anh phải tìm kiếm một quyết định gia hạn khác từ EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục