Vấn đề người di cư: EU sẽ đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ

12:02' - 18/03/2016
BNEWS Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz tuyên bố, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn đổ về châu Âu từ phía Hy Lạp.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz. Ảnh: Reuters

Đêm 17/3, lãnh đạo 28 quốc gia thành viên EU đã thảo luận về cách thức gửi trở lại Thổ Nhĩ Kỳ những người tị nạn và nhập cư vào châu Âu từ Hy Lạp. Riêng trong năm 2015, hàng trăm nghìn người tị nạn đã vượt biển Aegea để tới Hy Lạp.

Tình trạng này đã gây nhiều áp lực lên các quốc gia Địa Trung Hải này - vốn bị ảnh hưởng bởi chính sách khắc khổ và hệ thống biên giới mở của EU.

Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho rằng thà không đạt được thỏa thuận còn hơn là một thỏa thuận tồi, đồng thời nhấn mạnh đây không phải là vấn đề “ bán tháo ” những giá trị của châu Âu mà điều cần thiết là “ đạt được một thỏa thuận chiến lược nếu như tất cả mọi người đều tuân thủ cam kết của mình ”.

Người đứng đầu Chính phủ Bỉ tuyên bố không chấp nhận việc “ mặc cả ” với Thổ Nhĩ Kỳ và rất “ cứng rắn, cương quyết ” bảo vệ những giá trị của châu Âu. Bỉ sẵn sàng làm tất cả sau khi thấy được những kết quả cụ thể. Thủ tướng Bỉ cũng kêu gọi lãnh đạo các quốc gia châu Âu bảo vệ một quan điểm chung và bày tỏ lo ngại về đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ bãi bỏ thị thực vào châu Âu cho công dân của họ.

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cùng chung quan điểm với Thủ tướng Bỉ.

Thổ Nhĩ Kỳ phải hoàn thành khoảng 70 tiêu chuẩn để có thể đạt được việc bãi bỏ thị thực. Tuy nhiên cho tới nay, quốc gia này vẫn chưa đáp ứng được 50% các tiêu chuẩn yêu cầu, trong đó có việc công nhận CH Cyprus (CH Síp).

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống CH Cyprus Nicos Anastasiades nhấn mạnh ông sẽ chấp nhận nếu Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành nghĩa vụ của họ trong khuôn khổ nghị định thư Ankara ký kết năm 2005 , trong đó có việc công nhận CH Cyprus.

Về phần mình, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hy vọng đạt được thỏa thuận sau hội nghị vì ông cho rằng “ không có sự lựa chọn ” nào khác . Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite cho biết ủng hộ một số chỉ trích chống lại thỏa thuận nguyên tắc được đưa ra tại hội nghị hôm 7/3.

Còn Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hy vọng đạt được thỏa thuận để dừng làn sóng người tị nạn bất hợp pháp và tạo một con đường hợp pháp.

Thủ tướng Anh David Cameron thì khẳng định ủng hộ ý tưởng gửi trả lại những người nhập cư từ các hòn đảo của Hy Lạp về Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh Anh sẽ tiến hành chính sách riêng về nhập cư và có chính sách tị nạn riêng .

Trong cuộc gặp song phương ngày 17/3 tại thủ đô Praha của CH Czech, Bộ trưởng Ngoại giao CH Czech Lubomir Zaoralek và Bộ trưởng Ngoại giao Italy Paolo Gentiloni cũng lên tiếng ủng hộ EU và kêu gọi tìm kiếm một giải pháp chung của châu Âu đối với vấn đề người tị nạn.

Ngày 18/3, EU và Thổ Nhĩ kỳ sẽ tiếp tục bàn bạc thỏa thuận về mặt nguyên tắc về vấn đề nhập cư mà hai bên thống nhất hồi tuần trước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục