Vấn đề tài chính ảnh hưởng thế nào đến cuộc tổng tuyển cử của Italy?

06:30' - 06/05/2017
BNEWS Hai vùng giàu có ở miền Bắc Italy là Lombardy và Veneto vừa thông báo kế hoạch tiến hành trưng cầu ý dân về quyền tự trị vào ngày 22/10 tới.
Vấn đề tài chính ảnh hưởng thế nào đến cuộc tổng tuyển cử của Italy? Ảnh: Reuters

Hai vùng này của Italy đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 80 tỷ euro/năm. Mặc dù kết quả của hai cuộc trưng cầu dân ý này không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng lại có thể gây ảnh hưởng quan trọng đến cuộc tổng tuyển cử ở Italy dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu năm 2018.

Paolo Grimoldi, một nhân vật chủ chốt thuộc đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (LN) cho biết lý do tổ chức trưng cầu dân ý ở Lombardy và Veneto chủ yếu là vấn đề tài chính.

Tại thời điểm hiện nay, cách duy nhất để giải quyết vấn đề của Lombardy và Veneto là tổ chức trưng cầu dân ý. Lâu nay, Chủ tịch Vùng Veneto là Luca Zaia (thuộc LN) đã lên tiếng kêu gọi chính quyền trung ương trao quyền tự trị khu vực lớn hơn nữa.

Ban đầu, ông Luca Zaia kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý để thăm dò ý kiến xem liệu người dân Veneto có muốn ly khai khỏi Italy hay chỉ muốn kiểm soát nguồn thu từ thuế ở vùng này. Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp Italy đã bác bỏ kế hoạch của ông Luca Zaia.

Thay vào đó, người dân Veneto giờ đây sẽ được hỏi ý kiến xem họ có muốn được trao “các hình thức và điều kiện đặc biệt về quyền tự trị” hay không? Trong khi đó, những nội dung cụ thể trong cuộc trưng cầu dân ý ở vùng Lombardy vẫn chưa được quyết định.

Quy chế dành cho các vùng ở Italy khá phức tạp. Bán đảo này cũng là nơi có hai nhà nước siêu nhỏ gồm San Marino và Thành quốc Vatican. Italy hiện có 20 vùng, trong đó có 5 vùng đang được hưởng quy chế đặc biệt.

Các hội đồng vùng Sardinia, Sicily, Trentino-Alto Adige/Südtirol, Aosta Valley và Friuli-Venezia Giulia đã được Chính phủ Italy trao cho các thẩm quyền đặc biệt liên quan đến vấn đề quản lý và lập pháp. Đây là một kiểu đặc ân mà hai vùng Lombardy và Veneto đang đấu tranh để có được, trong đó việc kiểm soát lớn hơn về tài chính là vấn đề quan trọng nhất.

Tuy nhiên, do kết quả các cuộc trưng cầu dân ý sắp tới không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nên vẫn chưa rõ nó sẽ tác động như thế nào đến Italy.

Italy dự kiến sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào đầu năm 2018. Ảnh minh họa: Reuters

Theo Giáo sư khoa học chính trị Franco Pavoncello đồng thời là Chủ tịch Đại học John Cabot ở Rome, một cuộc trưng cầu dân ý với kết quả ủng hộ mạnh mẽ quyền tự trị sẽ tạo nên động lực lớn cho các chính trị gia trong việc đấu tranh để giành được “miếng bánh lớn hơn” trong nguồn thu từ thuế, đồng thời biến vấn đề quyền lực của các địa phương thành ưu tiên hàng đầu trong các cuộc tranh luận chính trị.

Ông Pavoncello nói: “Vấn đề ở đây chỉ là tài chính. Chủ tịch Vùng Lombardy là Roberto Maroni từng nhấn mạnh rằng nếu nhà nước cấp thêm tài chính cho Lombardy, họ sẽ không tổ chức trưng cầu ý dân. Họ không đòi hỏi sự độc lập mà chỉ đòi hỏi thẩm quyền hành chính”.

Theo nhận định của ông Pavoncello, trong trường hợp kết quả trưng cầu ý dân với câu trả lời là “Có”, nhà nước lúc đó sẽ cần phải quyết định cách thức để phản hồi. Hiện có hai giải pháp chính để giải quyết vấn đề, đó là: cải cách toàn bộ đất nước để hướng tới một hệ thống liên bang, hoặc trao các quy chế đặc biệt cho những vùng đặc thù.

Lâu nay, LN vẫn vận động để đòi độc lập cho các vùng Veneto, Lombardy và Piedmont, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực giành độc lập của các khu vực ở châu Âu khác, chẳng hạn như Scotland và Catalonia.

Tuy nhiên, việc giành được thắng lợi trong các cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 10 tới cũng sẽ khiến LN “đau đầu” bởi họ đang phải vận động để mở rộng sự ủng hộ ở các khu vực miền Trung và miền Nam của Italy nhằm chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Chủ tịch LN là Matteo Salvini đã chính thức bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực của các ủy viên hội đồng vùng Veneto và Lombardy nhằm đòi quyền tự trị, nhưng lại không công khai ủng hộ việc tổ chức trưng cầu dân ý.

Các cuộc thăm dò trước đây ở hai vùng Lombardy và Veneto cho thấy cử tri ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực đòi đập lập cho hai vùng này. Tháng 12/2016, Hội đồng vùng Veneto đã thông qua một đạo luật xác định người dân Veneto là một “cộng đồng thiểu số”.

Điều này cho phép người dân ở vùng Veneto coi “quốc tịch” của họ là “người Veneto” và đưa ngôn ngữ địa phương vào giảng dạy trong trường học.

Tại thời điểm đó, nhật báo La Repubblica đã coi đây là một hành động ly khai của Veneto, gọi tắt là “Venexit”. Năm 2014, một cuộc thăm dò dư luận không chính thức trên mạng Internet do đảng Độc lập Veneto tiến hành cho thấy có tới 89% số người được hỏi ý kiến ủng hộ độc lập hoàn toàn cho vùng này.

Hai cuộc thăm dò tiếp sau đó trong cùng năm cho thấy tỷ lệ ủng hộ độc lập đối với Veneto ở mức lần lượt là 51% và 54%.

>>> Milan tham gia cuộc đua thu hút các công ty ở London hậu Brexit

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục