Vân Đồn - Động lực cho sự phát triển vùng Đông Bắc

15:19' - 23/05/2020
BNEWS Cùng với Hạ Long, Vân Đồn là đôi cánh vững chắc để Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030. 
Với cảng hàng không quốc tế và cao tốc nối Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái cũng như cơ chế chính sách đặc thù, hiện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã cơ bản hội tụ đủ các yếu tố để trở thành trung tâm của sự phát triển của Quảng Ninh cũng như vùng Đông Bắc. Cùng với Hạ Long, Vân Đồn là đôi cánh vững chắc để Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, lộ trình cho sự phát triển của Khu Kinh tế Vân Đồn đã được tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ những định hướng, chủ trương của trung ương, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, tâm lý của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn cũng như sự mong đợi của các nhà đầu tư, Khu Kinh tế Vân Đồn sẽ là một trong những bổ trợ cho mục tiêu xây dựng thành phố Quảng Ninh trước năm 2030.

* Hội tụ để phát triển

Tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ vừa có điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp và là cửa ngõ giao thương quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cho biết: Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng, thu hút các nhà đầu tư, tổ chức phân bố dân cư, phân bố đô thị, phân bố không gian các khu chức năng và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm đảm bảo môi trường sống bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Vân Đồn.

Như vậy, việc phát triển Khu kinh tế Vân Đồn mang tính đột phá, tập trung vào các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội. Cùng với đó là sự kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm lợi ích quốc gia, với giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội; tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại.

Theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 17/02/2020 với nhiều điểm mới so với quy hoạch đã được phê duyệt trước đó hơn 10 năm (năm 2009). Đó là đã cập nhật các dự án động lực gồm sân bay, đường cao tốc; quy mô dân số có sự thay đổi với giai đoạn 2030 là 140.000 – 200.000 người, giai đoạn 2040 là 300.000 – 500.000 người.

Định hướng cấu trúc phát triển không gian Khu kinh tế Vân Đồn chia theo 2 vùng gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, định hướng thành 5 vành đai phát triển gồm: Vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; Vành đai đô thị dịch vụ, văn hóa và vui chơi giải trí (khu vực phía Đông đảo Cái Bầu); vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (khu vực phía Tây đảo Cái Bầu); vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây (thuộc địa giới thành phố Cẩm Phả và huyện Tiên Yên).

So với quy hoạch cũ, định hướng phát triển không gian mới của Vân Đồn ngoài khu vực đảo Cái Bầu thì ở khu vực quần đảo Vân Hải được nghiên cứu và tối đa các giá trị sinh thái đặc hữu để tạo ra giá trị khác biệt cho Khu kinh tế Vân Đồn.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh đã đáp ứng yêu cầu phát triển Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển – đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế.

Mới đây nhất, Chính phủ cũng cho phép tỉnh Quảng Ninh thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh; trong đó Trưởng Ban quản lý là một Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu kinh tế Vân Đồn; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong Khu kinh tế Vân Đồn theo quy định của pháp luật.

Ban Quản lý đầu mối quản lý nhà nước về Khu Kinh tế Vân Đồn, đầu mối chính nghiên cứu, tham mưu, bám sát hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại Khu kinh tế Vân Đồn nhanh và bền vững, dựa trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của Vân Đồn; chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ tiên tiến; phát huy nội lực và thu hút ngoại lực.

* Hấp dẫn các nhà đầu tư

Để hiện thực mục tiêu Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào trước năm 2030, cùng với mở rộng địa giới hành chính, đô thị hạt nhân Hạ Long, Quảng Ninh ưu tiên đặc biệt đầu tư Khu kinh tế Vân Đồn. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung xây dựng và ban hành các quy chế và hệ thống công cụ quản lý quy hoạch; tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, đầu tư, tài nguyên môi trường theo quy hoạch đã được duyệt; hoàn thiện tổ chức, bộ máy Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 14/11/2019 Chính phủ.

Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã huy động, thu hút trên 57.600 tỷ đồng (tương đương 2,62 tỷ USD) để đầu tư kết cấu hạ tầng, các công trình động lực phục vụ phát triển Khu kinh tế Vân Đồn; trong đó, vốn ngân sách chiếm 30%, vốn ngoài ngân sách chiếm 70% - chủ yếu bằng hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh hiện có 34 dự án của các nhà đầu tư chiến lược đang được triển khai; trong đó, có 13 dự án đã giao cho chủ đầu tư, 11 dự án đang nghiên cứu quy hoạch và 10 dự án đã duyệt quy hoạch chi tiết, đang lựa chọn chủ đầu tư.

Tại các buổi làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư để lắng nghe ý kiến và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở Khu kinh tế Vân Đồn hồi tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thắng khẳng định quan điểm, Quảng Ninh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Song, các nhà đầu tư cũng cần phải trách nhiệm cùng với tỉnh trong việc huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là đối với những dự án đã được giao đất, cho thuê đất, dự án động lực, trọng điểm về dịch vụ, thương mại, du lịch đẳng cấp quốc tế.

Đến nay, tại Khu kinh tế Vân Đồn ngoài dự án Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư đã hoàn thành, đưa vào khai thác, các dự án còn lại đang được các nhà đầu tư vào cuộc triển khai một cách tích cực.

Điển hình gồm 13 dự án đã được tỉnh giao đất cho các chủ đầu tư, như: dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1 của Tập đoàn CEO; dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải của Công ty cổ phần Viglacera Vân Hải; Dự án Khu đô thị mới Ao Tiên; Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Dài của Công ty cổ phần Vân

Đồn Heritage Road; dự án Quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hải Đăng...

Tại dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (xã Hạ Long) của Tập đoàn CEO, chủ đầu tư đã bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng để thực hiện công tác san nền, đầu tư xây dựng các hạng mục; trong đó đã hoàn thành 98% khối lượng thi công gần 200 căn shop house mang tên Singapore Shoptel, sẵn sàng bàn giao cho khách hàng từ cuối quý II/2020.

Theo chủ đầu tư, hiện các hạng mục đang được đẩy mạnh thi công. Cụ thể, đã hoàn thành 192 căn Singapore shoptel, thi công hạ tầng kỹ thuật, bãi tắm dài 2km và đang chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 Singapore shoptel; hoàn thiện thủ tục đầu tư khách sạn 5 sao công suất 1.000 phòng với 3 thương hiệu Pullman, Novotel, IBis do Tập đoàn Accor quản lý...

Dự kiến tới đây, khi hoàn tất thủ tục đầu tư, Tập đoàn CEO tiếp tục triển khai đầu tư khách sạn 1.000 phòng, với tiêu chuẩn quốc tế 5 sao ở khu vực liền kề, tạo nên sự kết nối đồng bộ, với đầy đủ các dịch vụ tiện nghi đẳng cấp quốc tế, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của khách nội địa và quốc tế.

Công ty cổ phần Viglacera Vân Hải cũng đang tập trung đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải tại xã Quan Lạn. Hiện đã có 37 căn villa theo tiêu chuẩn quốc tế được đầu tư xây dựng, với khối lượng hoàn thành đạt khoảng 85%, dự kiến sẽ đưa vào khai thác, đón khách du lịch trong cuối tháng 9/2020.

Quảng Ninh tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án: Khu công nghiệp Y - Dược công nghệ cao; Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas; du lịch sinh thái tại xã đảo Ngọc Vừng; Khu dân cư đô thị Ocean Park; Quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Ao Tiên…

Tiếp đến tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công đối với những dự án có tầm nhìn chiến lược, có trọng tâm trọng điểm, tạo sức bật cho các dự án khác như Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp có casino; đường trục chính khu đô thị Cái Rồng; đường nối sân bay với khu phức hợp nghỉ dưỡng Vân Đồn…

Hiện tại, UBND tỉnh Quảng Ninh đang tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho phù hợp với Quyết định số 266 ngày 17/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040.

Ngoài ra, Quảng Ninh đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng đột phá nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương như phát triển đô thị xung quanh khu vực sân bay Vân Đồn; các khu công nghiệp công nghệ cao; đô thị du lịch gắn với bến du thuyền; du lịch cao cấp tại các đảo và các công trình, dự án ưu tiên đầu tư được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục