Vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động cầm cự để giữ chỗ

10:42' - 29/10/2021
BNEWS Sau gần nửa tháng hoạt động trở lại nhưng “bóng mây COVID” u ám vẫn bao phủ lên hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh ở Hà Nội. Chưa bao giờ các bến xe ở Hà Nội lại hiu hắt như những ngày này.

Mặc dù, doanh nghiệp đã tiết giảm tối đa lượng xe, nhưng phương tiện đỗ trong sân dường như còn nhiều hơn lượng khách đến bến. Sự ảm đạm bao trùm lên các bến xe những ngày đầu đông và trên cả gương mặt của những người bao năm gắn bó với nghề vận tải hành khách liên tỉnh. 

“Mất hết khách, xe gần như đi không về không. Ngay cả các mối chở hàng quen cũng mất vì người ta chuyển sang gửi xe luồng xanh được ưu tiên”, anh Lê Văn Việt - Nhà xe Linh Ngân chạy tuyến Giao Thuỷ - Quất Lâm - Giáp Bát chia sẻ trong khi chờ khách lên xe tại Bến xe Giáp Bát.

Những lái, phụ xe ngồi tán chuyện trên vỉa hè trong Bến xe Mỹ Đình cũng cho biết, dù vắng khách nhưng nhà xe vẫn phải hoạt động “cầm cự” để giữ chỗ.

“Xe chạy vắng khách thế này nếu cung đường ngắn như Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) - Bến xe Mỹ Đình thì lỗ từ 500 - 700 nghìn đồng/ngày. Còn các chặng xa như Mỹ Đình - Lại Châu hay Mỹ Đình - Điện Biên thì lỗ đến 2 triệu đồng/ngày”, một bác tài chạy tuyến Lập Thạch (Vĩnh Phúc) - Bến xe Mỹ Đình chia sẻ.

Quay lại hoạt động sau đợt dịch lần thứ 4 này, Bến xe Giáp Bát đã phải dồn 3 vị trí đỗ xe sang còn 1 vị trí. Còn trong sân Bến xe Mỹ Đình thì vắng vẻ chưa từng thấy. Nếu như ở các đợt dịch COVID-19 trước đây, Bến xe Mỹ Đình vẫn duy trì được lượng khách tương đối ổn hơn các bến xe khác thì đến đợt dịch lần này, khi quay trở lại hoạt động, cả sân bến chỉ có hơn chục xe “dài cổ” chờ khách.

Những hành khách đến các bến xe dịp này đều có việc rất cần thiết. Chị Nguyễn Thị Thủy (quận Hoàng Mai) chuẩn bị lên xe khách chạy tuyến Giáp Bát - Nho Quan - Me cho rằng, nếu lo dịch bệnh thì ra chợ đông người còn sợ hơn. Khách vắng, lên xe ngồi giãn cách và tuân thủ 5K nên cũng yên tâm. Vì 3 tháng chưa về nhà nên hết giãn cách xã hội chị Thủy quyết định về quê.

Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Lý Trường Sơn cho biết, theo kế hoạch, mỗi ngày, tại Bến xe Mỹ Đình có gần 1.000 chuyến, lượt vận tải khách liên tỉnh từ Hà Nội đi 17 tỉnh, thành phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc. Nhưng sau gần nửa tháng hoạt động trở lại, do khách vắng nên hiện nay chỉ được 100 chuyến, lượt đến 10 tỉnh, thành/ngày, đạt 10% so với kế hoạch. Lượng khách trên xe cũng chỉ đạt từ 10-20% số ghế.

“Đợt dịch thứ 4 kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của Bến xe Mỹ Đình cũng như nhà xe. Hiện Bến Mỹ Đình duy trì 30% quân số, còn lại phải tạm nghỉ việc ở nhà 3 tháng nay. Đối với các nhà xe, theo quy định, nếu 1 tháng, nhà xe không hoạt động đủ 70% số chuyến, lượt thì sẽ cắt chỗ. Nhưng tình hình dịch bệnh, vắng khách như thế này thì khó có thể áp dụng quy định vì nếu cắt thì sẽ chẳng còn xe nào” - ông Lý Trường Sơn chia sẻ.

Trong hoàn cảnh khó khăn tương tự, từ ngày 13 - 20/10, thành phố Hà Nội bắt đầu cho xe khách liên tỉnh hoạt động thí điểm trở lại với 5% số chuyến nhưng tại Bến xe Giáp Bát không có xe liên tỉnh nào hoạt động. Đến ngày 21/10, Hà Nội cho tất cả xe khách hoạt động bình thường nhưng số lượng xe hoạt động trở lại vẫn rất thấp.

Như ngày 26/10, tại Bến xe Giáp Bát chỉ được hơn 100 lượt xe chạy các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng hoạt động. Còn các tuyến Thanh Hoá; Hà Nam, Bắc Giang...  vẫn chưa hoạt động do tại các địa phương này vẫn đang có dịch.

Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho biết, cũng như Bến xe Mỹ Đình, tại Bến xe Giáp Bát sau nửa tháng hoạt động trở lại mới đạt 15% số lượng xe và từ 5-7% lượng khách so với trước khi giãn cách. Trước đây, tại bến có hơn 100 doanh nghiệp vận tải hoạt động với công suất từ 1200 - 1300 lượt xe/ngày, nay chỉ còn trên 10 doanh nghiệp với hơn 200 lượt xe/ngày.

“Dù chỉ 1 xe chạy, Bến vẫn phải vận hành cả bộ máy, thu không đủ chi. Bến hoạt động mang tính phục vụ và phụ thuộc vào nhà xe nên rất khó. 4 tháng nay anh chị em trong Bến xe phải nghỉ việc không lương”, anh Nguyễn Tất Thành cho hay.

Tại Bến xe Nước Ngầm, dù Hà Nội thực hiện thí điểm vận tải khách liên tỉnh từ ngày 13/10, nhưng đến ngày 20/10 tại bến mới có một số nhà xe chạy các tuyến Vinh, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Vũng Tàu hoạt động. Các xe đều vắng khách, chưa đạt 20% sản lượng trước thời gian giãn cách xã hội.

Ghi nhận của phóng viên, tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, biện pháp phòng chống dịch được triển khai đúng quy định. Bến xe bố trí cho hành khách thực hiện khai báo y tế bằng QR Code hoặc khai tại bàn khai báo; yêu cầu hành khách tuân thủ 5K; lập danh sách hành khách trước khi lên xe.

Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, vận tải khách liên tỉnh được dự báo vẫn sẽ còn khó khăn thêm một thời gian nữa. Khi dịch bệnh được kiểm soát, các cơ quan, nhà máy, trường học, cơ sở kinh doanh hoạt động bình thường trở lại thì doanh nghiệp vận tải mới có thể khởi sắc.

“Hoạt động khó khăn nhưng trong dịch COVID-19, các nhà xe vẫn chưa được hỗ trợ. Doanh nghiệp vận tải mong muốn, Nhà nước xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải trong việc vay vốn để vượt qua khó khăn” - anh Trần Quang Hùng, lái xe nhà xe Dũng Nguyên cũng như nhiều lái xe ở Bến Giáp Bát, Bến xe Mỹ Đình kiến nghị.

Để giải quyết những khó khăn đang tồn tại của các doanh nghiệp vận tảo hành khách, mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã kiến nghị thành phố về giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp; trong đó, đề ra giải pháp cụ thể như giảm phí dịch vụ bến bãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động để hoạt động vận tải khách dần trở lại trạng thái ổn định.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục