Vang mãi làn điệu Trống quân Đức Bác
“Từ sớm a đến giờ đào đi đâu? Từ sớm a đến giờ/Để cho mà anh đợi, anh chờ, anh mong/Kia hỡi i a trống quân...”- Đó là những lời ca mộc mạc, ân tình của làn điệu hát Trống quân Đức Bác, một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc của người dân huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiếng trống trầm bổng, ngân nga hòa cùng giọng hát luyến láy vang lên trong những lớp học nhỏ sẽ làm bất cứ ai một lần đi ngang qua làng quê Đức Bác rung động.
Lớp học đặc biệt ở Đức Bác
Mỗi chiều thứ 6, lớp học nhỏ nằm bên dòng Sông Lô lại vang lên tiếng hát Trống quân của học sinh Trường Tiểu học Đức Bác. Giọng hát non nớt, đôi khi còn lệch nhịp nhưng vẫn đủ để người nghe cảm nhận được khúc hát đẩy đưa, trong vòng tròn của chàng trai Đức Bác quanh những cô đào Phù Ninh.
Những lớp học này nằm trong kế hoạch thực hiện truyền dạy trực tiếp hát Trống quân Đức Bác tại các Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn xã Đức Bác, giai đoạn 2021-2025 do UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành. Việc giảng dạy trực tiếp Trống quân Đức Bác sẽ trao truyền tinh hoa văn hóa phi vật thể của địa phương cho thế hệ trẻ, giáo dục truyền thống quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc.
Chương trình truyền dạy được đưa vào thông qua các làn điệu Trống Quân dễ nhớ, dễ thuộc, tính chất tươi vui, phù hợp đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh cấp Tiểu học.
Các làn điệu Trống Quân Đức Bác được sáng tạo nghệ thuật, bảo đảm giữ nguyên giá trị cốt lõi, không thực hành truyền dạy sai lệch, biến thể cách điệu hiện đại hóa. Học sinh các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở xã Đức Bác được truyền dạy thông qua buổi học ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, trong một số tiết học âm nhạc, lồng ghép vào nội dung giáo dục địa phương.
Ông Nguyễn Kiều Hưng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Trống quân xã Đức Bác cho hay, từ đầu năm 2021 đến nay, Câu lạc bộ hát Trống quân xã Đức Bác phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh mở hai khóa dạy hát Trống quân cho học sinh trên địa bàn xã. Bằng niềm đam mê, tình yêu với hát Trống quân, các nghệ sỹ của Trung tâm văn hóa tỉnh đã tận tình, tận lực truyền đạt lời ca, giai điệu Trống quân cho thế hệ trẻ. Các lớp học giúp học sinh hiểu và yêu thích làn điệu Trống quân của quê hương. Qua các lớp học lựa chọn được nhiều tài năng trẻ cho các Câu lạc bộ hát Trống quân của xã.
Em Lưu Hà Phương, lớp 5A2, Trường Tiểu học Đức Bác chia sẻ, mới đầu học, em cảm thấy khó. Với sự chỉ bảo tận tình của các nghệ nhân và thầy cô, càng học em càng thấy đam mê, muốn học nhiều hơn nữa làn điệu Trống quân truyền thống của quê hương mình. Giờ đã biết hát một số bài trống cơ bản, em còn dạy lại cho các bạn cùng lớp.
Cô giáo Vũ Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Bác chia sẻ, ngoài các lớp học do Trung tâm văn hóa tỉnh tổ chức, Nhà trường phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sông Lô đưa hát Trống quân Đức Bác vào chương trình giảng dạy cho học sinh từ khối lớp 1 đến khối lớp 5. Nhà trường tổ chức chuyên đề về hát Trống quân Đức Bác kéo dài 4 tuần, mỗi tuần 5 tiết, truyền dạy và giới thiệu cho các em về mục đích, ý nghĩa, giá trị đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này. Bên cạnh đó, trong tiết học âm nhạc, giáo viên dành thời lượng từ 15 - 20 phút để truyền dạy, ôn luyện cho các em về làn điệu Trống quân. Trong chương trình ngoại khóa, nhà trường lồng ghép, xây dựng tiết mục trình diễn hát Trống quân cho học sinh toàn trường.
Bảo tồn văn hóa truyền thống
Hát Trống quân Ðức Bác là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian vừa hát vừa múa. Trống quân Ðức Bác có tiết tấu, nhịp điệu mang đặc trưng của vùng trung du Bắc Bộ, thường gắn với nhịp phách của trống nên nhịp điệu khá rõ ràng, mạch lạc, giống tiết tấu của trống hội và gắn liền với lễ hội cầu đinh tại đình làng Ðức Bác. Năm 2019, Trống quân Ðức Bác được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và dân ca trên địa bàn, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ đối với nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ dân ca tiêu biểu tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Câu lạc bộ hát Trống quân Đức Bác hỗ trợ năm đầu tiên 80 triệu đồng, năm tiếp theo đến hết năm 2025 hỗ trợ 30 triệu đồng/năm.
Ông Lê Văn Lanh, Chủ tịch UBND xã Đức Bác cho biết, hiện nay, địa bàn xã có 3 Câu lạc bộ hát Trống quân, trong đó, có một câu lạc bộ do xã quản lý, còn lại hai câu lạc bộ của các thôn, tổng số hội viên có hơn 200 người, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Đến nay, xã đã có 3 người được công nhận là Nghệ nhân dân gian hát trống quân. Các câu lạc bộ thường xuyên tổ chức tập hát, dạy hát Trống quân cho cháu nhỏ ở địa phương nhằm bảo tồn, thu hút lớp kế cận tham vào câu lạc bộ. Bên cạnh đó, các các Câu lạc bộ hát Trống quân Đức Bác phối hợp với một số trường học trên địa bàn huyện Sông Lô tổ chức trình diễn nghệ thuật hát Trống quân Đức Bác, giới thiệu về lịch sử hình thành, thời điểm diễn xướng, nét riêng của hát Trống quân Đức Bác, qua đó, góp phần quảng bá, giữ gìn giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của quê hương.
Hằng tuần, các Câu lạc bộ hát Trống quân của xã Đức Bác tổ chức buổi sinh hoạt, biểu diễn hát Trống quân tại nhà văn hóa thôn thu hút nhiều người dân đến xem và cổ vũ. Tiếng trống kết hợp lời ca mượt mà, giản dị tạo nên những làn điệu Trống quân hát ân tình, đưa đẩy vang mãi bên dòng sông Lô.
- Từ khóa :
- Trống quân Đức Bác
- Vĩnh Phúc
- hát Trống quân
- Sông Lô
Tin liên quan
-
Đời sống
Biểu diễn âm nhạc miễn phí trên các chuyến xe lửa cổ tại Đà Lạt
13:15' - 27/11/2023
Ngày 27/11, ông Nguyễn Võ Minh Chánh, Trưởng ga Đà Lạt - Trại Mát (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết, tuyến tàu du lịch đã bắt đầu thực hiện chương trình biểu diễn âm nhạc miễn phí phục vụ du khách.
-
Đời sống
5 phút trải nghiệm với Tháp nước Hàng Đậu
20:30' - 26/11/2023
Những ngày qua, Bốt Hàng Đậu trở thành một địa điểm tham quan vô cùng “hot” với cộng đồng mạng, đặc biệt khi Hà Nội đang trong những ngày thời tiết đẹp nhất.
Tin cùng chuyên mục
-
Đời sống
Người tiêu dùng châu Âu có thể “thắt lưng buộc bụng” đón Giáng sinh
15:10'
Mùa mua sắm Giáng sinh 2024 bắt đầu với sự kiện Thứ Sáu đen (Black Friday), nhưng người tiêu dùng châu Âu đang chi tiêu dè chừng hơn cho quà tặng trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế chậm chạp.
-
Đời sống
Khen thưởng 9 đơn vị bảo tồn, phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội
09:06'
Các đơn vị có thành tích xuất sắc về bảo tồn, phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội và tổ chức các hoạt động của không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
-
Đời sống
Xem ngay lịch âm dương hôm nay 4/12
05:00'
Xem ngay lịch âm hôm nay 4/12 nhanh nhất và chính xác nhất. Xem giờ tốt xấu ngày 4/12, việc nên làm, không nên làm hôm nay và lịch vạn niên tháng 12, chuyển đổi lịch âm - dương 2024.
-
Đời sống
Thông báo chính thức về nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ lễ năm 2025
21:09' - 03/12/2024
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có văn bản hướng dẫn các các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội và doanh nghiệp thực hiện nghỉ lễ, nghỉ Tết năm 2025.
-
Đời sống
Hàn Quốc cho 70% nam giới được nghỉ phép chăm con
17:09' - 03/12/2024
Hàn Quốc đã công bố kế hoạch cho phép 70% các ông bố nghỉ phép chăm con vào năm 2030 khi chính phủ nước này tăng cường nỗ lực giải quyết các thách thức cấp bách của quốc gia về nhân khẩu học.
-
Đời sống
Tháo gỡ khó khăn để người dân sớm di dời khỏi vùng nguy cơ sạt lở
15:01' - 03/12/2024
Chấp nhận sinh sống bên bờ sông Thạch Hãn đang sạt lở mặc dù khu tái định cư có sẵn, đó là tình trạng chung của nhiều hộ dân thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.
-
Đời sống
Ngắm mùa vàng Trùng Khánh
11:07' - 03/12/2024
Vào dịp này, trên các cánh đồng huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) trải khắp một màu vàng rực rỡ bởi những cánh đồng lúa chín.
-
Đời sống
Kiên Giang vận động quần chúng chung tay bảo vệ an ninh biên giới
10:54' - 03/12/2024
Những năm qua, bên cạnh nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang còn chú trọng công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
-
Đời sống
Trải nghiệm Hà Nội xưa qua chuyến tàu số 6
09:38' - 03/12/2024
Chuyến tàu số 6 được chia làm các toa xe với chủ đề: “Lúa-Thóc-Gạo", "Bếp-Chạn-Mâm", "Phở-Bún-Sợi", "Toa bao cấp” sẽ đưa du khách trải nghiệm tiến vào một cuộc hành trình trở lại với Hà Nội xưa.