VATM "bay" qua vùng bão

09:17' - 04/02/2022
BNEWS Với dự báo tình hình hàng không và phục hồi kinh tế năm 2022, VATM xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh với những chỉ tiêu về sản lượng điều hành bay và tổng doanh thu thấp hơn thực hiện năm 2021.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) là đơn vị duy nhất đang trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong 2 vùng thông báo bay Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 1,2 triệu km2 trên 35 đường bay quốc nội và 36 đường bay quốc tế; trong đó, có 2 đường bay nằm trong số 10 đường bay có mật độ bay cao nhất thế giới, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.

Tuy nhiên, “bão” COVID-19 càn quét trên phạm vi toàn thế giới đã làm ngành hàng không thiệt hại nặng nề.

 

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty - ông Phạm Việt Dũng nhận định: Năm 2022 và những năm tiếp theo được xác định tiếp tục còn rất nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nền kinh tế trong nước và thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường.

Trong bối cảnh như vậy, Tổng công ty tiếp tục các biện pháp ứng phó để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, đồng thời, sẵn sàng các biện pháp phục hồi sau khủng hoảng, đảm bảo các hoạt động bay an toàn.

Theo các phân tích về tình hình hàng không và dự báo phục hồi kinh tế trong năm 2022, VATM dự kiến xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm với những chỉ tiêu về sản lượng điều hành bay và tổng doanh thu thấp hơn ước thực hiện năm 2021 trên tinh thần tiếp tục cắt giảm hơn nữa các khoản chi phí đảm bảo hoạt động thường xuyên để cân đối thu chi, đồng thời vẫn duy trì chất lượng cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

Lãnh đạo VATM cho hay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, năm 2021, sản lượng điều hành bay của VATM giảm mạnh chưa bằng 1/3 so với thực hiện của năm 2019 - thời điểm chưa xuất hiện dịch COVID-19. So với năm 2020, sản lượng điều hành bay của Tổng công ty ước thực hiện 293.426 lần chuyến, bằng 69,21% và đạt 107,42% so với kế hoạch năm 2021.

Doanh thu của VATM bị giảm nghiêm trọng do sụt giảm sản lượng điều hành bay. Đồng thời, việc áp dụng mức giảm giá điều hành bay đi, đến quốc nội; các hãng hàng không trong nước và quốc tế gặp khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính dẫn tới khó khăn trong việc thanh toán tiền dịch vụ điều hành bay cho VATM. Tổng doanh thu của VATM chỉ đạt 1.437 tỷ đồng, bằng 82,82% so với thực hiện năm 2020 và tăng 5,56% so với kế hoạch năm 2021.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, năm 2021, VATM đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, cung ứng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay an toàn cho tất cả tàu bay dân dụng và vận tải quân sự hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc, trên vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam, các vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý và các vùng không phận được quyền hợp pháp; hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan quốc phòng giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc.

VATM đã tập trung các nguồn lực triển khai nhiều biện pháp quyết liệt giảm thiểu tác động của dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động.

Đồng thời, Tổng công ty cũng thực hiện các giải pháp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm từ yếu tố bên ngoài đến các lực lượng lao động, nhất là lực lượng trong dây chuyền cung cấp dịch vụ của Tổng công ty, nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ điều hành bay an toàn, thông suốt.

Là một ngành đặc thù liên quan đến an ninh, an toàn hàng không, ngay từ năm 2020, VATM đã xây dựng kế hoạch và triển khai ứng phó kịp thời với diễn biến của đại dịch COVID-19 tại các cơ sở bảo đảm hoạt động bay.

Các lực lượng trong dây chuyền cung cấp dịch vụ bao gồm kiểm soát viên không lưu, kỹ thuật, khí tượng, thông báo tin tức hàng không… được bố trí thành các nhóm trực chốt 24/24h tại cơ sở cung cấp dịch vụ; đồng thời, thực hiện đầy đủ các quy định về y tế phòng chống dịch.

Lãnh đạo VATM chia sẻ, với những khó khăn về tài chính, nguồn vốn tích lũy và cân đối cho hoạt động đầu tư phát triển cũng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, thời gian giãn cách dài nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ một số gói thầu. VATM buộc phải tạm dừng triển khai các dự án đầu tư chưa thật sự cấp bách; tích cực đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng và ưu tiên hoàn thành giai đoạn 5 năm (2021-2025).

Đó là các dự án thành phần 2 các công trình phục vụ quản lý bay thuộc dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1; dự án Trung tâm Kiểm soát không lưu ATCC/HCM; đầu tư các Trạm radar tại Nội Bài, Vinh, Cà Mau, Quy Nhơn, Cam Ranh; các đài kiểm soát không lưu tại các sân bay địa phương…

Song song đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, VATM tăng cường hợp tác quốc tế, từng bước đổi mới công nghệ. Vừa qua, VATM và USTDA (Cơ quan thương mại và phát triển Hoa Kỳ) đã ký thỏa thuận tài trợ phi dự án hỗ trợ kỹ thuật thí điểm về dự báo thời tiết hàng không tại Việt Nam.

Đây là khoản viện trợ phi dự án không hoàn lại, phi chính phủ nước ngoài của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua USTDA.

Theo đó, USTDA đồng ý cấp cho VATM hơn 1,064 triệu USD để thực hiện hỗ trợ kỹ thuật dự án thí điểm dự báo thời tiết hàng không tại Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực cho các dự báo viên, phục vụ điều hành bay; nâng cao năng lực cho các kiểm soát viên không lưu, nhân viên quản lý luồng không lưu.

Nhờ vậy, VATM có một sản phẩm tư vấn giúp xác định chiến lược dài hạn (5-10 năm) tối ưu về công nghệ, chi phí, nhân lực và phù hợp thực tế khai thác để nâng cấp năng lực hệ thống hàng không dân dụng Việt Nam.

Bên cạnh đó, VATM tiếp tục triển khai giải pháp ứng dụng các phương thức điều hành bay mới dựa trên công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng lực điều hành bay, tăng khả năng thông qua vùng trời.

VATM tiếp tục triển khai lộ trình thực hiện PBN (phương thức dẫn đường theo tính năng) đã hoàn thành nghiên cứu, xây dựng phương thức bay PBN tại các sân bay Cát Bi, Phú Bài, Liên Khương, Điện Biên, Thọ Xuân, Đồng Hới, Pleiku, Chu Lai, Rạch Giá, Côn Sơn, Phú Bài, Liên Khương, Cát Bi…

Triển khai áp dụng quy trình phối hợp xử lý theo dữ liệu hệ thống quản lý tàu bay đến, tàu bay khởi hành (AMAN/DMAN) tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Tiếp tục triển khai thử nghiệm khai thác quản lý luồng không lưu đa điểm nút trong khu vực.

Bước sang năm 2022, VATM tiếp tục phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan liên quan đảm bảo điều hành bay an toàn, thông suốt cho các hoạt động bay trong vùng trời trách nhiệm được giao.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt kiểm tra, giám sát an toàn, an ninh tại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; hoàn thành xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng an ninh hàng không của Tổng công ty và triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm soát chất lượng an ninh nội bộ của Tổng công ty./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục