VCCI: 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn

18:34' - 28/03/2019
BNEWS Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn ở mức cao. 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn.
Quang cảnh Lễ công bố chỉ số PCI. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ (USAID) khép lại sáng nay, ngày 28/3 tại Hà Nội, để lại nhiều dư âm và cũng không ít nỗi niềm băn khoăn của các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Việc tỉnh Quảng Ninh giữ vững ngôi vương trong bảng xếp hạng PCI 2018 không phải là điều đáng ngạc nhiên. Song sự trượt dài và tuột hạng của thành phố Đà Nẵng lại khiến nhiều người tiếc nuối và băn khoăn về nguyên nhân.

Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: “Chúng ta không khỏi lo lắng, khi chỉ số PCI mấy năm qua đã cho thấy sự chững lại của các ngôi sao cải cách và sự gian nan của những nỗ lực bứt phá của nhóm dẫn đầu. Điểm số PCI của các nhà vô địch vẫn chỉ mới qua ngưỡng 70/100 điểm kỳ vọng.

Điều này cho thấy, một mặt, dư địa cải cách vẫn còn nhiều; mặt khác cũng cho thấy những khâu, những việc cải cách dễ dàng các tỉnh, thành phố đều đã triển khai và bây giờ chúng ta đụng đến những khâu, những việc khó khăn hơn, thậm chí là cốt lõi cần phải được tháo gỡ từ trần thể chế, từ cấp Trung ương và từ các bộ ngành”.

Cùng với tỉnh Quảng Ninh được vinh danh sau 2 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng PCI, cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Đồng Tháp, Long An, Bến Tre đã tiếp tục có được sự tiến bộ vượt bậc.

Các doanh nghiệp cũng ghi nhận nỗ lực cải cách của các tỉnh, thành phố khác trên cả nước như Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Thành phố Hồ Chí Minh và đặc biệt là Hà Nội. Lần đầu tiên, Thủ đô Hà Nội lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và sự thông thoáng của môi trường kinh doanh, để tiến lên trở thành đầu tàu cho sự phát triển kinh tế của cả nước và hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong ASEAN trong tương lai gần.

Báo cáo PCI 2018 đã ghi nhận một số xu hướng nổi bật và rất đáng mừng trong những chỉ số phản ánh năng lực cạnh tranh của các tỉnh và thành phố.

Ông Đậu Anh Tuấn, đại diện Nhóm nghiên cứu, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết: “Chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước. Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn. Việc ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) so với doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng giảm đáng kể.

Các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến. Đặc biệt là việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp đã giảm đáng kể so với mấy năm trước. Đó là các tín hiệu cho thấy các nỗ lực cải cách hành chính và chống tham nhũng đã phát huy tác dụng”.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh vẫn được duy trì ở mức tương đối cao, với các con số như 49,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh; 42,4% doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại. Chỉ có 8,3% dự kiến giảm quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa (riêng đối với FDI thì tỷ lệ có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh cao hơn đạt tới 56%).

Song song với những mặt tích cực về môi trường kinh doanh mà Báo cáo PCI 2018 đã nêu bật, vẫn còn tồn tại nhiều điểm đáng quan ngại.

Ông Tuấn cũng cho hay, chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn. Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Vẫn có tới 40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và FDI hơn các doanh nghiệp tư nhân.

Việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Có tới trên dưới 30% doanh nghiệp cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác.

Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải… Tính minh bạch, cũng theo phản ánh của doanh nghiệp còn ít được cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao.

Các doanh nghiệp dân doanh nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ đang rất khó khăn. Để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân, việc khắc phục những điểm nghẽn thể chế và chính sách nêu trên vẫn cần là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ và cơ quan chính quyền các cấp.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia nước ngoài, Gs. Ts. Edmund Malesky, Đại học Duke (Hoa Kỳ), Trưởng nhóm nghiên cứu PCI đã có những dự đoán về tác động kinh tế của việc Việt Nam hội nhập quốc tế, tác động của việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và tác động của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Gs. Malesky nhận định, mặc dù Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời, tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, song trên thực tế, doanh nghiệp dân doanh trong nước chưa hội nhập sâu vào các chuỗi cung ứng.

Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp còn thiếu niềm tin vào tòa án và các doanh nghiệp FDI còn thiếu tin tưởng vào cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế tại Việt Nam. Cùng với đó, đa phần các doanh nghiệp đều không biết về các quy định pháp luật bảo vệ giao kết hợp đồng trong nước và nước ngoài.

Lý giải cho những thành công khi 2 năm liền tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, sở dĩ tỉnh đạt được ngôi vị quán quân là nhờ sự quyết tâm và kiên trì cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất.

Tỉnh đã hợp tác với tổ chức tư vấn quốc tế, nghiên cứu, triển khai các công việc quan trọng, chủ yếu nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn dân doanh và khuyến khích mô hình hợp tác công-tư. Ông Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, dù đạt vị trí đầu bảng nhưng lãnh đạo tỉnh không chấp nhận tâm lý thỏa mãn, xác định tinh thần năng động, tập trung nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp cũng như xác định mục tiêu tiếp tục tìm dư địa để hỗ trợ doanh nghiệp...

Có thể thấy rằng, đằng sau những thứ hạng cao là rất nhiều nỗ lực, rất nhiều tâm huyết, rất nhiều những sáng kiến cải cách hay cùng những mô hình mới hiệu quả đã được chính quyền các địa phương trăn trở và quyết liệt thực hiện.

Cụ thể như xây dựng trung tâm hành chính công với phương châm bốn tại chỗ; xây dựng cơ quan xúc tiến đầu tư độc lập để theo sát bước chân của nhà đầu tư; sáng kiến triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở ban ngành tại địa phương (DCCI) hay tổ chức các buổi sinh hoạt cafe doanh nhân cùng những cuộc đối thoại thân tình giữa doanh nhân và chính quyền….

Tất cả đều đã và đang phản ánh một phong trào thi đua để hội tụ những mô hình và sáng kiến cải cách. Vấn đề chỉ còn là thời gian và cần thêm cảm hứng để truyền lửa, thắp sáng ngọn đèn cải cách./.

>> Kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục