VCCI đề nghị bổ sung quy định về thời hạn giấy phép sản xuất kinh doanh hóa chất

17:17' - 07/07/2022
BNEWS Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đề nghị bổ sung quy định về thời hạn giấy phép sản xuất kinh doanh hóa chất.

Phản hồi đề nghị của Bộ Công Thương về việc góp ý xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 32/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017 của Bộ Công Thương quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đề nghị bổ sung quy định về thời hạn giấy phép sản xuất kinh doanh hóa chất.

 

Dự thảo quy định thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp là 5 năm. Theo VCCI, quy định này là phù hợp với quy định tại Luật Hóa chất 2017.

Tuy nhiên, cần xem xét việc từ thời điểm Luật Hóa chất 2017 có hiệu lực cho đến nay, giấy phép sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp là không có thời hạn và cũng chưa có thông tin về những khó khăn, bất cập liên quan đến quản lý khi không quy định thời hạn của giấy phép này.
Thời hạn của giấy phép có thể không phải là biện pháp quản lý cần thiết đối với một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì cơ quan cấp phép có thể giám sát hoạt động của doanh nghiệp thông qua các hoạt động kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện có thể bị đình chỉ hoạt động bất kì lúc nào.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc bổ sung quy định về thời hạn của giấy phép kinh doanh này. Trong trường hợp vẫn nhất thiết phải quy định về thời hạn của giấy phép, đề nghị kéo dài thời hạn của giấy phép là 10 năm và cho phép doanh nghiệp gia hạn khi hết thời hạn của giấy phép.
Theo VCCI, trong dự thảo cũng quy định mới yêu cầu tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm báo cáo đột xuất tình hình hoạt động hóa chất “khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” là chưa rõ ràng về các trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo và có thể tạo ra nguy cơ tùy nghi áp dụng từ phía cơ quan quản lý, gây khó khăn, phiền phức về thủ tục cho doanh nghiệp.
Những trường hợp xảy ra sự cố trong hoạt động hóa chất hoặc doanh nghiệp chấm dứt hoạt động hóa chất thì yêu cầu báo cáo đột xuất có thể được xem là hợp lý. Do vậy, để đảm bảo tính rõ ràng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải báo cáo “khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”.
Dự thảo còn bãi bỏ tất cả các quy định liên quan đến thủ tục hành chính. VCCI không rõ các thủ tục hành chính đã bị bãi bỏ sẽ được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác hay như thế nào, nên yêu cầu cơ quan soạn thảo giải trình về vấn đề bãi bỏ các quy định thủ tục hành chính này để đảm bảo tính minh bạch và chặt chẽ của chính sách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục