Về ngôi làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam

09:15' - 06/02/2019
BNEWS Đã bao giờ bạn đi trên con đường làng với hai bên là những bức tường thay vì rêu phong là những bức tranh thơ mộng đầy màu sắc? Hẳn bạn sẽ nghĩ điều đấy chỉ có trong chuyện cổ tích...
Hơn 100 ngôi nhà ở làng chài nghèo tỉnh Quảng Nam trở thành những bức tranh sinh động.

Về làng chài Tam Thanh bên bờ biển xứ Quảng bạn sẽ được thấy thế giới cổ tích đôi khi không khó để hoà mình trong đấy.

Cách thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam 5 km, làng chài Tam Thanh xinh xắn nằm sát bờ biển. Dưới bàn tay của các họa sĩ đến từ Hàn Quốc cùng các tình nguyện viên Việt – Hàn, hơn 100 ngôi nhà ở làng chài nghèo tỉnh Quảng Nam trở thành những bức tranh sinh động. Đây cũng là ngôi làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam.

Vừa đặt chân đến ngôi làng này, tôi thầm ghen tỵ với người dân nơi đây bởi từ nhà ra biển chỉ vài chục bước chân, từng con đường nhỏ dẫn ra biển bỗng trở nên thơ mộng khi được điểm tô những bức họa đầy tính nghệ thuật nhưng cũng thật gần gũi.

Mỗi bức họa như một câu chuyện nhỏ của người dân làng chài, từ những thuyền đánh cá xa bờ khi ánh bình minh vừa ló rạng, những gánh hàng tôm, hàng cá tất tả trên những con đường đất đỏ đến hình ảnh người mẹ hiền ngồi may áo cho con.

Đó còn là những cảnh thiên nhiên với các rặng dừa nghiêng bóng xuống dòng sông, những con thuyền cập bến buổi hoàng hôn trên biển, hay chính những nhân vật trong các ngôi nhà cũ, những phiên chợ quê góc làng. Có nơi là lão ngư với khuôn mặt dạn dày sóng gió, hay đứa bé thơ ngóng ra biển chờ cha.

Nhìn ngắm những bức tường bạn còn thấy như được khơi gợi những dấu ấn tuổi thơ không thể nào xóa nhòa trong tâm trí, từ thần đèn cao lớn trong câu chuyện Aladin đến những trò chơi dân gian còn trong ký ức bất cứ ai như: ném bóng, phi máy bay giấy...

Cứ như thế, thế giới hội họa đã khiến cuộc sống nơi đây không còn buồn tẻ và nặng nhọc không khí mưu sinh vất vả.

Chúng tôi ghé quán nhỏ trước hiên nhà chị Bùi Thị Ba được chị niềm nở tiếp đón như đã thân quen từ lâu. Chị đon đả nói: “mời các nhà báo tới chơi, không cần mua đồ gì đâu nhé”.

Rồi vừa rót trà chị vừa niềm nở kể, khi xưa ngôi làng rất nghèo, nhưng từ khi khoác lên những bức tranh cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi, mọi thứ dường như trở nên nhẹ nhàng hơn bao giờ hết. Có những bức tranh đẹp, gần gũi, đi làm về mệt ngắm tranh cũng thấy thư thái.

Chúng tôi đùa rằng chị nói “xạo”, giờ ai cũng lo cơm áo gạo tiền, thời gian đâu mà ngắm tranh. Chị Ba liền dẫn chứng ngay nhà mình. Chồng chị là anh Phan Ngọc Đức, cứ tinh mơ là anh ra khỏi nhà đi biển và trễ nhất là 1 giờ chiều anh đã trở về nhà với cá tôm đánh bắt được. Chị cho hay chồng chị không đi biển dài ngày mà mỗi ngày chỉ cần vậy rồi trở về nhà đan lưới bán cho ngư dân.

Còn chị Ba, trước lúc mặt trời mọc chị ra chợ lượm lặt ít hoa quả, bánh kẹo quẩy về bán tại quán nhỏ trước hiên nhà, dưới những bức tranh phản ánh đúng cuộc sống gia đình chị: chồng đan lưới quăng chài, vợ bán quán cóc.

“Cuộc sống nhẹ nhàng vậy thôi, mỗi ngày cả hai vợ chồng kiếm từ 300.000-500.000 đồng, nhà đẹp vầy mong nhiều người qua chơi để cùng thưởng thức cái đẹp”, chị Ba nói.

Càng đi sâu vào trong ngôi làng này càng thấy những tác phẩm nghệ thuật đẹp đến say lòng, hẳn ai cũng muốn hòa mình vào cuộc sống nơi xứ biển, quẳng lại sau lưng những lo âu thường nhật.

Tôi có cảm giác rằng, dù chỉ cách vài chục bước chân thôi biển ngoài kia có thể có lúc bão tố phong ba nhưng làng chài Tam Thanh vẫn là chốn dừng chân yên ả của những đoàn tàu ngoài khơi xa.

Chiều tà, cũng là lúc lũ trẻ trong làng ríu ran tan trường trở về nhà, màu áo trắng học trò thấp thoáng giữa những bức họa cùng những tiếng nói cười trong veo tạo nên một khung cảnh sống động và yên ả. Một cảm giác muốn về nhà!

Ký ức tuổi thơ chợt ùa về, tôi bỗng muốn mình bé lại. Mai này về Thủ đô phồn hoa, Tam Thanh hẳn sẽ là một góc nhỏ trong ký ức, để mỗi khi có dịp tôi lại muốn tìm về. Về với những bình yên!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục