Venezuela thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá

09:06' - 18/02/2016
BNEWS Tổng thống Venezuela tuyên bố nước này sẽ chỉ áp dụng 2 tỷ giá hối đoái chính thức: một tỷ giá do nhà nước quản lý và một tỷ giá hối đoái thả nổi mang tên Simandi.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: THX/TTXVN
Sáng 18/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo tới đây, nước này sẽ chỉ áp dụng 2 tỷ giá hối đoái chính thức: một tỷ giá do nhà nước quản lý phục vụ nhập khẩu những nhu yếu phẩm ưu tiên trong nền kinh tế quốc gia và một tỷ giá hối đoái thả nổi mang tên Simandi. Tỷ giá do nhà nước quản lý sẽ có mức 10 bolivar/1 USD và Simadi sẽ hoàn toàn do thị trường điều tiết. 

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, đây là một quyết định quan trọng trong chính sách tiền tệ của Venezuela thay đổi chính sách được áp dụng từ tháng 2/2015 với 3 tỷ giá chính thức, gồm Cencoex (6,3 bolivar/1 USD, dành cho việc nhập khẩu các nhu yếu phẩm của doanh nghiệp nhà nước), SICAD (13 bolivar/1 USD) và SIMADI (200 bolivar/1 USD) nhằm “cạnh tranh” với thị trường ngoại tệ chợ đen. Tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen hiện lên tới hơn 900 bolivar/1 USD. 

Tổng thống Maduro cũng tuyên bố một gói các chính sách kinh tế mới liên quan tới hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm, tiền tệ, du lịch và đầu tư, trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay tại nước này. Ông khẳng định an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu của chính phủ hiện nay do đó sẽ có sự thay đổi trong cơ cấu hoạt động của các tập đoàn sản xuất lương thực, thực phẩm cũng như hệ thống phân phối nhằm đảm bảo sản xuất và quản lý hiệu quả hơn. 

Ngoài ra, Tổng thống Maduro cũng kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch nhằm giảm bớt phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí, chiếm tới 96% tổng kim ngạch xuất khẩu và hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề do giá dầu thế giới lao dốc. Ông cũng thông báo sẽ tăng 20% lương tối thiểu cho người lao động từ ngày 1/3 tới. Đây là lần tăng lương thứ 39 tại Venezuela kể từ khi Venezuela tiến hành cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa thế kỷ XXI do cố Tổng thống Hugo Chavez khởi xướng từ 17 năm nay. 

Ông cũng cho rằng Venezuela đang bị các thế lực quốc tế thù địch bao vây tài chính và gây sức ép khiến nước này gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ cũng như thu về ngoại tệ, nhằm mục đích bắt Caracas phải khuất phục để rồi chiếm hữu nguồn tài nguyên của nước Nam Mỹ. Ông tố cáo đây là một âm mưu chiến tranh kinh tế do phe cánh hữu trong nước, được sự hậu thuẫn của kẻ thù bên ngoài, tiến hành. 

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, lần đầu tiên sau 20 năm, Chính phủ Venezuela đã quyết định tăng giá xăng từ mức 0,01 USD/lít lên 0,95 USD/lít. Tổng thống Maduro tuyên bố đây là một giải pháp cần thiết để đối đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay của quốc gia Nam Mỹ. Ông Maduro khẳng định sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định này. 

Với giá xăng bán lẻ rẻ nhất thế giới và có nhiều đường biên giới trên bộ, đặc biệt là 2.200 km với Colombia, Venezuela chịu nhiều thiệt hại do tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Ước tính, mỗi năm quốc gia Nam Mỹ này bị thiệt hại khoảng 12,5 tỷ USD do vấn nạn trên. 

Là một trong 5 thành viên sáng lập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Venezuela có trữ lượng dầu thô kiểm chứng đạt 298,4 tỷ thùng, chiếm 18% trữ lượng dầu thô thế giới. Dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Venezuela, chiếm tới 96% nguồn thu ngoại tệ. Tuy nhiên, từ năm 2014 tới nay, giá dầu thế giới liên tục lao dốc ảnh hưởng đáng kể tới nguồn thu của nước này. 

Việc tăng giá xăng là một trong những giải pháp mà từ lâu các chuyên gia đã đê cập tới góp phần khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng tại Venezuela. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến năm nay, kinh tế nước này suy giảm 6%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục