Venezuela trấn an các nhà đầu tư muốn đàm phán nợ

09:34' - 10/11/2017
BNEWS Venezuela khẳng định những quan chức tham gia đàm phán tái cơ cấu nợ với các nhà đầu tư nước ngoài vào ngày 13/11 tới đây sẽ không nằm trong danh sách bị chính phủ Mỹ áp lệnh trừng phạt.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, tuyên bố của Chính phủ Venezuela được đưa ra một ngày sau khi Bộ Tài chính Mỹ đe dọa sẽ phạt nặng những nhà đầu tư tham gia đàm phán tái cơ cấu nợ với 2 chính trị gia Venezuela có tên trong danh sách bị Nhà Trắng áp đặt trừng phạt kinh tế.

Trước đó, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro kêu gọi các chủ nợ tham gia đàm phán trong một hội nghị vào ngày 13/11 tới, với số tiền tái cơ cấu nợ trái phiếu nước ngoài lên tới 60 tỷ USD.

Phó Tổng thống Venezuela Tareck El Aissami và Bộ trưởng Kinh tế kiêm Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA), Simón Zerpa, sẽ đảm nhiệm công việc đàm phán với các chủ nợ.

Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo ông El Aissami và ông Zerpa đều có tên trong danh sách những người chịu lệnh trừng phạt của Nhà Trắng, do đó việc các nhà đầu tư đàm phán nợ với các quan chức này của Venezuela là hành vi “bất hợp pháp”.

Bộ Tài chính Mỹ đe dọa những công dân Mỹ vi phạm có thể bị phạt tù tới 30 năm và bị phạt tiền lên tới 5 triệu USD, và số tiền này có thể lên tới 10 triệu USD đối với các tổ chức.

Cùng ngày, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng thông báo Venezuela chưa yêu cầu tổ chức này hỗ trợ trong việc tái cơ cấu nợ với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại nước Nam Mỹ này.

Theo các chuyên gia, hiện nợ nước ngoài của Venezuela lên tới 150 tỷ USD, trong đó có 45 tỷ USD nợ công, 45 tỷ USD nợ của PDVSA, 23 tỷ USD nợ Trung Quốc và 8 tỷ USD nợ Nga. Số tiền lãi mà Venezuela phải trả từ này tới cuối năm vào khoảng từ 1,4 tỷ tới 1,8 tỷ USD.

Hầu hết các khoản nợ Trung Quốc và Nga sẽ được thanh toán bằng dầu mỏ. Venezuela là nước có trữ lượng dầu mỏ được xác nhận lớn nhất thế giới. Dầu mỏ là nguồn thu ngoại tệ chính, chiếm tới 95% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này.

Tuy nhiên, giá dầu giảm mạnh đã khiến Venezuela lâm vào khủng hoảng kinh tế trong năm qua, dẫn tới tình trạng khan hiếm hàng hóa. Trong khi đó, việc khai thác dầu suy giảm vì cơ sở hạ tầng của PDVSA đã xuống cấp nghiêm trọng. Lượng dự trữ ngoại tệ của nước này hiện chỉ còn 10 tỷ USD.

Các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế đang ngày càng lo ngại nguy cơ Venezuela vỡ nợ, trong khi các chuyên gia phân tích bày tỏ bi quan về khả năng tái cơ cấu nợ thành công. Nếu Venezuela không đàm phán thành công về tái cơ cấu nợ thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử một quốc gia sản xuất dầu lửa bị rơi vào vỡ nợ.

Cùng ngày 9/11, Chính phủ Venezuela đã bác bỏ việc Mỹ áp đặt trừng phạt đối với 10 quan chức nước này, cho đây là biện pháp “tuyệt vọng” của Nhà Trắng. Trên tài khoản Twitter, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza nhấn mạnh "hành động đương phương của Chính phủ Mỹ đã cố tình phớt lờ ý nguyện và quyền chủ quyền của người dân Venezuela".

Ông Arreaza khẳng định Venezuela là quốc gia tự do, độc lập và có chủ quyền, và Caracas sẽ thực thi quyền tự quyết của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục