VEPR khuyến nghị dỡ trần lãi suất huy động

16:18' - 10/05/2016
BNEWS Cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất huy động với các kỳ hạn rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn.
Cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất huy động với các kỳ hạn rất ngắn. Ảnh minh họa: TTXVN

Cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất huy động với các kỳ hạn rất ngắnMặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhiều khả năng sẽ chịu áp lực lớn nếu lạm phát tăng lên trong năm 2016. Cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất huy động với các kỳ hạn rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn.

Đây là một trong những kiến nghị trong Báo cáo thường niên 2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội công bố ngày 10/5.

Nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng, việc duy trì trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng (5,5%/năm) như hiện nay dẫn đến khó khăn trong việc thu hút tiền gửi của các ngân hàng thương mại. Đồng thời, làm gia tăng tiêu dùng và đẩy dòng vốn tiết kiệm vào các thị trường tài sản có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn.

Điều này có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng trên thị trường vốn.

Cùng với đó, Báo cáo cũng nêu rõ, phát triển thị trường vốn và hình thành đường cong lãi suất cần được ưu tiên cao để phát triển thị trường tài chính.

Đây là cơ sở tiên quyết để giảm chi phí vốn, thúc đẩy đầu tư tài sản cố định của khu vực tư nhân, tạo nền tảng tăng năng suất trong dài hạn.

Thị trường bán buôn ngân hàng cũng cần tạo cơ chế phát triển để cải thiện hiệu quả dẫn vốn của hệ thống ngân hàng. Thực trạng hiện tại, thị trường liên ngân hàng chỉ đóng vai trò cung ứng thanh khoản. Các ngân hàng tự huy động và sử dụng nguồn vốn huy động của mình để cho vay.

Cần kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài. Ảnh minh họa: TTXVN

Điều đó làm tăng chi phí vận hành của hệ thống ngân hàng và dễ tạo ra các cuộc đua lãi suất, đẩy mặt bằng lãi suất lên cao quá mức cân bằng thị trường.

Báo cáo cũng khuyến nghị, cần kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài dẫn tới hình thành bong bóng tài sản.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% cho năm 2016 là quá cao, trong bối cảnh lạm phát nhiều khả năng sẽ quay trở lại, do đó đề xuất xem xét mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2016 là 15% và thực hiện các biện pháp mang tính thị trường định hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất.

Cụ thể, có thể xem xét điều chỉnh tăng hệ số dự phòng chung, hệ số rủi ro với các khoản cho vay lĩnh vực không ưu tiên.

Đặc biệt, cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ.

Tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang chủ yếu tập trung ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường.

“Khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay bất động sản. Dự thảo Thông tư 36/2014/TT-NHNN sửa đổi đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều về tính cần thiết trong hoàn cảnh hiện tại của việc tăng cường các tỷ lệ an toàn với hoạt động cho vay trung dài hạn và bất động sản.

Sự thận trọng là cần thiết để tránh cho hệ thống ngân hàng cũng như các thị trường tài sản gặp các cú sốc. Tuy nhiên, một lộ trình thắt chặt hợp lý là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững của thị trường ”. Báo cáo nêu rõ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục