Nhiều rủi ro ngoại sinh với thị trường ngoại hối

15:28' - 10/05/2016
BNEWS Thị trường ngoại hối vẫn có thể tiềm ẩn những yếu tố rủi ro ngoại sinh, đáng kể nhất là nguy cơ khủng hoảng phát sinh từ thị trường mới nổi.
Hội thảo công bố Báo cáo thường niên 2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Dòng vốn đầu tư vào nội địa đang có dấu hiệu khả quan sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết hoàn thành và làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ.

Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá sẽ không chứng kiến những cú sốc lớn như trong năm 2015 và biến động khoảng 3-4% trong năm 2016”.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại bản Báo cáo thường niên 2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội công bố ngày 10/5.

Bản báo cáo cũng cho rằng, thị trường ngoại hối vẫn có thể tiềm ẩn những yếu tố rủi ro ngoại sinh, đáng kể nhất là nguy cơ khủng hoảng phát sinh từ thị trường mới nổi. Tuy nhiên, các yếu tố quan trọng hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá đều tương đối tích cực.

Trung Quốc đang ghi nhận những tín hiệu tương đối tích cực từ khu vực tiêu dùng và dịch vụ, sẽ có nhiều động lực kiểm soát biên độ mất giá của đồng Nhân dân tệ ở mức vừa phải, dưới 5%.

Cùng với đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang trong quá trình tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên sẽ gây sức ép lên tỷ giá trong nước. Chỉ số USD tháng 12 đạt mức 99,39, cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây và vẫn đang trong xu hướng tăng.

Trong diễn biến gần đây, lộ trình tăng lãi suất cơ bản năm 2016 của Fed đã được kéo dãn. Mức biên độ tăng được kỳ vọng chỉ còn 0,5% trong năm nay. Cùng với việc Fed chưa thực hiện giảm quy mô tài sản nắm giữ, thanh khoản tại các thị trường đang phát triển chưa bị ảnh hưởng thật sự mạnh mẽ.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN

Đánh giá về chính sách tỷ giá thời gian qua, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm về cơ bản rất tốt, đã giữ được ổn định tỷ giá trong suốt 5 tháng qua.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh vẫn còn nhiều áp lực lên tỷ giá. Thứ nhất đồng USD dự báo tiếp tục tăng lên do kinh tế Mỹ hồi phục, do Fed dự kiến có thể tăng lãi suất.

Thứ hai là Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh chính sách tỷ giá theo hướng giảm giá trị đồng Nhân dân tệ vốn dĩ đã bị định giá cao trong thời gian qua. Hai áp lực đó cộng với lạm phát có nhiều áp lực đã gây áp lực lên tỷ giá.

Đánh giá về tăng trưởng kinh tế trong năm 2016, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng rất khó để đạt được mức tăng trưởng như mục tiêu và khó vượt quá mức 6,5%.

Đồng thời, áp lực lạm phát có thể sẽ lớn hơn do chính sách tiền tệ nới lỏng và việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục