VEPR: Lạm phát khó giảm xuống dưới ngưỡng 4%

16:54' - 10/04/2017
BNEWS Theo nhóm nghiên cứu VEPR, mặc dù có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng áp lực lên lạm phát trong nước vẫn còn lớn. Trong những tháng tiếp theo, lạm phát khó có thể hạ dưới mức 4%.

Tại buổi báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức chiều 10/4, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tiền tệ theo hướng thận trọng và điều này phần nào khiến lạm phát cơ bản trong quý I giảm nhẹ so với năm 2016. 

Lạm phát giảm nhẹ trong quý I. Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN/BNEWS

Nhóm nghiên cứu VEPR dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước với tổng phương tiện thanh toán trong 3 tháng đầu năm tăng 3,52% so với cuối năm 2016, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tín dụng trong quý I đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây với mức tăng 4,0% so với cuối năm 2016. Mức tăng này cho thấy sự hấp thụ vốn của các doanh nghiệp có dấu hiệu tăng. 

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng nhận định, tăng trưởng huy động chỉ ở mức thấp đã tạo ra chênh lệch giữa huy động và tín dụng. Điều này có thể là nguyên nhân gây ra sự xáo trộn trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại mức trung bình của nửa đầu năm, dao động quanh ngưỡng 2-5%. 

Nhóm nghiên cứu VEPR cho rằng, lãi suất huy động trong quý I biến động nhẹ, chủ yếu đối với các gói huy động trung, dài hạn tại các ngân hàng thương mại nhỏ. Theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đã giảm xuống còn 50% kể từ đầu năm 2017. Điều này gây ra áp lực thay đổi cơ cấu nguồn huy động, đặc biêt đối với các ngân hàng thương mại nhỏ.

Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra tại những Ngân hàng thương mại nhỏ, với các gói huy đông trung và dài hạn. Trong khi đó, nguồn huy động ngắn hạn duy trì ổn định trong quý I, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4,8-5,4%. 

Nhóm nghiên cứu VEPR nhìn nhận, dù có dấu hiệu hạ nhiệt trong quý I, nhưng áp lực lên lạm phát trong nước vẫn còn lớn, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra. Lạm phát trong những tháng tiếp theo rất khó có thể hạ dưới mức 4% khi nhu cầu về tiêu dùng tăng trở lại, giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới tiếp tục hồi phục và các dịch vụ công vẫn còn cần điều chỉnh theo kế hoạch đã đặt ra. 

“Do vậy, chúng tôi cho rằng cơ quan điều hành vẫn cần phải theo sát diễn biến giá cả trong những quý tiếp theo”, nhóm nghiên cứu VEPR nhận định. 

Còn theo chuyên gia Trương Đình Tuyển, trong tương lai nếu Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, đồng USD sẽ mạnh lên và tạo ra sức ép về tỷ giá khá lớn cho Viêt Nam cũng như sức ép lên lạm phát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục