VEPR: Tăng trưởng 6,7% có thể đạt được

12:59' - 16/06/2017
BNEWS Tăng trưởng 6,7% có thể đạt được với quyết tâm hiện nay của Chính phủ, nhưng điều này đặt ra một vấn đề liệu tốc độ như vậy có bền vững hay không.
Tăng trưởng 6,7% có thể đạt được. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN
Kết quả dự báo cho thấy, tăng trưởng 6,7% có thể đạt được với quyết tâm hiện nay của Chính phủ, nhưng điều này đặt ra một vấn đề liệu tốc độ như vậy có bền vững hay không. Trong kịch bản này, lạm phát cả năm được dự báo khoảng 3,2%.

Đây là nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành tại buổi công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân – Đại học Quốc gia Hà Nội diễn ra sáng 16/6.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận định, trong kịch bản nền kinh tế tăng trưởng trong trạng thái “tự nhiên” hơn thì tăng trưởng năm 2017 dự kiến đạt 6,37% và lạm phát cả năm dừng ở mức thấp là 2,35%.

Với chủ đề “Đẩy nhanh cải cách vì một Nhà nước kiến tạo”, báo cáo được thực hiện trong bối cảnh tăng trưởng có xu hướng chững lại, năng suất nền kinh tế chậm cải thiện.

Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 5 (tháng 6 năm 2017) về các vấn đề kinh tế lớn đặt nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.

Báo cáo tập trung xem xét những vấn đề liên quan tới chủ đề cải cách thể chế nhằm hướng tới một nhà nước kiến tạo.

Nhóm nghiên cứu nhìn nhận, xuất phát từ bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu đổi mới thể chế nổi lên như là một trong những vấn đề cấp thiết nhằm đáp ứng các điều khoản, đặc biệt trong khía cạnh đầu tư, từ đó giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Đặc biệt, điểm mới của Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 là tập trung phân tích sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu và dịch chuyển chính sách tại Việt Nam.

Những phân tích này cho thấy xu hướng phát triển về mặt quy mô của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chủ yếu do sự dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp và khu vực chính thức.

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, tầng lớp trung lưu với mức sống khá giả hơn sẽ góp phần ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong tương lai, tạo ra mức sống chung, trung hoà sự chênh lệch giữa nhóm nghèo và nhóm giàu.

Bản báo cáo dành một phần nhận định tổng quan kinh tế Việt Nam 2016. Nội dung này cung cấp một cái nhìn đánh giá toàn cảnh về kinh tế Việt Nam trong năm 2016.

Trong bối cảnh phức tạp của môi trường toàn cầu, kinh tế Việt Nam tiếp tục bộc lộ những dấu hiệu cho thấy tính dễ tổn thương trước các cú sốc. Khu vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh bởi thiên tai cũng như sự cố môi trường biển.

Dù phục hồi trong nửa cuối năm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mức 6,68% năm 2015 và mục tiêu 6,3% mà Chính phủ đặt ra trong phiên họp thường kỳ tháng Chín.

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam được công bố lần đầu tiên vào năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua; đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và đề xuất các chính sách liên quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục