Vi phạm đê điều tại Thái Bình *Bài 1: Nhiều vi phạm kéo dài, khó xử lý

14:35' - 02/04/2024
BNEWS Từ năm 2018 đến năm 2023, số vụ vi phạm về lĩnh vực đê điều tại Thái Bình được phát hiện là 642 vụ, song chỉ mới giải quyết được 294 vụ, còn tồn đọng 348 vụ (chiếm 54%).

Thái Bình được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín, với 116 xã có đê. Thực hiện quy định pháp luật về đê điều, thời gian qua, Thái Bình đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý các vụ vi phạm, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn còn diễn biến phức tạp, công tác xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, nhất là với những vi phạm tồn đọng, kéo dài. Đây là vấn đề đáng lo ngại khi mùa mưa bão đang đến gần. Phóng viên TTXVN có 2 bài viết về nội dung này.

Bài 1: Nhiều vi phạm kéo dài, khó xử lý

Từ năm 2018 đến năm 2023, số vụ vi phạm về lĩnh vực đê điều tại Thái Bình được phát hiện là 642 vụ, song chỉ mới giải quyết được 294 vụ, còn tồn đọng 348 vụ (chiếm 54%). Nhiều vụ vi phạm kéo dài, dù cơ quan chức năng đã đôn đốc xử lý vi phạm.

* Vi phạm tồn tại nhiều năm

Đi dọc tuyến đê tả Hồng Hà 2 của tỉnh Thái Bình, không khó để bắt gặp những bãi trung chuyển vật liệu nằm ngay sát chân đê. Xã Minh Tân (huyện Kiến Xương) có hơn 4km đê nhưng có tới 5 bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng chưa được cấp phép. Việc vi phạm pháp luật về đê điều tại địa phương này tồn đọng nhiều năm, chưa được xử lý.

 

Vi phạm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuân Chuyền là một ví dụ. Năm 2006, UBND xã Minh Tân cho Công ty này (do ông Nguyễn Thanh Chuyền và vợ là bà Đặng Thị Xuân làm chủ) thuê gần 3.700m2 đất bãi ngoài đê sông Hồng, thuộc địa phận xã Minh Tân, làm bãi trung chuyển vật liệu theo hợp đồng từng năm. Do cho thuê trái thẩm quyền, năm 2017, Hợp đồng thuê đất giữa doanh nghiệp và UBND xã đã được thanh lý, quyền cho thuê chuyển về UBND huyện Kiến Xương.

Theo Quyết định số 873/QĐ-UBND ngày 16/5/2017, do Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương khi đó là ông Bùi Đức Hạnh ký, huyện cho phép bà Đặng Thị Xuân thuê 2.030,6m2 đất bãi sông Hồng, thuộc địa phận xã Minh Tân để lập bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng và trạm trộn bê tông, với thời hạn 49 năm tính từ ngày ký quyết định cho thuê đất.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện ký hợp đồng thuê đất, kết hợp với xã Minh Tân đo giao đất ngoài thực địa và lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Đặng Thị Xuân.

Quyết định số 873 không đúng trình tự, thủ tục về đầu tư, đất đai, môi trường theo quy định của pháp luật, song đã trở thành căn cứ để Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuân Chuyền “nghiễm nhiên” được phép xây dựng trạm trộn bê tông chỉ cách đê tả Hồng Hà 230m. Ngay sau khi phát hiện vi phạm, Hạt Quản lý đê huyện Kiến Xương đã lập biên bản yêu cầu doanh nghiệp dừng ngay hành vi vi phạm, khôi phục hiện trạng ban đầu, nhưng Công ty vẫn tiếp tục các hành vi vi phạm.

Trong suốt 6 năm (từ năm 2017 đến năm 2023), người dân thôn Nguyệt Giám (xã Minh Tân) phải sống chung với cảnh khói bụi từ trạm trộn bê tông gây ra, tuyến đê đi qua xã cũng phải “oằn mình” trước những xe bồn chở bê tông tươi ra vào hằng ngày.

Ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 HĐND huyện Kiến Xương đã quyết định thu hồi Quyết định 873/QĐ-UBND. Tháng 12/2023, Công ty rách nhiệm hữu hạn Xuân Chuyền đã tháo dỡ trạm trộn bê tông, giải quyết bức xúc của người dân địa phương thời gian qua. Tuy vậy, ghi nhận thực tế của phóng viên vào ngày 1/4/2024, hệ thống nhà xưởng mái tôn được xây dựng ngay sát chân đê vẫn còn nguyên trạng.

Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Hạt phó Hạt Quản lý đê huyện Kiến Xương cho biết, vi phạm của Công ty Xuân Chuyền diễn ra từ nhiều năm nay tại vị trí Km191+450 đến Km191+600 trên tuyến đê tả Hồng Hà 2, công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ đê điều cũng như hành lang thoát lũ. Những năm qua, các vi phạm này đã được Hạt phát hiện, lập biên bản và báo cáo, kiến nghị chính quyền địa phương phối hợp xử lý. Tuy nhiên chính quyền địa phương chưa xử lý triệt để, dẫn đến vi phạm kéo dài, còn tồn tại cho đến nay.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Minh Tân Phạm Văn Sơn, khó khăn của địa phương trong việc xử lý vi phạm là do “vướng mắc trong việc xác lập hồ sơ, thẩm quyền xử lý liên quan đến sai phạm”. Trong khi đó, quy chế phối hợp, trách nhiệm cũng như thẩm quyền xử lý đã được phân cấp rõ ràng, song việc xử lý vi phạm vẫn tồn đọng trong thời gian dài.

* Khắc phục vi phạm mang tính đối phó

Vụ việc vi phạm của Công ty Xuân Chuyền chỉ là một trong số nhiều vi phạm đê điều tại huyện Kiến Xương thời gian qua. Huyện Kiến Xương có trên 31km đê trên tuyến tả Hồng Hà 2, hữu Trà Lý và cửa sông hữu Trà Lý.

Thống kê trong 5 năm (từ năm 2018 đến năm 2023), huyện có số vụ vi phạm về đê điều còn tồn đọng chưa xử lý dứt điểm nhiều nhất tỉnh với 114 vụ, chiếm 1/3 của cả tỉnh. Nhiều vụ vi phạm sau khi bị lực lượng chức năng lập biên bản, yêu cầu hoàn trả nguyên trạng mặt bằng ban đầu, chủ vi phạm tháo dỡ cơ sở vật chất, nhưng chỉ mang tính chất đối phó.

Trường hợp vi phạm của ông Vũ Văn Duy (trú tại xã Trà Giang, huyện Kiến Xương) là một ví dụ. Ông Duy xây dựng công trình trái phép ngoài bãi sông, vị trí vi phạm cách chân đê 450m, tương đương vị trí K41+900 đê hữu Trà Lý, đoạn qua xã Trà Giang.

Ông Lê Ngọc Thạo, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Kiến Xương cho biết, sau khi bị lực lượng chuyên trách quản lý đê lập biên bản và yêu cầu hoàn trả hiện trạng, tháng 5/2023, dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương và Hạt Quản lý đê huyện Kiến Xương, gia đình ông Duy đã tháo dỡ một phần mái tôn công trình vi phạm. Việc làm này cũng chỉ mang tính đối phó bởi thực tế hiện nay, gia đình ông Duy đã lợp lại mái tôn như ban đầu.

Thực trạng này cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác với hình thức vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình, đổ phế thải xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Tại huyện Tiền Hải, trong số 52 bến bãi vật liệu xây dựng ven các sông thuộc địa bàn huyện, hầu hết là các bến bãi chưa được cấp phép, tập trung ở các xã Vũ Lăng, Tây Lương, Đông Quý, Đông Trà, Nam Hồng, Nam Hải, Nam Hưng. Các hình thức vi phạm còn tồn đọng chủ yếu như: làm nhà tạm, công trình phụ, lều, quán, bến bãi hoạt động chưa được cấp phép... trong hành lang bảo vệ đê.

Để giải quyết thực tế này, UBND huyện Tiền Hải đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kiên quyết xử lý, giải tỏa các bến, bãi ngoài bến sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều trên địa bàn huyện; các trạm trộn bê tông xây dựng trái phép; các bến, bãi không nằm trong quy hoạch.

UBND huyện yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, di dời toàn bộ các điểm trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ngoài bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều; các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn quản lý không được tập kết vật liệu lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, lên mặt đê, mái đê và hạ thấp chiều cao theo quy định.

Tuy vậy, trên thực tế, việc xử lý vi phạm của huyện Tiền Hải nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung còn gặp nhiều khó khăn, nhiều vụ việc vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai vẫn diễn biến phức tạp. Nếu cơ quan chức năng không kịp thời xử lý các vi phạm, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lũ, bão của địa phương.

Còn tiếp: Bài 2: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý vi phạm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục