Vi phạm đê điều tại Thái Bình *Bài 2: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý vi phạm

14:36' - 02/04/2024
BNEWS UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành công văn yêu cầu các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, xử lý dứt điểm các vi phạm kéo dài thời gian qua.

Để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê và an toàn cho cộng đồng dân cư sống dọc các triền sông, mới đây, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành công văn yêu cầu các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, xử lý dứt điểm các vi phạm kéo dài thời gian qua.

* Nguyên nhân khó xử lý vi phạm

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, khó khăn trong xử lý vi phạm về đê điều tại Thái Bình có nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan. Với vị trí địa lý 3 mặt giáp sông (sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa) và một mặt giáp biển, từ nhiều đời nay, cư dân Thái Bình sinh sống chủ yếu ven sông, ven biển.

 

Trong khi đó, các tuyến đê có lịch sử hình thành rất dài, có tuyến đi qua khu dân cư, có tuyến đê sau khi được hình thành, người dân mới bám theo các triền đê để sinh sống. Khi thực hiện các quy định pháp luật về đê điều cũng như mở rộng hành lang bảo vệ đê đã xảy ra tình trạng nhiều công trình nhà ở của người dân tồn tại từ nhiều đời trước lại trở thành các công trình vi phạm hành lang an toàn đê.

Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khương cho rằng cần có chế độ bồi thường hợp lý. Mặt khác, hệ thống các văn bản pháp lý nhà nước liên quan chưa đồng bộ, chưa thống nhất, dẫn đến ở nhiều nơi, việc cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền chưa phù hợp với các quy định của Luật Đê điều, đặc biệt là vấn đề đất đai, xây dựng.

Đơn cử như tình trạng đất nằm trong hành lang bảo vệ đê vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Ngoài ra, thời gian qua, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao, dẫn đến hình thành nhiều bãi tập kết, kinh doanh vật liệu tự phát, khiến cơ quan chức năng khó khăn trong quản lý và xử lý vi phạm về đê điều.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, nguyên nhân chủ quan dẫn đến số vụ vi phạm tồn đọng còn chậm được giải quyết là do ở nhiều nơi, chính quyền địa phương còn chưa thực sự vào cuộc trong xử lý vi phạm.

Ông Đỗ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết, cơ quan chuyên môn của huyện có lực lượng rất mỏng nên khó kiểm tra hết các vụ việc. Chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã cần có trách nhiệm phát hiện sớm, xử lý kịp thời các vi phạm trên. Tuy nhiên, lãnh đạo một số xã còn chưa quyết liệt trong chỉ đạo, còn có những biểu hiện nể nang, né tránh, dẫn tới có tình trạng những vụ vi phạm khi được phát hiện đã hình thành những tài sản, việc xử lý phải theo đúng trình tự, quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

* Khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"

Nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và kiên quyết xử lý vi phạm còn tồn đọng, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, dẫn đến chậm trễ xử lý vi phạm, ngày 15/3/2021, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định 02/2021/QĐ-UBND về quy chế phối hợp trong công tác xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Quyết định này đã quy định rõ nguyên tắc, nội dung và hình thức phối hợp giữa cấp sở, ngành và chính quyền huyện, xã.

Đặc biệt, ngày 2/2/2024, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Công văn 454/UBND-NNTNMT về việc tăng cường xử lý vi phạm về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại tỉnh giai đoạn 2018-2023. Theo đó, UBND tỉnh gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương.

Địa phương nào không thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác chỉ đạo xử lý vi phạm không kịp thời, quyết liệt, để xảy ra tình trạng vi phạm mới phát sinh trên địa bàn và tình trạng vi phạm cũ tồn đọng không được kịp thời xử lý theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động các đối tượng vi phạm nhận thức về hành vi vi phạm để người dân, tổ chức tự giác thu dỡ các vi phạm tồn đọng, trường hợp các đối tượng không tự giác tháo dỡ, yêu cầu củng cố hồ sơ để xử lý hành chính và tổ chức cưỡng chế theo quy định.

UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý và xử lý dứt điểm các vụ vi phạm tồn đọng trong quý I, muộn nhất đến 30/5/2024. Trong đó cần kiểm tra, phân loại vi phạm xử lý từ vi phạm dễ xử lý đến vi phạm khó xử lý, có tính chất nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài, các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, phạm vi bảo vệ đê điều, trên bãi sông.

Đối với các vụ vi phạm mới phát sinh, các địa phương cần tổ chức ngăn chặn và giải quyết triệt để, không để phát sinh thêm vi phạm mới. Đối với công tác xử lý vi phạm, UBND tỉnh yêu cầu trong quý I năm 2024, các địa phương xử lý dứt điểm tối thiểu 50% vi phạm tồn đọng (ưu tiên xử lý trên các tuyến đê cấp I, II, III; các tuyến kênh trục chính, cấp 1, cấp 2).

Tuy nhiên, đã 2 tháng Công văn 454/UBND-NNTNMT của UBND tỉnh được ban hành, tiến độ xử lý vi phạm tại các địa phương vẫn rất chậm trễ, chưa đạt kế hoạch đề ra. Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Bình, từ ngày 2/2 (thời điểm ban hành Công văn 454/UBND-NNTNMT) đến ngày 2/4, toàn tỉnh chỉ có 30 vụ vi phạm đê điều còn tồn đọng được xử lý.

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết: “Thời gian tới, Sở giao Thanh tra Sở lập kế hoạch và trình UBND tỉnh phê duyệt tổ chức đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra trách nhiệm của UBND huyện, UBND xã trong việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, cũng như thực hiện Quyết định 02/2021/QĐ-UBND và Công văn số 454/UBND-NNTNMT của UBND tỉnh".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục