Vì sao biến thể Omicron khiến thế giới lại chao đảo?

10:30' - 28/11/2021
BNEWS Với đặc tính có thể “né” kháng thể do vaccine tạo ra, biến thể Omicron có lẽ lại khiến thế giới chao đảo.

Được phát hiện đầu tiên ở Botswana và hiện đã lây lan ra nhiều nước ở châu Âu, châu Phi và châu Á, biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 đã ngay lập tức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là Omicron.

Với đặc tính có thể “né” kháng thể do vaccine tạo ra, thế giới có lẽ lại lao đao với “cơn địa chấn” mang tên Omicron này.

* Biến thể có thể “né” kháng thể do vaccine tạo ra

Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập một cuộc họp khẩn để thảo luận những vấn đề liên quan đến biến thể mới mang tên B.1.1.529 có nhiều protein gai đột biến, cũng như tác dụng của thuốc điều trị và các vaccine hiện có đối với biến thể này. 

Biến thể B.1.1.529 được phát hiện lần đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11. Cho tới nay, biến thể mới đã xuất hiện tại Botswana, Nam Phi, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Israel, Bỉ. Riêng Nam Phi và rất nhiều nước châu Âu như Anh, Đức, Italy, Hà Lan..

Theo các nhà khoa học, biến thể B.1.1.529 có nhiều đột biến rất bất thường, đáng lo ngại vì chúng có thể giúp virus né tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể và có khả năng lây truyền nhanh hơn. Bất kỳ biến thể mới nào có thể né tránh kháng thể do vaccine tạo ra hoặc lây lan nhanh hơn biến thể Delta hiện đang áp đảo đều có thể gây ra mối đe dọa đáng kể đối với thế giới.

Giới khoa học Nam Phi còn nhận định rằng B.1.1.529 là biến thể đáng sợ nhất mà họ từng biết tới từ khi thế giới xảy ra đại dịch COVID-19. Trong số 50 đột biến, có tới 32 đột biến nằm ở bộ phận protein gai-nơi virus dùng để bám vào tế bào người. Số đột biến ở protein gai này cao gấp đôi so với Delta-biến thể vốn vẫn đang hoành hành khắp thế giới. 

Nhiều đột biến không có nghĩa là nguy hiểm hơn nhưng qua nhiều lần biến đổi, biến thể không còn giống virus ban đầu và do đó có thể khiến vaccine COVID-19 hiện nay vô tác dụng.

Trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, Nam Phi cam kết chia sẻ các mẫu biến thể của virus SARS-CoV-2 với giới chức y tế nước ngoài nhằm tìm ra giải pháp ứng phó với các biến thể này nhanh nhất có thể.

*Hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 với biến thể Omicron

Trong thông báo ngày 26/11, hãng dược phẩm AstraZeneca bày tỏ hy vọng hỗn hợp kháng thể đơn dòng của hãng sẽ vẫn hiệu quả với biến thể Omicron. 

Hiện hãng đang thực hiện nghiên cứu tại Botswana và Eswatini nhằm thu thập dữ liệu về hiệu quả của vaccine đối với biến thể mới này. AstraZeneca nhấn mạnh vaccine phòng COVID-19 của hãng đã cho thấy hiệu quả chống lại tất cả biến thể đáng lo ngại (VOC) hiện nay của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

AstraZeneca cho biết thêm hãng đang thử nghiệm kháng thể đơn dòng AZD7442 đối với biến thể Omicron và hy vọng loại thuốc này sẽ duy trì được hiệu quả trong việc chống lại biến thể mới.

Trong khi đó, hai hãng dược Pfizer của Mỹ và BioNTech đã ngay lập tức tìm hiểu về biến thể Omicron và những dữ liệu mới sẽ cung cấp thêm thông tin về việc liệu biến thể Omicron có khả năng "né" vaccine hay không.  Pfizer/BioNTech cũng khẳng định có thể  bào chế vaccine mới chống lại biến thể Omicron trong vòng 6 tuần và các lô vaccine đầu tiên sẽ được giao trong 100 ngày. 

Trước đó, hai hãng này cũng đã cải tiến vaccine công nghệ mRNA dựa trên chủng virus phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) để vaccine đạt hiệu quả hơn với biến thể Alpha và Delta.

Hãng dược Johnson & Johnson cho biết đang theo dõi sát biến thể Omicron và đánh giá hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 của hãng với biến thể mới này

Còn Công ty dược phẩm Moderna của Mỹ tuyên bố sẽ phát triển mũi tiêm tăng cường nhằm chống lại biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 vốn đang khiến cả thế giới quan ngại. Giám đốc điều hành Moderna, ông Stephane Bancel nêu rõ: "Các đột biến trong biến thể Omicron là đáng quan ngại và trong vài ngày qua chúng tôi đang làm việc nhanh nhất có thể để thực hiện chiến lược của mình nhằm xử lý biến thể này"

*Nhiều nước đình chỉ chuyến bay đến và đi từ miền Nam châu Phi

Nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ miền Nam châu Phi cho đến khi hiểu rõ về mối nguy hiểm mà biến thể mới  có thể gây ra. 

Nhiều nước từ Mỹ tới châu Âu và châu Á đều đã ban hành các lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại tới những nơi có ca nhiễm biến thể Omicron. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng đã phải hoãn hội nghị bộ trưởng dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) ngày 29/11 tới do sự xuất hiện của biến thể này.

EU đã nhất trí tạm ngừng hoạt động đi lại tới khu vực miền Nam châu Phi (gồm các nước Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe) và tạm thời áp đặt hạn chế đối với mọi hoạt động đi lại từ khu vực miền Nam châu Phi vào EU.

Đức đã đưa Nam Phi vào danh sách các khu vực ghi nhận biến thể mới của SARS-CoV-2 từ ngày 27/11, qua đó chỉ cho phép công dân và người sinh sống tại Đức được nhập cảnh.

Anh đã hạn chế nhập cảnh đối với du khách từ Nam Phi và một số quốc gia lân cận, đồng thời đưa các quốc gia miền Nam châu Phi vào danh sách “đỏ” từ ngày 26/11 do lo ngại biến thể Omicron có thể đã lan rộng ra các nước khác.

Áo từ ngày 27/11 cũng cấm các chuyến bay từ Nam Phi, Botswana. Các chuyến bay từ Mozambique, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini cũng bị cấm hạ cánh do Áo áp dụng các biện pháp nhằm "giảm tốc độ lây lan của biến thể mới trên toàn cầu".

Chính phủ Bỉ đã yêu cầu các hộp đêm phải đóng cửa và khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc nhiều nhất có thể. Ngoài ra, các cuộc thi đấu thể thao trong nhà một lần nữa sẽ không có khán giả và các bữa tiệc lớn trong không gian kín bị cấm, ngoại trừ đám cưới và đám tang với tối đa 50 khách và phải có giấy chứng nhận an toàn COVID-19. 

Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Nga thông báo từ ngày 28/11 sẽ hạn chế công dân nước ngoài cư trú tại 9 nước châu Phi (gồm Nam Phi, Botswana, Lesotho, Namibia,  Zimbabwe,  Mozambique, Madagascar, Eswatini, Tanzania) và Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc), hoặc ở đó trong vòng 10 ngày sẽ không thể nhập cảnh vào Nga.

Mỹ quyết định hạn chế đi lại từ Nam Phi và 7 quốc gia châu Phi khác (gồm Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi) từ đầu tuần tới nhằm kiểm soát sự lây lan của biến thể mới B.1.1.529. 

Brazil thông báo đóng cửa biên giới đối với các du khách tới từ 6 quốc gia miền Nam châu Phi gồm Nam Phi, Eswatini, Lesotho, Namibia, Botswana và Zimbabwe. Bộ Y tế Brazil lưu ý biến thể mới Omicron đang đặt ra một mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai, song cho biết hiện vẫn chưa rõ về tác động dịch tễ học do biến thể này gây ra.

Tại châu Á, Israel và Singapore đã hạn chế nhập cảnh đối với du khách từ Nam Phi và một số quốc gia lân cận. Ấn Độ đã gửi khuyến cáo tới tất cả các bang của nước này về việc sàng lọc nghiêm ngặt tất cả hành khách đến từ các quốc gia có nguy cơ cao với biến thể B.1.1.529. Iran cấm nhập cảnh đối với các du khách từ Nam Phi và 5 quốc gia láng giềng. Ai Cập cũng tạm ngừng các chuyến bay trực tiếp đến và đi từ Nam Phi do lo ngại biến thể Omicron.

Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc cho biết, từ ngày 28/11, việc cấp visa cho các du khách đến từ 8 nước miền Nam châu Phi sẽ được giới hạn trong khi các công dân Hàn Quốc trở về từ khu vực này sẽ phải cách ly. Những nước thuộc danh sách áp dụng các biện pháp hạn chế gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi.

Australia và New Zealand cũng đang theo dõi chặt chẽ biến thể mới. Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt ngày 27/11 thông báo bắt đầu áp dụng cách ly 14 ngày khi nhập cảnh đối với công dân nước này cũng như người phụ thuộc họ trở về từ một trong 9 quốc gia miền Nam châu Phi…

*Những tác động kinh tế đầu tiên

Thông tin về biến thể nguy hiểm B.1.1.529 (được WHO đặt tên là Omicron) đã tác động mạnh đến tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng phục hồi kinh tế cũng như việc khôi phục lại thị trường du lịch sau nhiều tháng “đóng băng” vì đại dịch COVID-19.

Cụ thể, sau một ngày đóng cửa nghỉ giao dịch trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn, Phố Wall đã quay trở lại làm việc và chứng kiến một đợt bán tháo kỷ lục. Các cổ phiếu ngành năng lượng, tài chính và du lịch đồng loạt lao dốc khiến thị trường giảm điểm mạnh, bất chấp lực đỡ của các mã cố phiếu thuộc nhóm ngành y dược.

Các chỉ số chính của thị trường châu Âu cũng đồng loạt “nhuốm” sắc đỏ khi chỉ số FTSE của Anh giảm 3,6%, trong khi chỉ số DAX của Đức và CAC40 của Pháp đều giảm trên 4%.

Trước đó, thị trường châu Á cũng chứng kiến các đợt giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 26/11.

Không chỉ giá chứng khoán, giá dầu cũng quay đầu giảm mạnh trong các phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam chỉ sau 2 ngày vừa mới tăng điểm trở lại. Trên sàn New York, giá dầu WTI giao tháng 1/2022 giảm 10,24 USD/thùng, tương đương hơn 13%, xuống còn 68,15 USD/thùng. Tại sàn giao dịch London, giá dầu Brent giao cùng kỳ cũng giảm tới 9,53 USD/thùng, tương đương 11,59%, xuống 72,72 USD/thùng. Đây là lần mất giá mạnh nhất trong ngày của cả WTI và Brent kể từ tháng 4 năm ngoái./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục