Vì sao chưa ký hợp đồng PPP dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo?

16:32' - 25/06/2021
BNEWS Việc hợp đồng chưa được ký kết dẫn đến triển khai dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo không đảm bảo kế hoạch đề ra, kéo theo chậm tiến độ tổng thể dự án cao tốc Bắc – Nam không hoàn thành vào năm 2023.
Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hải Thạch - Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng 194 được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt là nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo từ tháng 1 vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh lý do khách quan như dịch bệnh COVID-19, nghỉ Tết, đến nay Tổ đàm phán của Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư vẫn chưa ký kết được hợp đồng do một số điều khoản chưa thống nhất.

Đại diện Liên danh nhà đầu tư trúng thầu tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết, hợp đồng chưa được ký kết kéo theo việc triển khai dự án không đảm bảo kế hoạch đề ra. Ngoài thiệt hại cho nhà đầu tư thì hệ quả của sự chậm trễ này khiến thời gian hoàn thành tổng thể dự án cao tốc Bắc – Nam vào cuối năm 2023 bị chậm lại.

Theo đại diện Vụ Hợp tác công tư – PPP (Bộ Giao thông Vận tải), việc đàm phán kéo dài là do quá trình thương thảo hợp đồng, nhà đầu tư đề cập đến một số nội dung liên quan vấn đề tài chính, nhưng chưa được các bên thống nhất vì chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể. Đó là quy chế, cơ chế giải quyết nguồn vốn nhà nước, việc điều chỉnh bổ sung các hạng mục, cơ chế chia sẻ rủi ro theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP)…

“Đối với những nội dung vượt thẩm quyền trong quá trình đàm phán hợp đồng, Tổ đàm phán của Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục xin ý kiến các Bộ Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư xem xét và xử lý”, đại diện Vụ PPP thông tin.

Ông Phùng Tiến Thành, Trưởng đoàn đàm phán hợp đồng của chủ đầu tư dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo cho biết: "Quá trình đàm phán một phần bị chậm trễ là do Tổ đàm phán của Bộ Giao thông Vận tải không đủ thẩm quyền quyết định các nội dung đàm phán với chúng tôi. Trước mỗi vấn đề thương thảo để đi đến thống nhất thì Tổ đàm phán lại đề nghị dừng đàm phán để xin ý kiến các bên liên quan".

Dẫn chứng cụ thể một trong những nội dung đến nay hai bên chưa thống nhất được là trạm dừng nghỉ. Ông Phùng Tiến Thành cho hay, theo quyết định phê duyệt dự án và hồ sơ mời thầu của Bộ Giao thông Vận tải đã phát hành thì “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng cho trạm dừng nghỉ. Nhà đầu tư tự bỏ kinh phí đầu tư xây dựng và quản lý kinh doanh trạm dừng nghỉ trong thời gian thực hiện hợp đồng dự án theo đúng quy định pháp luật. Khoản chi phí đầu tư vào trạm dừng nghỉ được tính vào tổng mức đầu tư của công trình dự án và phương án tài chính của dự án".

“Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tính toán rất cụ thể việc bỏ thầu với phương án giảm giá gần 1.000 tỷ đồng của dự án này. Tuy nhiên, khi đàm phán hợp đồng Bộ Giao thông Vận tải lại yêu cầu bỏ trạm dừng nghỉ ra khỏi dự án, làm thay đổi bản chất của hồ sơ mời thầu. Quan điểm của nhà đầu tư là thực hiện đúng theo hồ sơ mời thầu”, ông Phùng Tiến Thành cho biết.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, 2 dự án đấu thầu nhà đầu tư thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức PPP là Nha Trang - Cam Lâm và Diễn Châu- Bãi Vọt đã hoàn thành việc ký kết từ đầu tháng tháng 5 vừa qua. Hiện nay, chỉ còn dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo chưa ký kết và Bộ Giao thông Vận tải đang đẩy mạnh việc đàm phán để ký kết trong thời gian tới.

Lý giải vấn đề này, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho hay, các dự án BOT mà Tập đoàn đã tham gia như: cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận... đều được các nhà đầu tư cũ ký hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải, nhưng chưa làm rõ nhiều nội dung dẫn đến một số điều khoản không thực hiện được.

“Chỉ đến khi Tập đoàn Đèo Cả vào cuộc, chuyển cơ quan có thẩm quyền, mời kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán và thực hiện điều chỉnh hợp đồng dự án thì mới tháo gỡ được vướng mắc và triển khai. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc làm rõ các nội dung ngay từ đầu sẽ giúp dự án được triển khai thuận lợi sau này”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ.

Ông Phùng Tiến Thành cho biết thêm: “Đối với các điều khoản chưa phù hợp thì các bên phải thống nhất với tinh thần cầu thị, bình đẳng. Không nhất thiết phải ký kết khi các vấn đề chưa rõ ràng bởi sau này sẽ vướng mắc trong quá trình triển khai hay thanh quyết toán. Quan điểm của chúng tôi là ký để thực hiện...”.

Luật sư Lê Cao Cường, Giám đốc Công ty Luật An Viên (ANVLaw) cho rằng, chỉ tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường cao tốc, nhưng cả nước hiện chỉ có khoảng 1.200 km đường cao tốc. Như vậy, ngành giao thông phải hoàn thành khoảng 3.800 km trong 9 năm tới với khối lượng công việc rất lớn. Do đó việc đàm phán, hoàn tất hợp đồng PPP với các nhà đầu tư như dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo cần nhanh chóng thực hiện để đảm bảo tiến độ tổng thể dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng vốn đầu tư trên 8.900 tỷ đồng được đầu tư theo hình thức PPP loại hợp đồng BOT. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư là 3.786,20 tỷ đồng; Nhà nước tham gia trong dự án là 5.139,28 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 24 tháng, riêng hạng mục hầm Núi Vung là 30 tháng và thời gian thu phí là 17 năm 0 tháng 15 ngày.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có chiều dài toàn tuyến 78,5 km, quy mô 4 làn xe. Tuyến đường đi qua địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục