Vì sao chứng khoán Ấn Độ "thăng hoa" trong khi chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh?
Xu hướng chuyển động ngược chiều tại hai thị trường chứng khoán lớn nhất khu vực (Trung Quốc) và lớn thứ tư khu vực (Ấn Độ) đã tạo cơ hội để giới đầu tư nước ngoài xoay vòng vốn. Tuy nhiên, khi định giá cổ phiếu ở Ấn Độ bắt đầu tăng cao, trong khi các “món hời” lại xuất hiện ở Trung Quốc, các nhà đầu tư đang tự hỏi liệu các diễn biến hiện này có sớm đảo chiều?
* Hai thị trường chuyển động ngược chiều nhau
Trong 5 năm qua, các chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc và Ấn Độ thường diễn biến ngược chiều. Khác với các thị trường của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc, trong số những sàn chứng khoán lớn của khu vực châu Á, Ấn Độ có mối tương quan thấp nhất với Trung Quốc.
Nguyên nhân là do Sensex, chỉ số chính của thị trường quốc gia Nam Á, thường chịu sự chi phối của các công ty phục vụ tiêu dùng trong nước hoặc hoạt động trong các lĩnh vực xuất khẩu như phần mềm. Đây vốn không phải là những lĩnh vực thế mạnh của Trung Quốc.
Dữ liệu của hãng cung cấp dữ liệu tài chính Refinitiv cho thấy mối tương quan trung bình giữa chỉ số Sensex của Ấn Độ và chỉ số CSI 300 của Trung Quốc, được tính trong vòng 90 ngày gần nhất, là 0,04 - so với các mức lần lượt là 0,16 và 0,25 của thị trường Đài Loan và Hàn Quốc. Ở đây, mức tương quan gần 0 cho thấy hai thị trường gần như không có sự liên kết nào, trong khi mức tương quan 1 sẽ cho thấy hai thị trường đang di chuyển song song.
Herald van der Linde, chiến lược gia về chứng khoán châu Á tại ngân hàng HSBC ở Hong Kong (Trung Quốc), nhận định: "Hai thị trường chứng khoán Ấn Độ và Trung Quốc có nhịp điệu riêng. Trong khi Hàn Quốc có rất nhiều công ty làm ăn với Trung Quốc và Mỹ, Ấn Độ có ít hơn. Do đó, giới đầu tư có thể tận dụng động lực này. Nếu họ muốn bán cổ phiếu Trung Quốc, họ có thể đầu tư vào Ấn Độ".
Dòng vốn chảy vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thông qua các kế hoạch kết nối chứng khoán nhằm liên kết Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) với các sàn giao dịch đại lục đã sụt giảm vào tháng Sáu và tháng Bảy vừa qua, sau khi liên tiếp đạt các mức cao kỷ lục hồi đầu năm.
Trong khi đó, Ấn Độ lại là thị trường hấp thụ vốn nước ngoài lớn nhất trong khu vực ngoài Trung Quốc cho đến nay. Chỉ số Sensex của Ấn Độ là chỉ số tăng điểm hàng đầu trong số các chỉ số chứng khoán lớn nhất thế giới trong năm nay, được thúc đẩy bởi các cổ phiếu trong ngành tài chính, tiện ích, công nghiệp và tiêu dùng.
Có thể thấy, giới đầu tư đang cố gắng loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực về việc số ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia Nam Á vẫn ở mức cao và đặt cược rằng chính phủ cùng hệ thống ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tung ra các chương trình hỗ trợ kinh tế và thúc đẩy cải cách.
Theo cơ quan quản lý thị trường của Ấn Độ, số lượng tài khoản nhỏ lẻ tại Ấn Độ đã tăng gần 35% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021, đạt 55 triệu tài khoản. Điều này, kết hợp với xu hướng phát triển chứng khoán sâu rộng, có thể giúp thị trường Ấn Độ dễ dàng hấp thụ dòng chảy thanh khoản từ Trung Quốc và phần còn lại của châu Á. Đây là lý do khiến nền kinh tế lớn thứ ba châu Á trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong mắt các nhà phân tích và đầu tư nước ngoài.
Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường Ấn Độ đã hấp thụ 7,2 tỷ USD dòng vốn đầu tư nước ngoài và đang hướng tới năm thứ ba liên tiếp ghi nhận xu hướng mua ròng. Trong hai năm 2019 và 2020, các quỹ nước ngoài đã rót 37,6 tỷ USD vào thị trường này, theo số liệu từ ngân hàng Goldman Sachs.
Trong khi chỉ số CSI 300 của Trung Quốc, chỉ số theo dõi các cổ phiếu lớn nhất được giao dịch ở Thượng Hải và Thâm Quyến, đã giảm 17% so với mức đỉnh của tháng 2/2021, thì chỉ số BSE Sensex của Ấn Độ (chỉ số chứng khoán theo dõi 30 công ty có uy tín và tài chính tốt được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Bombay) ghi nhận tháng tăng thứ năm kể từ các mức thấp kỷ lục vào tháng Hai và tháng Sáu.
* "Gió có đảo chiều"?
Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng hiện nay, thị trường chứng khoán Ấn Độ đang giao dịch ở mức kỷ lục, với chỉ số giá trên thu nhập P/E - chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu - cập nhật gần nhất lên đến 30 lần, so với mức trung bình của 10 năm là 21 lần. Điều này buộc các nhà đầu tư phải thận trọng.
Sunil Tirumalai, chiến lược gia Ấn Độ tại bộ phận nghiên cứu UBS Global Research, cho biết: “Chứng khoán Trung Quốc đang ngày càng trở nên rủi ro hơn và do đó, chứng khoán Ấn Độ sẽ trở nên hấp dẫn”. Tuy nhiên, việc định giá đắt đỏ (tại Ấn Độ) có nghĩa là dòng tiền có thể rời khỏi Trung Quốc để hướng đến các thị trường phát triển khác để thay thế. Mặc dù thị trường chứng khoán Ấn Độ là "nơi tốt" để tồn tại trong dài hạn, song đà tăng hiện tại đang diễn ra quá nhanh, thị trường "cần một số yếu tố hạ nhiệt".
Trong khi đó, đã có bằng chứng về việc “con lắc” đang quay trở lại Trung Quốc. Hơn một tháng qua, sự áp đảo mạnh mẽ của xu hướng bán ròng đã khiến tỷ lệ P/E (tính trong 12 tháng liên tiếp) của chỉ số CSI 300 lao dốc. Chỉ số này đã rơi xuống chỉ còn 16 lần từ mức đỉnh hồi tháng Hai là gần 19 lần. Kết quả là với mức định giá rẻ như vậy, các nhà quản lý quỹ lại tìm được điểm mua vào hợp lý.
Vào cuối tháng 8/2021, thị trường Trung Quốc đã khởi sắc trở lại nhờ báo cáo thu nhập mạnh mẽ của nhà bán lẻ trực tuyến JD.com. Trong khi đó, trong tuần kết thúc vào ngày 24/8, chứng khoán Ấn Độ ghi nhận dòng vốn chảy ra ròng 100 triệu USD, theo Goldman Sachs.
Ray Dalio, đồng Giám đốc đầu tư của quỹ đầu cơ Bridgewater Associates, khuyến nghị các nhà đầu tư nên đưa chứng khoán Trung Quốc vào một vị trí quan trọng của danh mục đầu tư. Đồng quan điểm này, bộ phận nghiên cứu của tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu BlackRock cũng cho rằng khách hàng nên coi Trung Quốc là một điểm đến tách biệt với các thị trường mới nổi và khuyến nghị tăng phân bổ dòng tiền cho quốc gia này.
Theo các chiến lược gia tại công ty dịch vụ tài chính châu Âu Societe Generale, những gì đang diễn ra thật thú vị do đã có một sự chia rẽ rõ ràng khi giới đầu tư nhận định về những gì sẽ xảy ra tiếp theo ở các thị trường Ấn Độ và Trung Quốc.
Các thị trường Trung Quốc đang đặt cược vào một môi trường USD suy yếu trong tương lai, trong khi thị trường Ấn Độ lại định giá ngược lại. Theo Societe Generale, các nhà đầu tư Trung Quốc có kỳ vọng lạm phát tại Mỹ sẽ ở mức cao hơn so với các đối tác Ấn Độ.
Chiến lược gia Puneet Singh và các đồng nghiệp của Societe Genera cho rằng kết quả của sự phân kỳ này là không thể nói trước. Tuy nhiên, điều thú vị là sự phân kỳ này đang mang lại cơ hội để giới đầu tư đánh giá sự luân chuyển dòng tiền giữa hai thị trường./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Ấn Độ: Những cân nhắc khi xây dựng hệ sinh thái công nghệ cho MSME
20:30' - 07/09/2021
Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) từ lâu đã được công nhận là trụ cột của nền kinh tế Ấn Độ.
-
Ý kiến và Bình luận
Tỷ phú Soros nhận định về các khoản đầu tư của BlackRock tại Trung Quốc
15:10' - 07/09/2021
Nhà đầu tư tỷ phú George Soros đã nói khoản đầu tư hàng tỷ USD của BlackRock Inc tại Trung Quốc hiện nay là một sai lầm và có thể khiến các khách hàng của công ty quản lý tài sản này thiệt hại.
-
DN cần biết
Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường vốn cho nhà đầu tư nước ngoài
06:16' - 07/09/2021
Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ mở cửa hơn nữa thị trường vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Thượng viện Mỹ đề xuất dự thảo thúc đẩy chương trình giảm thuế
14:58'
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Thượng viện Mỹ đã công bố dự thảo ngân sách nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump.
-
Kinh tế Thế giới
THEO DÒNG THỜI SỰ: “Canh bạc” khó lường
14:53'
Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 3/4 (giờ Việt Nam) đã công bố quyết định áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.
-
Kinh tế Thế giới
Nhiều ngành của Anh thiệt hại nặng nề trước "bão" thuế quan Mỹ
14:52'
Các ngành sản xuất ô tô, thực phẩm và đồ uống, cùng với dược phẩm của Vương quốc Anh sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt thuế quan mới do Tổng thống Mỹ áp đặt.
-
Kinh tế Thế giới
Áp lực chồng chất lên nền kinh tế toàn cầu
13:06'
Những gì xảy ra ở Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến nước Mỹ. Nền kinh tế Mỹ quá lớn và có quan hệ mật thiết với phần còn lại của thế giới thông qua thương mại và dòng vốn.
-
Kinh tế Thế giới
Cú sốc thuế quan làm chao đảo thị trường tài chính châu Á
12:46'
Chỉ số Nikkei có lúc giảm tới 4,6% xuống 34.102 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 7/8.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ áp thuế 25% với bia và lon nhôm rỗng nhập khẩu từ ngày 4/4
10:47'
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn thông báo của Bộ Thương mại Mỹ ngày 2/4 cho biết Washington sẽ chính thức áp thuế 25% đối với bia và lon nhôm rỗng trong tuần này.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ bãi bỏ chính sách miễn thuế các gói hàng giá trị nhỏ từ Trung Quốc
09:55'
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp hủy bỏ chính sách miễn thuế đối với các gói hàng có giá trị nhỏ từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc), có hiệu lực từ ngày 2/5.
-
Kinh tế Thế giới
Anh sẽ tiếp cận thận trọng với chính sách thuế mới của Mỹ
09:53'
Thủ tướng Anh Keir Starmer cam kết sẽ có cách tiếp cận thận trọng với chính sách thuế của Chính quyền Tổng thống Donald Trump và tránh để bị cuốn vào cuộc chiến thương mại với Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Mexico củng cố kinh tế toàn diện thay vì trả đũa thuế quan trực tiếp
09:53'
Mexico sẽ triển khai chương trình củng cố toàn diện nền kinh tế, trong đó tập trung thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô, thay vì trả đũa thuế quan trực tiếp với Mỹ.