Vì sao cổ phiếu MSN là điểm thu hút dòng tiền?

15:53' - 14/12/2023
BNEWS Trong 3 tháng gần nhất, tốc độ bán ròng cổ phiếu của Masan Group (Hose: MSN) từ nhà đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh rõ rệt, giá trị bán trong tháng 11 chưa bằng một nửa (gần 43%) so với tháng 10.
Theo số liệu thống kê trong 3 tháng gần nhất, tốc độ bán ròng cổ phiếu của Masan Group (Hose: MSN) từ nhà đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh rõ rệt, giá trị bán trong tháng 11 chưa bằng một nửa (~43%) so với tháng 10, và đang tiếp tục giảm tính đến ngày 13/12.

Cụ thể, trong tháng 10, tổng giá trị bán ròng cổ phiếu MSN của khối ngoại là 636,2 tỷ đồng và giảm mạnh xuống mức 274,6 tỷ đồng trong tháng 11, tương đương mức giảm đến 361,6 tỷ đồng. 

Đà bán ròng giảm cùng với kết quả kinh doanh, sự tham gia đầu tư của tổ chức tài chính quốc tế sẽ là chất xúc tác tích cực cho cổ phiếu MSN trong thời gian tới.

 
Khối ngoại bán ròng liệu có đáng lo?

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE), tính đến thời điểm hiện tại đã bước sang tháng thứ 9 liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường. Trong đó chỉ tính riêng tháng 11, khối ngoại rút ròng hơn 3.850 tỷ đồng trên HoSE. 

Tiếp đó, chỉ trong ba phiên đầu tháng 12 (từ 1-5/12) giá trị bán ròng trên sàn HoSE đạt mức 2.447 tỷ đồng. Như vậy, kể từ đầu tháng 4/2023 tới nay, dòng tiền ngoại đã rút khoảng 23.225 tỷ đồng khỏi sàn HoSE. Đà bán ròng vẫn chưa giảm trong ngày (13/12), khối ngoại lại tiếp tục “chốt lời” 915 tỷ đồng.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng việc khối ngoại miệt mài bán ròng có tác động đến thị trường. Mặc dù chỉ chiếm hơn 10% giá trị giao dịch thị trường nhưng động thái bán ròng khối ngoại ảnh hưởng nhiều về mặt tâm lý hơn tác động điểm số. 

Theo ông Minh, việc rút ròng có thể đến từ việc cơ cấu lại danh mục cuối năm tại một số quỹ. Ở phiên tăng điểm tốt, họ tranh thủ chốt lời. Ông Minh cũng quan sát nhiều quỹ dần rút ngắn hơn thời gian đầu tư. Thay vì nắm giữ dài hạn, một số cổ phiếu được mua đi bán lại nhanh hơn trước những lo ngại về biến động, rủi ro quốc tế. 

"Cơ bản, không có gì đáng lo ngại. Kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, tỷ giá qua thời điểm căng thẳng, triển vọng phục hồi kinh tế đang sáng hơn", ông Minh nhận định.

Cùng quan điểm trên, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhận định, dù gặp áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại nhưng dòng tiền nội hiện khá mạnh. Nhà đầu tư trong nước hấp thụ hết lượng cung của khối này và giữ vững cho VN-Index duy trì ở vùng giá tích cực. 

Riêng phiên ngày 5/12, dù khối ngoại bán ròng hơn 1.500 tỉ đồng nhưng đà giảm thu hẹp vào cuối phiên khi dòng tiền nội nhận thấy VN-Index và nhiều mã cổ phiếu rớt xuống mức hấp dẫn nên đua nhau mua vào.

Điều này thể hiện rõ ở cổ phiếu MSN, vào phiên ngày 7/12, khối ngoại bán ròng mạnh đến 102,15 tỷ đồng nhưng kết phiên cổ phiếu tăng 2,25%. MSN còn tăng mạnh tiếp thêm 4,25% vào ngày hôm sau (8/12) với thanh khoản đột biến gấp 5 lần trung bình 5 phiên mặc dù khối ngoại vẫn bán ròng nhẹ 26,29 tỷ đồng. 

Động thái biến chuyển tích cực của cổ phiếu cho thấy các nhà đầu tư trong nước nhận diện rõ tiềm năng cổ phiếu này, hấp thu hết áp lực bán từ khối ngoại. Nếu khối ngoại dừng hoặc chỉ cần giảm bán ròng, cổ phiếu MSN sẽ không trở ngại chinh phục các cột mốc mới trong thời gian tới.

Vì sao cổ phiếu MSN là điểm thu hút dòng tiền?

Theo báo báo vào tháng 7, J.P Morgan đánh giá cao nỗ lực của MSN về kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng thông qua các chiến lược khác nhau ở các giai đoạn chu kỳ kinh doanh. Đối với danh mục hàng tiêu dùng, công ty quản lý khả năng sinh lời tương đối ổn định bằng cách cân bằng việc cải tiến lợi nhuận ở các phân khúc trưởng thành, song song đó là đầu tư vào mở rộng danh mục và tung ra sản phẩm mới. 

Điều này cũng phản ánh rõ qua kết quả kinh doanh quý 3 của Masan. Theo báo cáo tài chính mới nhất của doanh nghiệp này, doanh thu thuần 9 tháng năm 2023 đạt 57.470 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cho cổ đông thiểu số (NPAT Pre - MI) là 1.353 tỷ đồng. 

Mảng kinh doanh tiêu dùng bao gồm WinCommerce, Masan Consumer Holdings, Masan MEATLife và Phúc Long Heritage ghi nhận lợi nhuận trước EBIT tăng trưởng 45,5% trong 9 tháng đầu năm 2023 và 47,3% trong quý III/2023 so với cùng kỳ. 

Sử dụng phương pháp SOTP (sum-of-the-parts), MSN được J.P Morgan định giá với mức 102.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 54% so với mức giá 66.200 đồng/cổ phiếu tại ngày 12/12. Với tiềm năng sinh lời đến 54%, dòng tiền thông minh đã lựa chọn cổ phiếu MSN.

Bên cạnh đó, với nhận định thị trường tiêu dùng Việt Nam đang bước vào “thời điểm vàng” và Masan có đầy đủ năng lực và nền tảng để hiện thực hóa cơ hội này, Bain Capital mới đây đã gia tăng khoản đầu tư vốn cổ phần vào Masan Group lên 250 triệu USD, mỗi cổ phần trị giá 85.000 VND. 

Trước đó vào tháng 10/2023, Bain Capital đã đầu tư 200 triệu USD vào Masan Group. Bất chấp những biến động và thách thức của thị trường tài chính, việc tăng quy mô đầu tư của Bain Capital là sự tin tưởng mạnh mẽ cho chiến lược dài hạn và triển vọng của Masan.

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định và tích cực trong tháng 11/2023 với mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, thanh khoản dư thừa trong hệ thống, và tỷ giá đã hạ nhiệt từ đỉnh tháng 10 sẽ là các yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, cổ phiếu MSN với nhiều yếu tố thuận lợi, thu hút dòng tiền sẽ là 1 trong những cơ hội đầu tư tiềm năng vào dịp cuối năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục