Vì sao doanh nghiệp xe buýt Vĩnh Phúc điêu đứng?

12:42' - 26/10/2022
BNEWS Mặc dù tình hình dịch COVID-19 đã ổn định nhưng doanh nghiệp xe buýt ở Vĩnh Phúc vẫn gặp nhiều khó khăn, có doanh nghiệp thua lỗ triển miên.

Sau gần 3 năm kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và gây ảnh hưởng nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, đến nay tình hình dịch COVID-19 ổn định, phần lớn các doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc đã và đang phục hồi phát triển. Tuy vậy, vẫn còn có một số ngành nghề, doanh nghiệp  vẫn đang phải "loay hoay" tìm cách tồn tại.

Trong số những doanh nghiệp đang khó khăn ở Vĩnh Phúc phải kể tới Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc - một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xe buýt đang điêu đứng do ảnh hưởng tiêu cực vì dịch COVID-19, lâm vào cảnh thua lỗ triền miên và cạn kiệt nguồn lực.

 

*Rỗng chiều đi, vắng chuyến về

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc về hoạt động xe buýt, doanh nghiệp này: thực hiện hợp đồng, giao nhận thầu đối với 6 tuyến xe buýt nội tỉnh kể từ ngày 01/7/2019 đến nay với khoảng 50 đầu xe hoạt động và là doanh nghiệp của số tuyến, số lượng đầu xe hoạt động ở phần lớn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Đầu năm 2020, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên trong nước phát hiện dịch COVID-19 và là tỉnh bị ảnh hưởng lớn tới mọi hoạt động kinh tế- xã hội, tác động những lần dịch COVID-19 kéo dài đến tận các năm sau.

Ông Hoàng Văn Bản, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Phúc cho hay, trước tình trạng trên, nhiều thời điểm Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc phải ngừng hoạt động hoặc động cầm chừng để phòng chống dịch theo yêu cầu của tỉnh, cũng như Trung ương. Mặt khác, suốt thời gian dịch COVID-19, người dân e ngại dùng phương tiện công cộng để đi lại.

 

Có thời điểm, tỉnh ra quy định xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng và xe khách nội tỉnh chỉ được phép sử dụng không quá 50% số ghế ngồi và phải có sổ ghi chép lịch trình của khách. Hoạt động của xe buýt trong thời điểm dịch COVID-19 lâm vào cảnh khó khăn khi nhà xe luôn rỗng chiều đi, vắng chiều về. Lượng khách đi lại sụt giảm, đánh giá tổng thể trong thời gian dịch thì lượng khách bình quân đi xe buýt chỉ đạt từ 15 đến 20%...

Hoạt động của các tuyến xe của công ty này trong thời gian dịch COVID-19 gây ảnh hưởng không những vắng khách mà còn có lúc phải dừng hoạt động. Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc, tuyến xe VP01 từ năm 2020 đến tháng 10/2022 phải dừng nghỉ 300 ngày; tuyến xe VP08 từ năm 2020 đến tháng 10/2022 phải dừng nghỉ 248 ngày; tuyến xe VP05 từ năm 2020 đến 2021 phải dừng nghỉ 112 ngày. Việc dừng chạy, chạy giãn cách, giảm tần suất hoạt động của các tuyến xe buýt đã dẫn đến không có khối lượng quyết toán, không bù đắp được chi phí, càng hoạt động càng lỗ.

*Doanh thu giảm, nợ phát sinh

Hoạt động của các tuyến xe buýt thuộc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc trong những năm tháng ảnh hưởng của dịch COVID-19 gặp những hạn chế nên thưa vắng khách, doanh thu sụt giảm mạnh, tiền thu về không bù đắp được chi phí, càng hoạt động càng lỗ...

Cụ thể, doanh thu năm 2020 của công ty đạt 10,1 tỷ đồng, so với donh thu hợp đồng thầu là 29.9 tỷ đồng là giảm 19,8 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu chỉ đạt 4 tỷ đồng, so với doanh thu hợp đồng thầu là 11,6 tỷ đồng, chỉ đạt 34,5%.

Hiện tại, Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc mới trả lương cho lái, phụ xe buýt đến hết tháng 5/2022. Công ty nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội đến tháng 9/2022 là gần 10 tỷ đồng, nợ các nhà cung cấp trên 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn nợ các ngân hàng để đầu tư phương tiện là gần 66 tỷ đồng và nợ tiền gốc vay đến hạn phải trả của ngân hàng là 12,9 tỷ đồng... Do gặp các khó khăn về tài chính, công ty đã xin dừng khai thác các tuyến xe buýt từ ngày 1/11/2022.

Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc là doanh nghiệp có số lượng xe buýt lớn nhất trên địa bàn Vĩnh Phúc. kinh doanh vận chuyển hành khách nội tỉnh, hoạt động này của đơn vị được bắt đầu từ năm 2005. Những năm chưa có dịch COVID-19, số lượng người đi xe buýt luôn đông đúc.

Đây là phương tiện khá tiện ích, hoạt động trên diện rộng tại tỉnh, giá vé rẻ và là phương tiện của hàng ngàn công nhân lao động khu công nghiệp, học sinh, sinh viên của trường trên địa bàn tỉnh lựa chọn để di lại hàng ngày. Việc dựng hoạt động của các tuyến xe buýt sẽ ảnh hưởng tới việc đi lại, giải quyết các công việc quan trọng của đông đảo người dân.

Hiện tại, lái và phụ xe buýt của Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc không tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên tuyến và công ty này cũng không còn khả năng tiếp tục duy trì hoạt động 6 tuyến xe buýt do công ty đang quản lý. Doanh nghiệp đang cạn kiệt nguồn lực dẫn đến nợ lương lái xe, phụ xe... ; chưa thanh toán các khoản chế độ khác. Từ sáng 24/10/2022, nhiều lái xe, phụ xe, nhân viên xe buýt  đã tụ tập yêu cầu công ty phải trả lương và các quyền lợi hợp pháp chính đáng khác cho người lao động.

Chị Trần Thì H. - một công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Bá Thiện, huyện Bình Xuyên, cho biết, tính từ nhà ở của gia đình chị H. ở tại xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch tới nơi chị làm việc (Khu công nghiệp Bá Thiện) xa tới hơn 20 km, nếu xe buýt không hoạt động thì việc đi lại sẽ rất vất vả, nhất là khi tăng ca phải về muộn khi trời đêm tối. Đây cũng là những lo ngại của nhiều công nhân khác, có nhà xa nơi làm việc.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các cơ quan chức năng, Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc vận động lái xe, phụ xe 6 tuyến xe buýt làm  việc trở lại; tuy nhiên, các lái và phụ xe vẫn tụ tập, đòi hỏi các quyền lợi. Hiện, cả 6 tuyến xe buýt nói trên vẫn chưa hoạt động tại. Sở Giao thông Vận tải tỉnh cũng đang tham mưu UBND tỉnh tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thay thế, bảo đảm duy trì hoạt động các tuyến xe buýt. Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc cũng sẽ báo cáo phương hướng khắc phục khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất với ngành chức năng tỉnh để có hướng xử lý kịp thời, hiệu quả.

Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc là doanh nghiệp đầu tiên, có số lượng xe buýt lớn nhất trên địa bàn tỉnh kinh doanh vận chuyển hành khách nội tỉnh, hoạt động này của đơn vị được bắt đầu từ năm 2005. Do chi phí hợp lý và tiện ích, những năm chưa có dịch COVID-19, số lượng người đi xe buýt luôn đông đúc. Đây là phương tiện khá tiện ích, hoạt động trên diện rộng tại tỉnh và là sự lựa chọn của hàng ngàn công nhân lao động khu công nghiệp, học sinh, sinh viên của trường trên địa bàn tỉnh để di lại hàng ngày./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục