Vì sao máy bay Vietnam Airlines phải hạ cánh khẩn cấp tại Đài Loan (Trung Quốc)?

13:43' - 11/06/2019
BNEWS Dù việc điều hướng chuyến bay để hạ cánh khẩn cấp tốn không ít nguồn lực và chi phí của Hãng, nhưng Vietnam Airlines vẫn luôn đặt an toàn của tất cả hành khách là ưu tiên số một trong mỗi chuyến bay.
Chuyến bay VN337 của Vietnam Airlines hành trình Kansai (Nhật Bản) - Đà Nẵng phải chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Đào Viên (Đài Loan- Trung Quốc) sau 15 phút bay ngày 7/6 vừa qua. Ảnh minh hoạ: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Theo Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), chuyến bay VN337 của Vietnam Airlines hành trình Kansai (Nhật Bản) - Đà Nẵng phải chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Đào Viên (Đài Loan - Trung Quốc) sau 15 phút bay vào ngày 7/6 vừa qua.

Trước đó, phi hành đoàn nhận được thông tin 1 hành khách trẻ em tên W.H (2 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) bị sốt cao, co giật và hô hấp khó khăn trong tình trạng hôn mê.

Ngay sau khi nhận được thông báo chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp từ chuyến bay VN337, đại diện Vietnam Airlines tại Đài Loan (Trung Quốc) đã gọi xe cứu thương sân bay, liên hệ phối hợp với đội ngũ bác sĩ, bộ phận công an cửa khẩu, cảng vụ.

Khi chuyến bay VN337 hạ cánh tại sân bay Đào Viên, xe cứu thương và các bộ phận phục vụ đã có mặt sẵn sàng tại sân đỗ. Sau khi tiếp cận máy bay, bộ phận phục vụ nhận thông tin từ tiếp viên trưởng cho biết, hành khách quốc tịch Nhật Bản W.H (2 tuổi) đi cùng bố mẹ, bị sốt cao 40 độ C, trong tình trạng co giật và vô thức, hô hấp rất khó khăn. Đồng thời, đội ngũ bác sĩ và y tá nhanh chóng vào cabin để kiểm tra, sơ cứu cho cháu bé.

Qua công tác kiểm tra sơ bộ tình trạng của hành khách, bác sĩ quyết định khẩn trương đưa cháu bé về Bệnh viện Li Shin nằm ở thành phố Chung Li, gần sân bay.

Đại diện Vietnam Airlines tại Đài Loan đã phối hợp cùng nhà chức trách sân bay, công an cửa khẩu làm các thủ tục cần thiết để nhanh chóng đưa cháu bé và bố mẹ xuống máy bay và đến bệnh viện.

Tại bệnh viện, bác sĩ đã kiểm tra, chẩn đoán và khẩn trương tiến hành các biện pháp cứu chữa. Cùng lúc đó, tại sân bay Đào Viên, Vietnam Airlines tiến hành làm các thủ tục hành lý cho hành khách trên chuyến bay VN337, tra nạp thêm nhiên liệu, thực hiện các công tác kỹ thuật cần thiết để có thể khai thác chuyến bay trở lại theo kế hoạch.

Chuyến bay tiếp tục hành trình bay về Đà Nẵng sau 1 tiếng 22 phút hạ cánh tại sân bay Đào Viên. Về phía bệnh nhân W.H, sau 4 tiếng kể từ khi đến bệnh viện Li Shin, cháu bé đã ổn định trở lại và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đi máy bay.

Gia đình cùng cháu bé bắt taxi trở lại sân bay, làm thủ tục và nhận hành lý dưới sự hỗ trợ của đại diện Vietnam Airlines. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục, cháu bé tiếp tục sốt cao trở lại. Nhân viên Vietnam Airlines đã nhanh chóng đưa cháu bé đến phòng cấp cứu tại sân bay để bác sĩ khám và cấp thuốc.

Phía Vietnam Airlines đã liên lạc với gia đình cháu bé và được biết cả gia đình đã trở lại Osaka an toàn. Tình trạng sức khỏe của cháu bé đã ổn định, gia đình gửi lời cảm ơn sự quan tâm và giúp đỡ của Vietnam Airlines.

Đây không phải lần đầu tiên Vietnam Airlines quyết định thay đổi kế hoạch khai thác chuyến bay vì lý do sức khoẻ của hành khách. Trước đó, hãng cũng tiến hành hoãn chuyến bay hoặc hạ cánh khẩn cấp nhiều lần đối với các trường hợp hành khách gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ, cần sự trợ giúp kịp thời.

Báo chí và người dân Hàn Quốc đã từng tôn vinh hành động cao đẹp của Vietnam Airlines khi hoãn chuyến bay hành trình Yangon (Myanmar) - Hà Nội trong vòng 80 phút để tháo ghế, lắp ráp cáng trên máy bay, phục vụ vận chuyển 1 bệnh nhân người Hàn Quốc đang bị thương nặng tại Myanmar bay về Hà Nội một cách an toàn trong bối cảnh tất cả hãng khác đều từ chối vận chuyển vì hết chỗ.

Hồi năm 2017, Vietnam Airlines đã hạ cánh khẩn cấp để cấp cứu 2 hành khách trên chuyến bay VN426 hành trình Hà Nội - Busan (Hàn Quốc). Theo đó, chuyến bay có 1 hành khách nam bị đột quỵ nên phi hành đoàn quyết định hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Hong Kong (Trung Quốc) để cấp cứu. Trong lúc hạ cánh, bất ngờ 1 hành khách trẻ em trên cùng chuyến bay lên cơn sốt cao gần 40 độ C.

Để đảm bảo sức khỏe của cháu bé trong hoàn cảnh không có thuốc đặc trị trên chuyến bay, phi hành đoàn tiếp tục kéo dài thời gian hạ cánh tại Hong Kong nhằm phối hợp các đơn vị mặt đất đưa cháu bé cùng bố mẹ đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương.

Cũng trong năm 2017, chuyến bay số hiệu VN19 hành trình Hà Nội - Paris của Vietnam Airlines đã hạ cánh khẩn cấp tại New Delhi (Ấn Độ) để cấp cứu và đảm bảo tính mạng cho một Việt kiều Pháp. Trước đó, vào tháng 1/2017, một chuyến bay của hãng cũng phải hạ cánh khẩn cấp tại Kolkata (Ấn Độ) để cấp cứu một hành khách bị ngất. Việc hạ cánh khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách là công tác mang tính cấp thiết, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, quyết định kịp thời từ phi hành đoàn cũng như hãng bay.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay, dù việc điều hướng chuyến bay để hạ cánh khẩn cấp tốn không ít nguồn lực và chi phí của hãng hàng không trong việc sắp xếp lại chuyến bay, tra nạp nhiên liệu, phục vụ mặt đất hay bồi thường cho hành khách bị nhỡ lịch nối chuyến, Vietnam Airlines vẫn luôn đặt an toàn của tất cả hành khách là ưu tiên số một trong mỗi chuyến bay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục