Vì sao ngày 13/10 được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam?

09:56' - 12/10/2023
BNEWS Ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”.

Nguồn gốc của Ngày Doanh nhân Việt Nam

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã ghi dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Việt Nam, chuyển đổi nước ta từ một nước thuộc địa sang một quốc gia độc lập.

Tuy nhiên, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là những khó khăn về kinh tế, tài chính.

Kiệt quệ về kinh tế, quốc khố gần như trống rỗng, Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp, ngân quỹ Chính phủ chỉ vẻn vẹn có 1,25 triệu đồng Đông Dương, nhưng trong đó có tới 580 nghìn đồng rách nát đang chờ tiêu hủy, các khoản nợ của chính phủ bù nhìn, tay sai để lại lên đến 564 triệu đồng...

Tình hình đó đòi hỏi chính quyền cách mạng cần nhanh chóng đưa ra biện pháp bảo đảm tài chính, tạo cơ sở vững chắc để có thể tiến hành các nhiệm vụ cách mạng quan trọng tiếp theo.

Thời điểm đó, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chủ trương tổ chức “Tuần lễ vàng” động viên nhân dân ủng hộ để xây dựng “Quỹ Độc lập”. Hưởng ứng chủ trương của Bác và chính phủ mới, các doanh nhân, các nhà tư sản dân tộc đã đóng góp vào các quỹ này hơn 20 triệu đồng Đông Dương và khoảng 370kg vàng.

Trong số đó, tiêu biểu là vợ chồng doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ và Trịnh Văn Bô đóng góp hơn 5.000 lượng vàng. Đặc biệt, một bộ phận của giới Công Thương đã tập hợp lại thành “Công-Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Việt Minh.

Để khen ngợi hành động này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Thư gửi các giới Công Thương Việt Nam” đăng trên báo Cứu quốc ngày 13/10/1945, nhấn mạnh: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công-Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng…” nhằm khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng công-thương nghiệp trong việc kiến thiết nền kinh tế nước nhà.

Người còn viết: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng” để lý giải thêm lý do tại sao hoạt động công-thương, hoạt động kinh doanh sản xuất không nên tách rời khỏi nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Bài học về sự đoàn kết và đóng góp của toàn bộ dân tộc trong công cuộc bảo vệ và xây dựng độc lập dân tộc vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa với chúng ta sau hơn 78 năm.

Vì vậy, thể theo đường lối chỉ đạo, chủ trương và chính sách khuyến khích phát triển, phát huy vai trò doanh nhân của Bác, ngày 20/09/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, chọn ngày 13/10 hằng năm làm ngày tôn vinh Doanh nhân Việt Nam.

 

Ý nghĩa ngày Doanh nhân Việt Nam

Việc Thủ tướng Chính phủ quyết đinh lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc - đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định việc tổ chức ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức, bảo đảm các yêu cầu:

Giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trài thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Ngày 09 tháng 12 năm 2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo và mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam như sau:

Về quan điểm chỉ đạo: Bộ Chính trị khẳng định: Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện của doanh nhân, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân.

Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân phải gắn liền với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân theo pháp luật, khuyến khích doanh nhân làm giàu cho mình và cho đất nước.

Tăng cường mối liên kết, hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa doanh nhân với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam: Bộ Chính trị xác định như sau:

Mục tiêu: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á.

Phương hướng, nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân; Hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; Quan tâm, tạo chuyển biến trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân; Đề cao đạo đức, văn hoá kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

Đến nay, sau 15 năm Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam” và 05 năm Nghị quyết 09-NQ-TW của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, thực tế đã khẳng định ý nghĩa lịch sử của bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương vào ngày 13/10/1945. Trong giai đoạn này - giai đoạn hộp nhập kinh tế quốc tế - bức thư của Hồ Chủ tịch vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện đường lối đúng đắn và chỉ dẫn mang tính chiến lược của Người đối với việc khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng và kiến thiết đất nước.

Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 20/9/2004 và Nghị quyết 09-NQ-TW ngày 09/12/2011 đã cụ thể hóa đường lối, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân; hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tự tin góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục