Vì sao sạt lở lại xảy ra phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long?

08:16' - 02/06/2017
BNEWS Các nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn quản lý đã xác định các nguyên nhân cơ bản dẫn đến xói lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh ĐBSCL đều xuất phát từ phía con người.
Sạt lở xảy ra phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa: TTXVN

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đã xảy ra liên tiếp ở nhiều nơi thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhiều người dân cũng như hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, tìm một giải pháp căn cơ nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông ở ĐBSCL là yêu cầu bức bách trong thời điểm hiện nay.

* Nhiều địa phương bị sạt lở nghiêm trọng

ĐBSCL là nơi sinh sống của khoảng 18 triệu người. Đây là vùng canh tác nông nghiệp lớn nhất nước. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu, hiện tượng sạt lở luôn là vấn đề nóng đi cùng sự phát triển. Nghiên cứu của Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, 38% diện tích đất ĐBSCL có thể bị nước biển nhấn chìm vào năm 2100.

Đặc biệt, những năm gần đây sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực ĐBSCL diễn ra bất thường và nghiêm trọng, không theo một quy luật nhất định; tần suất và cường độ những trận sạt lở diễn ra vào mùa khô ngày một nhiều.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, vùng ĐBSCL hiện có 406 đoạn sạt lở bờ sông và bờ biển, với tổng chiều dài 891km (gồm 393 điểm bờ sông dài 581km và 13 đoạn bờ biển dài 310km).

An Giang là một trong những tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở. Trong 5 tháng đầu năm 2017 đã xảy ra 15 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch ở huyện An Phú, huyện Chợ mới, thị xã Tân Châu... với tổng chiều dài trên 1,2 km, ảnh hưởng đến 170 căn nhà, trong đó có 18 căn nhà đã sụp hoàn toàn xuống sông cùng với nhiều tài sản, công trình hạ tầng khác. Kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 51 đoạn nằm trong cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 162.550m, gây ảnh hưởng cho 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở.

Từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh Đồng Tháp cũng đã xảy ra 13 vụ sạt lở tại các huyện Hồng Ngự (5 vụ), Thanh Bình (4 vụ), thị xã Hồng Ngự (2 vụ), huyện Cao Lãnh (2 vụ), với diện tích sạt lở 5.924m2. Thời điểm cuối tháng 4 và đầu tháng 5, tỉnh Đồng Tháp đã phải 2 lần công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đất bờ sông Tiền thuộc xã Bình Thành, huyện Thanh Bình. Khu vực này hiện có hơn 220 hộ dân sinh sống bị sạt lở đe dọa.

Còn ở Cà Mau, ngành chức năng của tỉnh cũng đo đạc được khoảng 150 km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, bình quân mỗi năm mất khoảng 450 ha đất ven biển, làm mất đai rừng phòng hộ, đe dọa đến đời sống và sản xuất của người dân, các công trình xây dựng cơ bản ven biển.

Các quận ven sông Hậu của thành phố Cần Thơ cũng đang đối mặt với tình trạng sạt lở, trong đó có khu vực cồn Tân Lộc, quận Thốt Nốt, sông Cần Thơ đi qua địa bàn quận Ninh Kiều và quận Cái Răng là những điểm nóng về sạt lở bờ sông.

Sóc Trăng và Tiền Giang là những tỉnh cuối nguồn chịu tác động kép của sạt lở bờ biển và sạt lở trên các sông, rạch.

Không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhiều người dân cũng như hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, sạt lở còn dẫn đến diện tích rừng trong 5 năm trở lại đây (từ 2011-2015) ở vùng ĐBSCL giảm 10%, tương đương với 28.387ha.

* Nguyên nhân chính từ phía con người

Các nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn quản lý đã xác định các nguyên nhân cơ bản dẫn đến xói lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh ĐBSCL đều xuất phát từ phía con người.

Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là sự mất cân bằng bùn cát do việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát, sỏi ở lòng sông, ven biển đã làm giảm đáng kể lượng bùn cát. Theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, năm 2013 tổng lượng bùn cát đọng lại trên các tuyến sông vùng ĐBSCL khoảng 3 triệu m3, trong khi tổng lượng cát bị khai thác trong năm là 28 triệu m3.

Ngoài ra, việc chặt phá rừng, khai thác tài nguyên vùng đầu nguồn làm giảm khả năng giữ đất, ngăn lũ; tình trạng xây dựng các công trình trái phép lấn chiếm mặt sông làm cản trở việc thoát lũ; tình trạng xây dựng các tuyến đường giao thông có cao trình vượt lũ năm 2000 và đê bao trong thời gian qua cũng đã làm tăng tốc độ dòng chảy và lưu lượng lũ vào hai dòng chính gây xói lở bờ sông.

Bên cạnh nguyên nhân chính nêu trên, các ý kiến cũng chỉ ra nhiều lý do khác dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, biển tại khu vực ĐBSCL như: tỉ lệ phân lưu từ sông Tiền sang sông Hậu qua sông Vàm Nao có xu thế gia tăng đã tác động mạnh đến lòng dẫn sông Hậu, nhất là khu vực hợp lưu sông Hậu và sông Vàm Nao; địa chất khu vực sạt lở chủ yếu là thành phần sa bồi mềm yếu, kết cấu rời rạc, dễ bị xói trôi hay việc nước biển đang dâng cao nhanh hơn so với tốc độ dự báo…

* Lập bản đồ những khu vực có nguy cơ sạt lở đất

Trước tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng phức tạp, trung tuần tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng Đoàn công tác của Chính phủ trực tiếp làm việc với một số tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về công tác phòng, chống sạt lở.

Khu vực sạt lở bờ sông Tiền tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Sau khi khảo sát tại những điểm sạt lở nghiêm trọng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, trước mắt, để bảo về tính mạng, tài sản, ổn định cuộc sống cho người dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, các ngành có liên quan phải theo dõi chặt chẽ, quan trắc, cảnh báo để có kế hoạch cảnh báo sớm sơ tán người dân nhanh nhất, không thiệt hại tính mạng, tài sản. Đối với khu vực phải di dời hoặc tiếp tục sạt lở, các địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân ổn định chỗ ở.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương vùng ĐBSCL cần rà soát, tăng cường quản lý việc khai thác cát, kiên quyết ngăn chặn việc khai thác cát trái phép; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và dung túng cho các hoạt động vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát lại việc cấp phép khai thác cát, sỏi, đánh giá tổng lượng cát, sỏi về trong năm và tổng lượng cát, sỏi khai thác; xem lại các quy hoạch khai thác cát, sỏi; những vùng quy hoạch khai thác cát sỏi bất hợp lý thì xóa bỏ...

Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành chức năng, phải tập trung lập quy hoạch bờ sông, bờ biển, điều tra, đánh giá, những nguyên nhân và đưa ra các giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; hướng dẫn các địa phương phân công các đơn vị duy tu, bảo dưỡng các công trình, trồng rừng; rà soát các cấp độ thiên tai trình Chính phủ phê duyệt, rà soát hệ thống quan trắc thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước. Phối hợp nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nước biển dâng, để phòng chống xói lở, đánh giá hằng năm về tổng lượng bùn cát đã về và tổng lượng khai thác ở vùng ĐBSCL; tìm nguồn vốn để thực hiện các công trình ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân đối với các hoạt động phòng chống thiên tai nói chung và phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển nói riêng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc lập bản đồ những khu vực có nguy cơ sạt lở đất để có những giải pháp ứng phó thích hợp sẽ tạo sự chủ động trong việc nhận diện sớm những khu vực dễ tổn thương, từ đó hạn chế thấp nhất những thiệt hại vô cùng lớn mà sạt lở đang gây ra cho toàn vùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục