Vị thế thống trị của đồng USD – Bài 1: Không có đối thủ “xứng tầm”

05:30' - 13/04/2025
BNEWS Đồng USD, trong suốt 7 thập kỷ vừa qua, đã luôn giữ vai trò là đồng tiền thống trị trong thương mại và tài chính toàn cầu.
Theo trang mạng Foreign Affairs, trong khoảng thời gian 70 năm, hiếm có điều gì thực sự đe dọa được vị thế của đồng USD trên trường quốc tế. Hệ thống kinh tế toàn cầu vận hành với quán tính thống nhất – từ chính phủ đến các ngân hàng, tập đoàn đa quốc gia đều ưu tiên sử dụng những cơ chế giao dịch đã được kiểm chứng qua thời gian.

Thỉnh thoảng, truyền thông rộ lên những thông tin rằng một số quốc gia đang tìm các lựa chọn thay thế đồng USD, rằng một liên minh mới đang xây dựng đồng tiền đối trọng, hoặc một cuộc khủng hoảng chính trị ở Washington sẽ khiến đồng USD mất đi vị thế là đồng tiền dự trữ. Nhưng trải qua nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế toàn cầu biến động, vượt qua những giai đoạn bất ổn của thị trường tài chính và những lo ngại xoay quanh chính sách kinh tế của Mỹ, đồng USD vẫn khẳng định vị thế thống trị vững chắc.

Đó là tính đến thời điểm trước “Ngày Giải phóng” hôm 2/4, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế quan mới cao kỷ lục, nhằm vào hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ. Kế hoạch của ông Trump đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu lao dốc. Đây là ví dụ mới nhất minh họa về cách tiếp cận nhất quán của ông Trump trong điều hành: biến sức mạnh kinh tế Mỹ thành công cụ gây áp lực.

 

Ông Trump đã tuyên bố áp thuế lên hàng hóa từ Canada và Mexico với lý do để trả đũa một loạt “vấn đề” được quy kết là do hai nước láng giềng gây ra, đồng thời tái lập chiến dịch “áp lực tối đa” chống lại Iran từng được phát động từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông. Kết hợp với những đòn công kích vào nhà nước pháp quyền, những hành động này đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng nhất từ trước đến nay đối với vị thế của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, cả Mỹ và thế giới sẽ phải trả giá đắt. Không có đồng USD làm “chất bôi trơn” cho thương mại và tài chính toàn cầu, tăng trưởng sẽ chậm lại và mức sống sẽ sụt giảm. Việc tự cô lập mình cũng sẽ không giúp Mỹ hồi sinh ngành sản xuất như chính quyền Tổng thống Trump kỳ vọng, bởi chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn và thị trường vốn sẽ ngày càng cạn kiệt. Kết cục thật sự của một đồng USD suy yếu là sự sụp đổ của sức mạnh kinh tế Mỹ.

Đồng tiền chung của thế giới

Đồng USD đã vượt qua đồng bảng Anh để trở thành đồng tiền được ưa chuộng nhất trong dự trữ ngoại hối toàn cầu vào giữa những năm 1920. Nhưng chỉ đến hội nghị Bretton Woods vào cuối Thế chiến thứ II, vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD mới được chính thức hóa. Hội nghị này dẫn đến sự ra đời của các thể chế kinh tế, bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), đồng thời thiết lập một hệ thống mới, trong đó các đồng tiền khác nhau được neo vào đồng USD và đồng bạc xanh sẽ gắn với vàng theo tỷ giá cố định.

Cả hai yếu tố này - các thể chế quốc tế và cơ chế neo tỷ giá - đã đặt sự ổn định tiền tệ vào trung tâm của kinh tế toàn cầu. Kể từ đó, đồng USD giữ vững vị thế thống trị dù trải qua nhiều biến động, ngay cả sau khi Tổng thống Richard Nixon xóa bỏ chế độ bản vị vàng năm 1971.

Một đồng tiền dự trữ toàn cầu phải hội tụ đủ nhiều yếu tố: dễ chuyển đổi, được sử dụng rộng rãi và là nơi lưu giữ giá trị an toàn. Đồng USD từ lâu đã đáp ứng đủ các yếu tố này. Trong hơn 30 năm qua, 85–90% các giao dịch ngoại hối đều liên quan đến đồng USD. Trên hệ thống giao dịch của Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) – nơi các ngân hàng luân chuyển hàng chục nghìn tỷ USD mỗi ngày – khoảng 50% giao dịch được thực hiện bằng đồng USD, tăng từ mức 35% cách đây một thập kỷ.

Hơn thế nữa, đồng USD còn đóng vai trò là đơn vị tính toán chung trong thương mại toàn cầu. Trên khắp thế giới, các mặt hàng từ dầu mỏ, kim loại cho đến nông sản gần như đều được định giá bằng đồng tiền của Mỹ. Khoảng 54% các hóa đơn thương mại toàn cầu sử dụng đồng USD, dù Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% tổng thương mại toàn cầu.

Để trở thành “nơi giữ giá trị”, đồng tiền dự trữ cần được hậu thuẫn bởi một nền kinh tế có thị trường tài chính lớn, mở cửa, với cơ chế đầu tư hấp dẫn và một hệ thống pháp lý đáng tin cậy. Nền kinh tế Mỹ mở cửa cho đầu tư nước ngoài: gần như không có hạn chế nào trong việc đưa vốn vào hay rút vốn ra khỏi Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là cơ quan độc lập và có uy tín. Hệ thống tòa án cũng như cơ quan quản lý của Mỹ được cả thế giới đặt lòng tin trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh, điều hành nền kinh tế một cách nhất quán, và ngăn ngừa tham nhũng nghiêm trọng.

Ngoài ra, thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ – trị giá khoảng 28.000 tỷ USD – chiếm hơn 1/4 tổng thị trường nợ chính phủ toàn cầu. Trái phiếu kho bạc Mỹ là loại tài sản chính phủ có tính thanh khoản cao nhất, với khối lượng giao dịch bình quân 900 tỷ USD/ngày, là điểm đến an toàn cho các ngân hàng trung ương khắp thế giới.

Không có đối thủ “xứng tầm”

Đồng USD còn nắm giữ một lợi thế then chốt: không có đối thủ “xứng tầm”. Đồng nhân dân tệ (NDT) nổi lên là một thách thức đối với đồng USD trong tương lai. Nhưng Trung Quốc thiếu các thị trường tài chính mở và có tính thanh khoản cao – một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với một đồng tiền dự trữ. Bắc Kinh phát triển Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) thay thế cho SWIFT, nhất là sau khi một số ngân hàng lớn nhất của Nga bị loại khỏi SWIFT vào năm 2022. Nhưng cho đến nay, khối lượng giao dịch của CIPS chỉ chiếm 0,2% khối lượng giao dịch của SWIFT.

Đồng euro là đối thủ tiệm cận gần nhất của đồng USD. Khu vực đồng euro (Eurozone) có thị trường vốn mở và thanh khoản cao và đồng tiền này được giao dịch và dự trữ nhiều thứ hai thế giới. Tuy nhiên, EU không có liên minh tài khóa, trong khi Đức – đầu tàu kinh tế châu Âu – trước đây miễn cưỡng phát hành nợ. Việc thiếu chính sách tài khóa thống nhất trong khu vực đã dẫn đến khủng hoảng nợ châu Âu giai đoạn 2010 -2012, khiến khối lượng giao dịch đồng euro trên thị trường ngoại hối, giao dịch qua SWIFT bằng đồng euro, và tỷ trọng dự trữ đồng euro tại các ngân hàng trung ương trên thế giới sụt giảm mạnh.

Ngoài ra, trong 15 năm qua, cổ phiếu Mỹ mang lại lợi suất cao gấp 5 lần châu Âu, khiến các nhà đầu tư chuyển vốn sang Mỹ. Căng thẳng địa chính trị với Nga cũng làm các ngân hàng trung ương dè dặt hơn với đồng euro.

Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã đưa ra ý tưởng sẽ phát triển đồng tiền chung thay thế đồng USD. Nhưng nhóm này chưa có kế hoạch thống nhất tài khóa hay tiền tệ nào giữa các thành viên và sự chia rẽ nội bộ khiến viễn cảnh như vậy là thiếu thực tế. Một loại tiền tệ được tạo ra bởi một nhóm nước còn phân mảnh hơn cả khu vực đồng euro sẽ khó có khả năng trở thành lựa chọn mặc định cho hệ thống thanh toán toàn cầu, đặc biệt là khi BRICS vẫn chưa luận giải được cơ chế vận hành cụ thể của đồng tiền chung tiềm năng.

Tương tự, vàng và các loại tiền kỹ thuật số như bitcoin đều không hội tụ đủ yếu tố để trở thành đồng tiền dự trữ. Tiền mã hóa thiếu nhiều đặc điểm cần thiết để đóng vai trò là tiền tệ dự trữ, nhất là tính thanh khoản, sự ổn định về giá cả, hay mức độ hậu thuẫn từ chính phủ hoặc một nguồn tài sản có giá trị rõ ràng nào khác. Vàng được sử dụng như một loại tiền tệ trong thiên niên kỷ và từng là nền tảng của nhiều hệ thống tiền tệ cho thời gian gần đây. Nhưng kim loại quý này cũng bộc lộ nhiều điểm yếu rõ nét. Một trong số đó là các chính phủ không thể kiểm soát nguồn cung vàng, điều này hạn chế khả năng phản ứng linh hoạt trước các cuộc khủng hoảng kinh tế.

(Tiếp theo: Vị thế thống trị của đồng USD – Bài cuối: Sự “lung lay” được báo trước?)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục