Việc làm cho người lao động trong mùa dịch COVID-19

09:41' - 23/08/2020
BNEWS Dịch COVID khiến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Vì vậy, tìm công việc tạm thời hay ổn định lâu dài hiện là một vấn đề thật sự khó khăn với người lao động.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh (Yes Center) Nguyễn Văn Sang, bình quân cứ 100 người đến tìm việc, có hơn 10 người lao động tìm được việc làm khi tham gia sàn giao dịch việc làm tại đây.

“Con số này sẽ cao hơn nhiều nếu như người tìm việc không quá khó tính, kén chọn loại hình công việc, lĩnh vực ngành nghề, thời gian làm việc, nơi làm việc, mức lương cùng các phụ cấp khác…”, ông Sang khẳng định.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa ngừng hoạt động, đã tác động trực tiếp đến người lao động, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Vì vậy, tìm công việc tạm thời hay ổn định lâu dài hiện là một vấn đề thật sự khó khăn đối với người đi tìm việc.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Sang khuyến nghị, người lao động nên có sự chia sẻ nhất định với doanh nghiệp để ổn định cuộc sống hoặc người lao động tìm việc nên chuyển đổi nghề nghiệp, tham gia đào tạo lại nhằm đáp ứng yêu cầu lao động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Khảo sát tình hình lao động của Yes Center cho thấy, nhu cầu lao động hiện tại tập trung ở các ngành nghề kỹ thuật, đòi hỏi người lao động có tay nghề chuyên môn như: nhân viên tín dụng, thợ điện công nghiệp, nhân viên kỹ thuật điện, chuyên gia tư vấn, nhập liệu, thiết kế, quản lý cửa hàng.

Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất ở lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật ứng dụng, tự động hóa; kế toán, kiểm toán, thu ngân, lễ tân, kinh doanh, tiếp thị, bán hàng, chăm sóc khách hàng.

Ngoài ra, các ngành nghề tuyển dụng thường xuyên gồm: lao động phổ thông, bán hàng, bảo vệ, an ninh, vệ sĩ với mức lương bình quân từ 6 -10 triệu đồng/tháng.

Các ngành nghề tuyển dụng ít nhưng mức lương cao hơn 10 triệu đồng/tháng gồm: kỹ sư cơ khí, giám sát công trình, nhân viên kinh doanh bất động sản, bán hàng qua điện thoại.

Ngược lại, có những ngành nghề gần như không tuyển dụng trong thời dài vừa qua như: dệt may, phiên dịch, ngoại ngữ, quản lý chất lượng, quản lý điều hành, quản trị nhân sự - doanh nghiệp, môi trường…

Theo số liệu từ VietnamWorks, số lượng công việc đăng tuyển của các ngành nghề hiện có dấu hiệu giảm so với cùng kỳ năm ngoái là: hàng không, du lịch giảm 28%, nhà hàng khách sạn giảm 21%, giáo dục đào tạo giảm 11%...

Hầu hết các doanh nghiệp ở những lĩnh vực này đã trì hoãn hoặc thậm chí hủy luôn kế hoạch tuyển dụng trước đó.

Anh Võ Tiến Đạt, quê ở Định Quán, tỉnh Đồng Nai nộp hồ sơ và trúng tuyển vào chạy xe tải cho một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Anh được hẹn lại khi nào bớt dịch bệnh sẽ đến làm việc.

Trong thời gian chờ doanh nghiệp thông báo, anh Đạt tạm chọn nghề chạy xe ôm công nghệ để lo cái ăn, cái ở tạm thời hơn 3 tháng nay.

May mắn hơn, chị Nguyễn Ngọc Thanh, quê ở Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã tìm được một công việc mới trên thành phố cho biết, công ty cũ cho nghỉ vì hết việc, chạy đôn chạy đáo xin việc khoảng 1 tháng nay mới có nơi gọi phỏng vấn. “Chưa bao giờ, xin việc lại khó khăn như vậy…”, chị Thanh chia sẻ.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố, do dịch bệnh kéo dài nên hoạt động giao dịch, tìm kiếm, giới thiệu việc làm tại các trung tâm, sàn giao dịch việc làm trong thời gian gân đây luôn thu hút số lượng lớn người đến tìm việc.

Nhiều trung tâm giới thiệu việc làm đã đẩy mạnh các hoạt động sàn giao dịch việc làm dưới hình thức trực tuyến, online và thông qua các app tự giới thiệu, tìm việc làm phù hợp.

Trong trường hợp không tìm được công việc phù hợp trên bảng thông báo tuyển dụng của doanh nghiệp, người lao động nên cung cấp thông tin liên quan cùng các yêu cầu, nguyện vọng cho nhân viên trung tâm lưu trữ.

Khi có công việc phù hợp, nhân viên trung tâm sẽ chủ động liên hệ trực tiếp với người lao động đến, để hoàn tất thủ tục xin việc làm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục