Viễn cảnh đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp toàn cầu

06:30' - 23/08/2024
BNEWS Theo báo “Liên hợp buổi sáng”, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến cộng đồng doanh nghiệp trên toàn cầu đối mặt với không ít khó khăn, cả trong hoạt động sản xuất và thương mại.

Nếu không có cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, công ty Easy Signs – một doanh nghiệp có trụ sở tại Australia, hoạt động trong lĩnh vực biển hiệu, cờ phướn quảng cáo bằng vải - đã có thể tuyển dụng hàng chục công nhân cho nhà máy ở Allentown, Pennsylvania (Mỹ). Không những vậy, kế hoạch xây dựng một nhà máy thứ hai ở thành phố Salt Lake phía Tây nước Mỹ và tạo thêm 100 vị trí việc làm của Easy Signs cũng đang bị trì hoãn.

Doanh nghiệp chuyên về các sản phẩm dùng trong ngành quảng cáo ứng dụng của Australia đang hoạt động mạnh mẽ tại thị trường Mỹ, với tốc độ tăng trưởng trung bình 70% mỗi năm. Nhưng hầu hết các sản phẩm của Easy Signs sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào (khung nhôm, thép treo bạt/vải quảng cáo) nhập khẩu từ Trung Quốc. Những phụ tùng này hiện phải chịu mức thuế nhập khẩu vào thị trường Mỹ lên tới 365%, được áp dụng từ thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump và được duy trì trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của ông Joe Biden.

Nước Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút cho cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Nếu ông Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hòa, giành chiến thắng, rất có thể ông sẽ hiện thực hóa lời đe dọa áp thuế từ 60% trở lên đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc và 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ. Sau đó, giá linh kiện nhập khẩu có thể sẽ còn tăng thêm. Ông Andy Fryer, đồng sáng lập Easy Signs, cho biết: “Đó chắc chắn là một viễn cảnh đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp toàn cầu”.

Hơn hai chục nhà sản xuất, nhà bán lẻ và đại lý vận chuyển của Mỹ đã bày tỏ lo ngại về sự không chắc chắn của chính sách thuế quan áp dụng với các sản phẩm và linh kiện nhập khẩu – đặc biệt là những sản phẩm được vận chuyển từ Trung Quốc. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn hoãn đầu tư và dừng mở rộng hoạt động.

 
Nếu ông Trump thắng cử, khả năng gián đoạn tiếp theo là rất lớn. Trong trường hợp Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên đảng Dân chủ, chiến thắng, thì nhiều khả năng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục kéo dài. Điều này có thể làm tăng chi phí linh kiện nhập khẩu mà các công ty Mỹ sử dụng.

Ông Mandeep Singh, người sở hữu công ty Via Indigos có trụ sở tại Cincinnati, kết nối các nhà máy Mỹ với các nhà cung cấp Ấn Độ, cho biết: “Các doanh nghiệp đã xác đinh rằng bất kể đảng nào ở Mỹ lên nắm quyền, thuế quan đối với Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao”.

Năm 2018, cựu Tổng thống Trump bắt đầu áp dụng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tiếp theo, Tổng thống Biden đã mở rộng chính sách đó, bổ sung thuế quan đối với các danh mục hàng hóa mới của Trung Quốc như xe điện và pin Mặt trời.

Cả hai ông chủ Nhà Trắng đều viện dẫn lý do thuế quan được áp dụng nhằm thúc đẩy đưa việc làm quay lại nước Mỹ. Nhưng ngay cả khi thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc buộc các nhà sản xuất và nhà bán lẻ giảm sự phụ thuộc vào cường quốc lớn thứ hai thế giới thì điều này cũng thường dẫn đến một kết quả khác là hoạt động sản xuất chuyển dịch sang các nước mới nổi có mức lương thấp hơn nhiều so với Mỹ.

Theo phân tích gần đây của Project44, một số công ty đang tăng cường nhập khẩu để tích trữ hàng. Báo cáo cho biết trong tháng 6/2024 và tháng 7/2024 - giai đoạn cao điểm khi các nhà bán lẻ đang tích trữ hàng cho kỳ nghỉ lễ cuối năm - khối lượng vận chuyển hàng hóa đường biển từ Trung Quốc đến Mỹ đã tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Đối mặt với tình trạng khó khăn hiện tại, một số công ty đã chọn cách chờ xem. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ đã quen với sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng. Từ năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn hoạt động sản xuất và vận tải toàn cầu, gây ùn tắc giao thông tại các cảng và thiếu hụt sản phẩm.

Gần đây, tình hình bất ổn địa chính trị tại Trung Đông gia tăng biến kênh đào Suez thành một khu vực cấm đi lại, đẩy giá vận chuyển tăng vọt. Giao thông qua kênh đào Panama bị hạn chế do hạn hán. Các công nhân đường sắt Canada đã đe dọa sẽ đình công cùng với những người bốc vác tại các cảng Bờ Đông và Vịnh Mexico.

Giám đốc công ty thương mại điện tử Cross Path Capital có trụ sở tại thành phố Boston, Shackleton nói: “Tôi sẽ chờ xem và nếu có chuyện gì xảy ra, hãy hành động nhanh nhất có thể”.

Nhiều nhà nhập khẩu nhận định rằng, nếu trở lại Nhà Trắng, ông Trump sẽ không áp thuế suất 60% vì điều đó sẽ gây hỗn loạn nền kinh tế, đe dọa thị trường chứng khoán và đẩy giá cả lên mức đáng lo ngại. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ đã nhiều lần phá vỡ các chuẩn mực truyền thống.

Tám năm trước, các chuyên gia thương mại đã phê phán mạnh mẽ cam kết áp thuế sâu rộng đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc của ông Trump, nhưng không làm thay đổi tình hình. Do đó, các công ty rất lo ngại về các cuộc đàm phán về thuế quan và đã lập kế hoạch dự phòng.

Ông Chris Taylor, Giám đốc điều hành của công ty GridStor đang phát triển các dự án lưu trữ năng lượng ở Portland, Oregon, cho biết: “Bạn phải xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc”. GridStor đã đặt trước pin cho dự án được lên kế hoạch cho khu vực Houston và đã hối thúc các nhà cung cấp làm việc nhanh hơn, xây dựng các nhà máy trong hoặc gần Mỹ.

Ông Ara Ohanian, Giám đốc điều hành của Nesttock - công ty thiết kế phần mềm quản lý chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp, cho biết các công ty lớn đang dự trữ thêm các bộ phận và thành phẩm, chấp nhận chi phí lưu kho và bảo hiểm cao hơn để phòng ngừa việc tăng thuế trong tương lai. Một số khách hàng của ông đã chuyển đơn đặt hàng sang Mexico để tránh thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhưng bản thân các công ty Trung Quốc cũng đang tích cực xây dựng nhà máy ở Mexico, tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ để được miễn thuế nhập khẩu vào Mỹ. Một số nhà nhập khẩu Mỹ cho rằng nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump, nếu thành hiện thực, sẽ chấm dứt sự sắp xếp này. Các công ty ô tô đặc biệt lo ngại vì Mexico đã trở thành nhà cung cấp phụ tùng chính cho các nhà máy ô tô của Mỹ.

Ngành công nghiệp năng lượng Mặt trời dường như đặc biệt dễ bị tổn thương trước cuộc chiến thương mại ngày càng gay gắt do phụ thuộc nhiều vào pin nhập khẩu từ Đông Nam Á. Mỹ dự kiến áp đặt thuế quan mới đối với các sản phẩm năng lượng Mặt trời xuất khẩu từ các nước Đông Nam Á, xu hướng có thể sẽ được mở rộng nếu ông Trump trở lại nắm quyền.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục