Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu mô hình start-up thí điểm tại hai doanh nghiệp

17:17' - 07/07/2023
BNEWS Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng, Viện Dầu khí Việt Nam cần nghiên cứu mô hình start-up thí điểm tại hai đơn vị thành viên, từ đó đề xuất cơ chế để có thể nhân rộng.

Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng vừa làm việc với Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) về tình hình triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023. 

Tại cuộc họp ngày 5/7 vừa qua, Viện trưởng VPI Nguyễn Anh Đức đã báo cáo tình hình hoạt động của đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2023, kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được Tập đoàn giao tại Thông báo kết luận số 4141/TB-DKVN ngày 25/7/2022; đề xuất các giải pháp và kiến nghị để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng cuối năm và cả năm 2023. 

Cụ thể, VPI đã nghiên cứu, xem xét ứng dụng công nghệ mới và các giải pháp kỹ thuật mới, phương pháp mới (như hợp nhất tài liệu địa chất 3D của bể Cửu Long, bẫy phi cấu tạo, nghịch đảo địa chấn, từ trọng lực, ứng dụng ML/AI…); xem xét, đánh giá giải pháp nâng cao hệ số thu hồi cho các mỏ hiện có nhằm duy trì sản lượng khai thác dầu ổn định (đã thử nghiệm thành công bơm ép hóa phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu VPI SP cho đối tượng Miocene dưới mỏ Bạch Hổ; đánh giá khả năng mở rộng phạm vi áp dụng các giải pháp EOR/IOR); nghiên cứu áp dụng xu hướng phát triển mỏ với việc tối ưu cơ cấu chi phí CAPEX, OPEX để có thể rút ngắn thủ tục (đã xây dựng bộ hướng dẫn lập dự toán trong khâu đầu, đang đánh giá tính khả thi của việc xây dựng định mức trong thăm dò, phát triển và thu dọn mỏ). 

Đồng thời, VPI tập trung nghiên cứu giải pháp quản trị để giữ sản lượng và gia tăng sản lượng kết hợp tính toán phương án đầu tư phù hợp cho công tác khoan thăm dò tại các khu vực truyền thống; ứng dụng học sâu (U-FNO) để mô phỏng mô hình khai thác, tối ưu hiệu quả dự án Lô B; nghiên cứu các giải pháp gia tăng sản lượng khai thác và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu tiên tiến trong thu hồi dầu tăng cường EOR/IOR (nghiên cứu phương án khai thác thân dầu móng dưới áp suất bão hòa).

Bên cạnh đó, VPI cũng tập trung đánh giá cơ hội thay đổi mô hình kinh doanh, cơ hội phát triển cho sản phẩm dịch vụ theo xu hướng phát triển kinh tế xanh (sản phẩm hàng hóa/dịch vụ chủ lực, điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh, ammonia xanh…); xây dựng chương trình tổng thể, đánh giá cơ hội tham gia của PVN trong đề án sử dụng và chôn lấp/cất giữ CO2 (đã hợp tác với JOGMEC đánh giá chi tiết tiềm năng cất giữ CO2 tại bể Sông Hồng, Cửu Long; hợp tác tổ chức các hội thảo quốc tế về: (i) khung pháp lý CCUS, (ii) về CCS, (iii) công nghệ thúc đẩy xu hướng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, (iv) nguồn phát thải và tiềm năng cất giữ CO2).

VPI cho biết đã hợp tác sản xuất thử nghiệm phân bón nhả chậm và ứng dụng CNT/graphene; thử nghiệm liên kết 3 doanh nghiệp khoa học công nghệ, đồng thời đang tập trung nghiên cứu mô hình quản lý chuỗi liên kết trong Tập đoàn, trên cơ sở tối ưu việc sử dụng các tài sản, hệ thống hạ tầng kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong doanh nghiệp (thử nghiệm với 4 công ty khởi nguồn công nghệ mới về địa chất, điện gió ngoài khơi, ứng dụng graphene). VPI thực hiện vai trò tư vấn, hỗ trợ trong quá trình xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự báo và cập nhật thông tin thị trường hàng ngày; đề xuất giải pháp tháo gỡ các dự án khó khăn và triển khai các dự án mới.

Theo Viện trưởng Nguyễn Anh Đức, với định hướng hình thành và phát triển hệ sinh thái sáng tạo cho ngành Dầu khí Việt Nam, VPI đang ứng dụng các công cụ/nền tảng hàng đầu để cộng tác sáng tạo sản phẩm số; xây dựng nền tảng sáng tạo sản phẩm số/vật lý (thấu hiểu doanh nghiệp, chuyên gia, phân tích dữ liệu, thí nghiệm) và 6 nhóm chuyên sáng tạo sản phẩm số/vật lý trong các lĩnh vực công nghệ trọng tâm gồm: công nghệ tìm kiếm tiên tiến; tiềm năng và trữ lượng; hỗ trợ quản lý và tối ưu khai thác; sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS); hydrogen/ammonia xanh… 

Trên cơ sở đó, VPI kiến nghị Tập đoàn sớm phê duyệt Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, chiến lược phát triển đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045 của VPI; Mô hình tổ chức hoạt động của VPI; đồng thời phê duyệt và triển khai chương trình nghiên cứu khoa học 2021 - 2025.

Theo ông Bùi Minh Tiến - Thành viên HĐTV PVN, VPI dù hoạt động theo mô hình nào thì nhiệm vụ chính là hỗ trợ PVN trong cập nhật các cơ hội phát triển, rà soát chiến lược, tư vấn, đề xuất các giải pháp để tạo ra động lực tăng trưởng, sự phát triển bền vững cho toàn Tập đoàn. 

Kết luận cuộc họp, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đánh giá cao VPI trong việc triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ Tập đoàn giao thông qua chỉ đạo, kết luận trong các cuộc họp cũng như trong quá trình quản trị, điều hành.

Tổng giám đốc nhấn mạnh: Nguồn lực bắt đầu từ tư duy, động lực bắt đầu từ sự đổi mới, sức mạnh bắt đầu từ người lao động dầu khí; nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo là động lực cho phát triển, với mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia. Với vai trò như vậy, vị thế và vị trí của VPI trong hệ sinh thái của PVN phải được củng cố và nâng cao, gắn bó mật thiết với hoạt động quản trị, điều hành của Tập đoàn. 

Tổng giám đốc PVN giao VPI phối hợp với Ban Kinh tế Đầu tư trong quá trình làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết  số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015, từ đó, giúp PVN cập nhật chiến lược phát triển mới với mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia; tiếp tục đánh giá và dự báo dịch chuyển mô hình kinh doanh của PVN sau khi cập nhật chiến lược và chuyển đổi số.

VPI phối hợp với các Ban chuyên môn xây dựng Báo cáo ESG cho PVN, đồng bộ với chiến lược và lộ trình chuyển dịch năng lượng, làm cơ sở thu xếp tài chính cho các dự án đầu tư của PVN; xây dựng chiến lược hydrogen và ammonia xanh của PVn; cập nhật chiến lược phát triển lĩnh vực công nghiệp lọc hóa dầu, đặc biệt là dự báo và cân đối lộ trình về nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu làm cơ sở xác định hướng dịch chuyển cho khâu sau; thực hiện nhiệm vụ thường xuyên cập nhật sự thay đổi về công nghệ trong các lĩnh vực hoạt động chính của PVN; thẩm định kế hoạch quản trị của PVN, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, xây dựng mô hình kinh tế cho các dự án khó khăn yếu kém.

Tổng giám đốc PVN đặc biệt đánh giá cao việc ứng dụng các mô hình về tư duy, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và các nhóm hạt nhân để bắt đầu hình thành mô hình khởi nghiệp trong VPI.

Việc thí điểm start-up trong doanh nghiệp sẽ được nhân rộng trong toàn Tập đoàn, trước mắt thí điểm tại 2 đơn vị PVCFC và BSR. Theo đó, VPI nghiên cứu hai mô hình thí điểm này để có các đề xuất cơ chế phù hợp với PVN, từ đó nhân rộng ra ở Tập đoàn, công ty mẹ và các đơn vị thành viên.

Về các kiến nghị của VPI, Tổng giám đốc PVN chỉ đạo ban liên quan khẩn trương rà soát, trình lãnh đạo phê duyệt Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược phát triển của VPI đồng bộ với Chiến lược phát triển của PVN; nghiên cứu kỹ lưỡng và cập nhật mô hình hoạt động, mô hình tổ chức và mô hình quản trị của VPI với mục tiêu phục vụ cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn.

Tổng giám đốc PVN gợi ý mô hình VPI nằm trong Công ty mẹ song cần liên kết chặt chẽ với các trung tâm nghiên cứu trong toàn hệ sinh thái của Tập đoàn, có sự phân công phối hợp với các đơn vị thông qua quy chế người đại diện, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực. VPI cần cập nhật các mô hình viện nghiên cứu trong các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia, từ đó xác định rõ mục tiêu và cập nhật lại chiến lược phát triển.

Nhấn mạnh nhiệm vụ chính của VPI là phục vụ mục tiêu phát triển của PVN, tạo động lực để Tập đoàn phát triển ổn định và tăng trưởng bền vững, Tổng giám đốc yêu cầu các Ban chuyên môn chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ các thủ tục để VPI hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục