Viện KAS của Đức: Việt Nam kiểm soát dịch thành công nhờ hành động sớm và kiên quyết

10:23' - 09/04/2020
BNEWS Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) của Đức ngày 8/4 đã có bài phân tích đánh giá cao khả năng kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Việt Nam.

Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) của Đức ngày 8/4 đã có bài phân tích đánh giá cao khả năng kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Việt Nam, trong đó nhận định "chìa khóa nằm ở hành động sớm và kiên quyết của chính phủ, các cơ quan chức năng và cả nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch".

Phóng viên TTXVN tại Berlin cho biết, theo phân tích của tác giả Peter Girke, Trưởng Văn phòng đại diện Viện KAS tại Việt Nam, việc ghi nhận ca mắc bệnh COVID-19 đầu tiên ngay từ cuối tháng 1/2020 ở Việt Nam là điều dễ hiểu, bởi vị trí địa lý và mối quan hệ kinh tế của Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc.

Ngay cả những nước châu Âu, trong đó có Đức, cũng đã ghi nhận những trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên từ tháng 1.

Thế nhưng, tốc độ gia tăng số ca lây nhiễm ở Việt Nam kể từ sau trường hợp đầu tiên cho đến nay lại tương đối thấp.

Ông Peter Girke dẫn số liệu của Việt Nam và Đức: Cả hai nước ngày 17/2 ghi nhận 16 ca ở mỗi nước, 4 tuần sau Việt Nam tăng lên 61 trong khi ở Đức là 7.272 ca và 2 tuần sau nữa, vào ngày 30/3, con số ở Việt Nam là 194 ca thì ở Đức đã lên tới 66.885 ca.

Theo tác giả, có nhiều yếu tố khiến tỷ lệ mắc COVID-19 ở Việt Nam đến nay có thể được duy trì ở mức thấp và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá cao những nỗ lực "chủ động và kiên quyết" này của Việt Nam.

Yếu tố then chốt đầu tiên nằm ở quyết định hành động sớm và kiên quyết của Chính phủ Việt Nam.

Lực lượng đặc nhiệm (Ban Chỉ đạo quốc gia) được thành lập để giám sát và phối hợp biện pháp ở các cấp đã có những hành động ngay từ giai đoạn rất sớm của cuộc khủng hoảng.

Người dân Việt Nam bắt đầu cảm nhận rõ cuộc chiến chống COVID-19 từ đầu tháng 2, khi số người nhiễm ổn định ở 16 ca.

Ngay từ giai đoạn rất sớm này, Việt Nam đã cho đóng cửa trường học, trước tiên là ở các thành phố lớn, vài ngày sau là quy mô cả nước. Sau đó các trường đại học, các sự kiện cũng bị hoãn, hủy.

Tiếp đó là kiểm soát các cửa khẩu, dừng giải quyết nhập cảnh với hành khách từ Trung Quốc. Cấp độ các biện pháp và những hạn chế ngày càng tăng, bên cạnh việc tiến hành sớm các cuộc diễn tập với nhiều kịch bản khác nhau.

Ngoài ra, quân đội cũng được huy động để hỗ trợ hệ thống y tế. Đầu tháng 3, Việt Nam tạm ngừng miễn thị thực cho du khách từ nhiều nước châu Âu và từ ngày 21/3, mọi hành khách bay vào Việt Nam đều được đưa thẳng tới khu cách ly trong 14 ngày.

Khi phần lớn những ca nhiễm mới nhất là người từ nước ngoài về, Việt Nam đã tăng cường các quy định chống dịch, như cấm tụ tập trên 10 người, phải đeo khẩu trang khi ra đường, phạt những người đưa tin thất thiệt về dịch bệnh, hạn chế ra ngoài không cần thiết...

Tuy yêu cầu đóng các nhà hàng, khu giải trí, thể thao... song Việt Nam cho đến nay vẫn không áp đặt một lệnh giới nghiêm rộng rãi.

Trưởng Văn phòng đại diện Viện KAS cũng nhấn mạnh một yếu tố quan trọng nữa là việc nhân dân ủng hộ các biện pháp chống dịch của chính phủ và cùng chung tay trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó là việc tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về những biện pháp phòng ngừa, cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh.

Theo tác giả, để kiềm chế tốc độ lây lan của dịch, Việt Nam cần tiếp tục kiểm soát các ổ dịch, phát hiện sớm chuỗi lây nhiễm và tiếp tục duy trì các biện pháp chống dịch ở mức tương tự như đã áp dụng cho đến nay.

Điều đó sẽ giúp đảm bảo để Việt Nam trong một thời gian dài nữa vẫn khống chế được dịch trong khả năng của hệ thống y tế cho tới khi phát triển được thuốc điều trị đặc hiệu hoặc vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Tác giả cũng nhận định những lĩnh vực kinh tế chịu tác động mạnh nhất do dịch bệnh là ngành du lịch, giao thông vận tải (trong đó có hàng không) cũng như lĩnh vực sản xuất điện tử, nông nghiệp và bảo hiểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục