Việt Nam chính thức ký Công ước đa phương về chống xói mòn cơ sở tính thuế
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 9/2 tại trụ sở Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ở Paris, được sự ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Công ước MLI, còn được gọi là Công cụ đa phương, bao trùm hơn 1.800 hiệp định thuế song phương.
Phát biểu tại lễ ký, Phó Tổng Thư ký OECD Yoshiki Takeuchi đã hoan nghênh Việt Nam cùng các quốc gia, vùng lãnh thổ khác tham gia MLI (Thái Lan, Lesotho), nâng tổng số thành viên tham gia lên 99 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông nhấn mạnh các nỗ lực chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận sẽ không thể thành công nếu không có hành động tập thể và sự chung tay góp sức của các bên.
Phó Tổng Thư ký OECD cũng đề nghị các nước mới tham gia sớm hoàn thành các thủ tục nội bộ cần thiết để phê chuẩn và đưa công cụ đa phương này đi vào hiệu lực.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ vui mừng trước việc Việt Nam chính thức tham gia MLI, khẳng định việc mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu và chuyển dịch lợi nhuận là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược cải cách hệ thống thuế của Việt Nam.
Điều này được thể hiện qua Quyết định 2072/QĐ-TTg ngày 10/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Rà soát đánh giá hiệu quả của các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tác động đối với không gian chính sách thuế của Việt Nam và định hướng điều chỉnh", trong đó việc ký kết, triển khai các cam kết quốc tế liên quan như MLI được xác định là ưu tiên và đang được Bộ Tài chính Việt Nam chủ trì thực hiện.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của lễ ký MLI diễn ra vào thời điểm Việt Nam nhận bàn giao vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Khu vực Đông Nam Á của OECD (SEARP) nhiệm kỳ 2022-2025 tại Hội nghị Bộ trưởng SEARP diễn ra trong hai ngày 9 và 10/2 tại Seoul (Hàn Quốc), với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Đại sứ bày tỏ tin tưởng việc triển khai công cụ đa phương trong thời gian tới sẽ góp phần phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và OECD và cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và OECD giai đoạn 2022-2026 được ký tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann tại Paris ngày 5/11/2021.
Trong nhiều năm qua, OECD là đối tác quan trọng của Việt Nam về tư vấn, hỗ trợ chính sách, bao gồm cả về kinh tế vĩ mô lẫn các lĩnh vực cụ thể như tài chính, thuế, phát triển xanh, số hóa... Sau khi gia nhập MLI, đến nay Việt Nam đã tham gia tổng cộng 7 công cụ pháp lý của OECD.
MLI được hình thành trên cơ sở sáng kiến của OECD và G20 về thành lập Dự án chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS).
Công cụ đa phương này đưa ra các giải pháp cụ thể giúp các chính phủ thu hẹp các kẽ hở trong các quy tắc quốc tế hiện hành bằng cách chuyển các biện pháp được phát triển trong khuôn khổ Dự án BEPS vào các hiệp định thuế song phương.
MLI góp phần đồng bộ hóa và tăng cường hiệu quả của gần 3.000 hiệp định thuế song phương của các quốc gia và lãnh thổ thành viên.
Công cụ đa phương này cũng cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp, đặc biệt là bằng cách bổ sung một điều khoản tùy chọn về trọng tài ràng buộc và bắt buộc, đã được 33 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua.
BEPS đề cập đến các hành vi lợi dụng sự thiếu đồng bộ và những lỗ hổng của các quy định về quản lý thuế để làm giảm số thuế phải nộp, hoặc né tránh nộp thuế, hoặc chuyển lợi nhuận một cách giả tạo sang các khu vực khác, nơi họ bị đánh thuế ít hoặc không bị đánh thuế.
Theo ước tính của OECD, hàng năm các hành vi BEPS gây thất thoát từ 100 - 240 tỷ USD, tương đương với khoảng 4 - 10% tổng nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp trên toàn cầu./.
Tin liên quan
-
Tài chính
Nga đưa ra quy định về tiền kỹ thuật số
11:04' - 09/02/2022
Thông báo trên trang web của chính phủ cho biết quy định này được đưa ra nhằm tích hợp cơ chế lưu thông tiền kỹ thuật số vào hệ thống tài chính của đất nước.
-
Tài chính
WTO ra phán quyết có lợi cho Hàn Quốc trong vụ kiện về máy giặt nhập khẩu
10:23' - 09/02/2022
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 8/2 ra phán quyết gần như đứng về phía Hàn Quốc trong tranh cãi kéo dài nhiều năm mới Mỹ về thuế đánh vào máy giặt nhập khẩu từ Hàn Quốc.
-
Tài chính
Indonesia tiếp tục ưu đãi thuế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
07:36' - 09/02/2022
Một số ưu đãi thuế sẽ tiếp tục được triển khai, trong đó có việc kéo dài chương trình cắt giảm 50% thuế VAT đối với nhà ở có giá trị tối đa 5 tỷ rupiah (347.300 USD) tới tháng 9/2022.
Tin cùng chuyên mục
-
Tài chính
Giá trị của đồng USD song hành với sức mạnh của Mỹ?
08:03'
Trong tháng Ba, đồng USD dao động gần mức "đáy" của 5 tháng so với các đồng tiền chủ chốt khác, giữa lúc thị trường hoang mang trước những chính sách thương mại khó đoán của Tổng thống Trump.
-
Tài chính
Sẽ hoàn thiện khung khổ pháp lý để xử lý các loại tài sản, tiền mã hóa
18:05' - 06/04/2025
Bộ Tài chính phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu thực trạng, kinh nghiệm quốc tế trong quản lý để hoàn thiện khung khổ pháp lý xử lý các loại tài sản, tiền mã hóa.
-
Tài chính
Thu thuế kinh doanh thương mại điện tử tăng 19% trong 3 tháng đầu năm
15:16' - 06/04/2025
Bộ Tài chính cho biết, 3 tháng đầu năm số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là 34,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.
-
Tài chính
Hóa giải trở ngại quản lý thuế thương mại điện tử
09:58' - 06/04/2025
Cục Thuế, Bộ Tài chính đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hóa giải trở ngại quản lý thuế thương mại điện tử, , kinh doanh trên nền tảng số.
-
Tài chính
NATO cam kết hỗ trợ quân sự hơn 20 tỷ euro cho Ukraine
07:31' - 06/04/2025
Tổng Thư ký Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte cho biết các quốc gia thành viên đã cam kết hỗ trợ quân sự hơn 20 tỷ euro (21,65 tỷ USD) cho Ukraine trong 3 tháng đầu năm.
-
Tài chính
Đài Loan (Trung Quốc) chi ngân sách khủng để đối phó thuế nhập khẩu của Mỹ
09:44' - 05/04/2025
Kế hoạch này nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của các ngành công nghiệp và xã hội trong tương lai, đồng thời cho biết các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp là mục tiêu hỗ trợ chính.
-
Tài chính
Đã hoàn hơn 29.230 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng
21:05' - 04/04/2025
Số hoàn thuế giá trị gia tăng từ đầu năm đến ngày 23/3 là 3.705 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 29.236 tỷ đồng, bằng 108% so với số hoàn cùng kỳ năm 2024.
-
Tài chính
Hướng dẫn xử lý tài chính, ngân sách nhà nước khi tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp
16:36' - 04/04/2025
Bộ Tài chính hướng dẫn, khi thực hiện bàn giao nguồn tài chính, ngân sách nhà nước giữa các cơ quan, đơn vị phải lập biên bản bàn giao, tiếp nhận giữa các bên, kể cả các khoản nợ phải thu, phải trả.
-
Tài chính
Số thu ngân sách từ xuất nhập khẩu tăng 9,7%
12:46' - 04/04/2025
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2025 đạt khoảng 411.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với dự toán năm 2024, Cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan khu vực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ.