Việt Nam cùng ký Tuyên bố Singapore về môi trường bền vững

19:16' - 08/07/2018
BNEWS Ngày 7/7, tại Singapore, lãnh đạo các thủ đô 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cùng nhau ký Tuyên bố Singapore về môi trường bền vững.
Bảo vệ môi trường bền vững là một trong những nội dung được lãnh đạo thủ đô 10 nước thành viên ASEAN cùng nhau ký tuyên bố. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh các Thành phố Thế giới (WCS 2018) tổ chức tại Singapore, lãnh đạo các thủ đô 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cùng nhau ký Tuyên bố Singapore về môi trường bền vững.

Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị Thị trưởng và Thống đốc các Thủ đô ASEAN lần thứ 6 (MGMAC) đã ký kết tuyên bố.

Trong hội nghị lần thứ 6 này với chủ đề “Khả năng chống chịu và sự đổi mới”, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng các thị trưởng Singapore Low Yen Ling, hơn 40 đại biểu đến từ các thủ đô 10 nước ASEAN đã trao đổi về những thách thức các thủ đô phải đối mặt cũng như chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững như việc xây dựng một cộng đồng thành phố có khả năng chống chịu cao, phát triển bền vững và văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường; cách thức quản lý nguồn nước tích hợp và các giải pháp thông minh để giảm mức tiêu hao năng lượng từ nước, bảo tồn nước và giảm thiểu thất thoát nước; vai trò của công nghệ thông minh trong tiến trình đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng các thị trưởng Singapore Low Yen Ling và Bộ trưởng Bộ Môi trường và Tài nguyên nước Singapore Masagos Zulkifli nhấn mạnh thủ đô các nước ASEAN hiện đều đang gặp phải những thách thức chung như biến đổi khí hậu, đô thị hóa và tính bền vững.

Theo báo cáo của HSBC công bố hồi tháng 3/2018, có 5/10 nước bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu nằm trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á, gồm Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Bangladesh và Sri Lanka.

Tất cả các quốc gia cũng như các tỉnh, thành phố trong ASEAN cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhằm tăng tính chịu đựng của thành phố, chống lại biến đổi khí hậu và những nguy cơ về môi trường, để hướng tới thành phố phát triển năng động và tăng trưởng xanh.

Các đại biểu tại hội nghị đều nhất trí cho rằng, ngoài sự vào cuộc của toàn xã hội, từ cá nhân cho tới doanh nghiệp, các tổ chức chính phủ và dân sự, các thủ đô ASEAN cần phải chung tay và liên kết với nhau để vượt qua các thách thức và khó khăn để trở thành một khối thống nhất.

Hội nghị MGMAC được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013 theo sáng kiến của ông Joko Widodo khi đang làm Thống đốc Jakarta (Indonesia) nhằm tạo diễn đàn cho các thị trưởng, thống đốc, lãnh đạo thủ đô các nước ASEAN thảo luận những vấn đề liên quan đến phát triển thành phố cũng như tăng cường liên kết, hợp tác giữa các thành phố/thủ đô các nước ASEAN.

Trước đó, vào ngày 6/7, các đại biểu đã có buổi hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin, gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishna và khảo sát các công trình được giải Vàng (GoldPLUS) về Thiết kế Toàn cầu của Cơ quan Quản lý Xây dựng và Công trình thuộc Bộ Phát triển Quốc gia Singapore trao tặng như Đập Marina và Khu Cộng đồng Bukit Panjang.

Hội nghị Thị trưởng và Thống đốc các Thủ đô ASEAN (MGMAC) lần thứ 6 là sự kiện đầu tiên trong chuỗi hoạt động của các địa phương Việt Nam tham dự WCS tại Singapore tổ chức từ ngày 6-11/7. Năm nay, Việt Nam có lãnh đạo của bốn địa phương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và Quảng Ngãi tham dự.

Xem thêm:

>>>Làng nghề tái chế nhựa Minh Khai gây ô nhiễm môi trường trầm trọng

>>>Đối diện thách thức để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục