Việt Nam đề nghị ASEAN thống nhất cách tiếp cận trong đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA

14:26' - 16/03/2022
BNEWS Việt Nam đề nghị các nước ASEAN thống nhất cách tiếp cận thực tế trong đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA nhằm đem lại giá trị gia tăng thực sự cho doanh nghiệp các nước ASEAN.

Sáng 16/3, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 28 khai mạc theo hình thức trực tuyến. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu cùng đại diện các Bộ: Ngoại giao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư.

Tại hội nghị, Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với các sáng kiến của Campuchia trong năm Chủ tịch ASEAN 2022, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN khác để thực thi các mục tiêu chung của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhấn mạnh mục tiêu củng cố chuỗi cung ứng và đa dạng hóa đối với ASEAN nhằm ứng phó với những thách thức không lường trước trong tương lai, duy trì phát triển kinh tế bền vững.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đề nghị các nước ASEAN thống nhất cách tiếp cận thực tế trong đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) nhằm đem lại giá trị gia tăng thực sự cho doanh nghiệp các nước ASEAN.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thông qua 19 sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Campuchia trong năm Chủ tịch ASEAN 2022. Các sáng kiến ưu tiên này được xây dựng theo 4 định hướng chính gồm tăng cường kết nối kỹ thuật số, khoa học và công nghệ; thu hẹp khoảng cách phát triển về năng lực cạnh tranh của ASEAN; xây dựng ASEAN toàn diện, bền vững và có sức cạnh tranh; tăng trưởng và phát triển ASEAN hội nhập.

Trong số các sáng kiến được đưa ra và ủng hộ, có nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN, nhất là việc khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Đáng lưu ý, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thảo luận về những nỗ lực của ASEAN trong việc phục hồi sau đại dịch.

Đặc biệt nhất là việc gia hạn Biên bản ghi nhớ về việc xử lý các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; mở rộng Danh mục hàng thiết yếu của ASEAN đi kèm với Biên bản ghi nhớ - sáng kiến được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 được tổ chức vào tháng 11 năm 2020 tại Việt Nam.

Hội nghị cũng thống nhất các ưu tiên thường niên năm 2022 trong kênh kinh tế bao gồm 151 nội dung khác nhau, thuộc các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, thuận lợi hóa di chuyển của lao động có tay nghề và khách kinh doanh, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử; doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa…

Ngoài các nội dung thảo luận về hợp tác kinh tế nội khối, các Bộ trưởng cũng thảo luận các vấn đề hợp tác kinh tế ngoại khối như việc xây dựng Chiến lược hợp tác ngoại khối của ASEAN với các đối tác đối thoại và các đối tác Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiềm năng.

Cùng với đó là cách tiếp cận những vấn đề mới trong đàm phán và nâng cấp các FTA trong khuôn khổ ASEAN, tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine đến ASEAN và các giải pháp mà ASEAN có thể triển khai nhằm hạn chế những tác động này.

Ngoài ra, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Indonesia trong vai trò Chủ tịch G20 năm 2022 và Thái Lan trong vai trò Chủ tịch APEC năm 2022.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có phiên tham vấn với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN nhằm trao đổi về các khuyến nghị của Hội đồng nhằm kích thích tăng trưởng thương mại, đầu tư và khắc phục những hậu quả của đại dịch COVID19.

Mặt khác, tăng cường cơ chế phối hợp giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất về chính sách và môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp ASEAN.

Hội nghị sẽ bế mạc vào ngày 17 tháng 3 năm 2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục