Việt Nam - điểm đến quan trọng về FDI của các công ty Hàn Quốc

17:31' - 03/12/2018
BNEWS Các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Việt Nam. Đến nay, xuất khẩu của Samsung chiếm 20% xuất khẩu của Việt Nam.
Diễn đàn “Chính sách hướng Nam mới và tầm quan trọng của quan hệ Hàn Quốc- Việt Nam”. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Chiều 3/12 tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế- xã hội quốc gia (NCIF) phối hợp với Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc (KIEP) tổ chức Diễn đàn “Chính sách hướng Nam mới và tầm quan trọng của quan hệ Hàn Quốc- Việt Nam”.

Đây là cơ hội để các chuyên gia, các nhà khoa học của hai nước cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm và hướng đến những giải pháp chung nhằm đạt được các mục tiêu mà hai nước đề ra; đồng thời, nhằm thiết lập mạng lưới các nhà khoa học, trao đổi chuyên gia giữa hai nước, cung cấp và trao đổi thông tin và thực hiện các nghiên cứu hỗn hợp.

Phát biểu khai mạc diễn đàn TS. Trần Hồng Quang, Giám đốc NCIF cho biết, trong gần 3 thập kỷ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức từ năm 1992, mối quan hệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã có những bước phát triển hết sức tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực.

Hiện, Hàn Quốc đang là một trong hai nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với số vốn luỹ kế đang ký tính hết năm 2017 đạt 57,6 tỷ USD. Việt Nam cũng là điểm đầu tư lớn thứ 4 của Hàn Quốc ra nước ngoài và là đối tác nhận viện trợ lớn nhất của Hàn Quốc.

Về Thương mại, Hàn Quốc là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch trao đổi thương mại song phương Việt Nam- Hàn Quốc tăng 117 lần kể từ năm 1992, đạt mức 61,5 tỷ USD năm 2017. Việt Nam- Hàn Quốc cũng đã có những kết quả hợp tác tích cực về lao động, văn hoá và du lịch.

Tính tới cuối tháng 12/2017, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có 162 nghìn người; trong đó, chủ yếu là người lao động, công dân kết hôn di trú và du học sinh. Hàn Quốc cũng có cộng đồng khoảng 150.000 kiều dân tại Việt Nam, phần lớn là doanh nhân.

“Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc; đồng thời, Hàn Quốc cũng dành ưu tiên hợp tác cao với ASEAN; trong đó có Việt Nam”, TS. Trần Hồng Quang nhấn mạnh.

Theo TS. Trần Hồng Quang, việc Chính phủ Hàn Quốc đang ưu tiên thực hiện chính sách hướng Nam mới sẽ là cột mốc mới trong quan hệ giữa Hàn Quốc và ASEAN cũng như giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Việt Nam được xem là cửa ngõ tiến vào ASEAN cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Với chính sách mở cửa và hội nhập của Việt Nam hoạt động của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng hứa hẹn sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn nữa.

TS. Lee Jae Young, Viện trưởng KIEP cho biết, chính sách hướng Nam mới là một chính sách hiện thực hoá sự hợp tác quốc tế và ngoại giao quan trọng của Hàn Quốc với các nước ASEAN và Ấn Độ được nâng tầm lên mối quan hệ đối tác hợp tác tương ứng với 4 nước trong khu vực gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.

Đặc biệt, trong mối quan hệ hợp tác kinh tế với ASEAN- khu vực trọng điểm của chính sách hướng Nam mới, Việt Nam đóng vai trò là quốc gia cầu nối và trọng tâm, chiếm hơn một nửa hợp tác trong hầu hết các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển, giao lưu nhân lực.

GS. Park Bun Soon, Đại học Hàn Quốc cho biết, kỳ tích của kinh tế Việt Nam bắt đầu với chính sách đổi mới từ cuối những năm 1980 và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong những nguồn vốn quan trọng nhất làm nên kỳ tích kinh tế của Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam là điểm đến quan trọng về FDI của các công ty Hàn Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Việt Nam. Đến nay, xuất khẩu của Samsung chiếm 20% xuất khẩu của Việt Nam.

“Tôi cho rằng, đầu tư của Hàn Quốc sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam trong tương lai. Để thu hút dòng vốn này, Việt Nam cần khuyến khích đầu tư của Hàn Quốc vào phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Về phía Hàn Quốc, cần tăng cường ODA cho Việt Nam nhằm chuyển giao công nghệ của các tập đoàn đa quốc gia Hàn Quốc. Đặc biệt, Việt Nam cần tạo điều kiện để các nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia vào thị trường M&A.” GS. Park Bun Soon nói.

TS. Trần Toàn Thắng, đến từ NCIF cũng cho rằng, với chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc, thương mại gắn chặt với đầu tư, tuy nhiên con số thâm hụt thương mại tăng khá nhanh từ 2010 đến nay; trong đó năm 2017 thâm hụt 31,9 tỷ USD.

Liên kết gữa doanh nghiệp trong nước và FDI của Hàn Quốc có được cải thiện nhưng vẫn chưa cao.

Tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng được Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) thấp do doanh nghiệp chưa chú trọng tìm hiểu hiệp định và vấn đề xuất xứ hàng hoá.

Theo TS. Trần Toàn Thắng trong thời gian tới cần tăng cường liên kết doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước; đẩy mạnh xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Hàn Quốc; cải thiện thông tin cung cấp cho doanh nghiệp đặc biệt là về xuất xứ hàng hoá; thiết lập cơ chế thông tin, cung cấp thông tin về thị trường giữa hai bên, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến VKFTA và hỗ trợ kỹ thuật của Hàn Quốc với Việt Nam.

Tại diễn đàn, Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc và Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế- xã hội quốc gia đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các nội dung về hợp tác giao lưu thực tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục