Việt Nam - đối tác tiềm năng trong khu vực về công nghiệp dịch vụ

16:08' - 06/06/2024
BNEWS Trong chiến lược phát triển ngành ngành công nghiệp dịch vụ của Thái Lan, Việt Nam được coi là đối tác đầy tiềm năng trong khu vực.

Đối với những quốc gia phát triển du lịch như Thái Lan, ngành công nghiệp dịch vụ MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện và khen thưởng) có nhiều dư địa phát triển và là động lực tăng trưởng kinh tế. Hiện Thái Lan đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm khu vực Đông Nam Á về triển lãm và lễ hội quốc tế, đồng thời coi Việt Nam là một trong những đối tác hợp tác đầy tiềm năng.

 

Là ngành công nghiệp có mức chi tiêu cao, MICE được đánh giá có thể tạo ra những tác động kinh tế tích cực, tăng doanh thu cho đất nước và cơ hội về việc làm, bên cạnh thu nhập được tạo ra từ du lịch giải trí. Ngoài ra, MICE có thể đóng vai trò là nền tảng cho sự phát triển quốc gia; giúp nâng cao kiến thức chuyên môn và hợp tác quốc tế; góp phần kích thích thương mại, kinh doanh, đầu tư để tăng trưởng kinh tế; giúp duy trì văn hóa và thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Động lực tăng trưởng cho kinh tế Thái Lan

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Puripan Bunnag, Phó chủ tịch Cục Hội nghị và Triển lãm Thái Lan (TCEB) cho biết ngành du lịch MICE đang cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ và bắt đầu phát huy vai trò tích cực đối với nền kinh tế Thái Lan sau vài năm khó khăn. Trong nửa đầu năm tài chính 2024 của Thái Lan (từ tháng 10/2023 – tháng 3/2024), Thái Lan đã chào đón 636.694 khách du lịch MICE nước ngoài, tương đương 78% lượng du khách MICE trong cả năm tài chính 2023.

Về mặt doanh thu, Thái Lan thu về 36.721 triệu baht (hơn 985 triệu USD), tương đương 72% tổng doanh thu do khách du lịch MICE nước ngoài tạo ra trong cả năm tài chính 2023. Trong giai đoạn 2015-2023, khách du lịch nước ngoài tham dự các sự kiện MICE ở Thái Lan đã chi 1.240 tỷ baht, đóng góp 963,502 triệu baht vào GDP của Thái Lan và 118,421 triệu baht tiền thuế, trong khi tạo ra 833.750 việc làm.

Theo báo cáo thống kê của Hiệp hội hội nghị và đại hội quốc tế (ICCA), năm 2023, Thái Lan đứng thứ 2 ASEAN và thứ 6 ở châu Á-Thái Bình Dương về tư cách điểm đến cho các hội nghị quốc tế. Về mặt triển lãm, hội chợ thương mại quốc tế, Thái Lan là điểm đến hàng đầu tại ASEAN theo số liệu thống kê của Hiệp hội toàn cầu của ngành triển lãm (UFI).

Thái Lan cũng được bình chọn là điểm đến hàng đầu châu Á về du lịch hội nghị và khuyến khích trong 3 năm liên tiếp trong giai đoạn 2021-2023 theo cuộc bình chọn do M&C Asia có trụ sở tại Singapore thực hiện. Bảng xếp hạng năm 2024 của C-Vent, một nền tảng cung cấp địa điểm, cho thấy Bangkok và Phuket nằm trong số 10 điểm đến hàng đầu của châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2024 được các nhà tổ chức sự kiện tìm kiếm.

Đóng vai trò điều phối quốc gia trong chiến lược phát triển ngành MICE và đưa Thái Lan trở thành điểm đến ưa thích của các sự kiện quốc tế là TCEB. Tháng 5/2024, TCEB đã tổ chức thành công Đại hội FIFA 2024, đưa Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở ASEAN đăng cai tổ chức cuộc họp quan trọng của các liên đoàn bóng đá trên thế giới.

Trong thời gian từ tháng 10/2023 đến cuối tháng 4/2024, TCEB đã đấu thầu thành công 18 sự kiện quốc tế, trong đó đáng chú ý có Hội nghị Đái tháo đường Thế giới (IDF) 2025 (lần đầu tổ chức tại ASEAN), Hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 2026, cũng như Hội nghị Du lịch bền vững toàn cầu 2026 tại Phuket…

Ông Puripan Bunnag chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng việc giành được quyền đăng cai các sự kiện toàn cầu sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan. Những sự kiện này sẽ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố đăng cai cũng như củng cố thương hiệu và hình ảnh của đất nước Thái Lan”.

Việt Nam - đối tác tiềm năng trong khu vực

Trong chiến lược này phát triển ngành MICE của Thái Lan, Việt Nam được coi là đối tác đầy tiềm năng. Trong nửa đầu năm tài chính 2024 hoặc từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, Việt Nam đứng thứ 7 về nguồn khách du lịch MICE nước ngoài tới Thái Lan với tổng số 20.446 du khách MICE.

Theo ông Puripan, nhìn tổng thể, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với tư cách là điểm đến chính của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Đông Nam Á. Do đó, nhu cầu ở Việt Nam về sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, đổi mới, kiến thức chuyên môn, mạng lưới kinh doanh nhằm thúc đẩy nền kinh tế và hiệu quả kinh doanh sẽ tăng theo.

Sự thuận tiện trong việc tiếp cận Thái Lan và các chuyến bay ngắn giữa hai nước là điểm cộng cho người Việt Nam du lịch và tham gia các sự kiện tại Thái Lan. Hiện tại hãng hàng không Thai Airways khai thác 4 chuyến mỗi ngày từ Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đến Bangkok.

TCEB hiện đang triển khai dự án “Hành lang kinh tế Campuchia-Việt Nam-Thái Lan” (CVTEC) nhằm phát triển tuyến đường biển nối Koh Chang (Đảo Chang) ở phía Đông Thái Lan với Sihanoukville của Campuchia và đảo Phú Quốc của Việt Nam. Tuyến đường biển này có thể trở thành tuyến xuyên biên giới cho du khách MICE nước ngoài thực hiện chương trình “một chuyến đi ba quốc gia”. 

TCEB cũng đang thúc đẩy, tạo điều kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp MICE Thái Lan với những doanh nghiệp cùng ngành ở Campuchia, Việt Nam để việc đi lại trên tuyến đường biển của ba nước trở nên khả thi và thu hút du khách MICE từ ba nước thực hiện các chuyến tham quan xuyên biên giới.

Trong 3 tháng tới (tháng 7-9/2024), dự kiến TCEB sẽ hỗ trợ tổ chức khoảng 20 triển lãm quốc tế tại Bangkok với đa dạng lĩnh vực, từ thực phẩm, viễn thông, năng lượng, hậu cần, xây dựng, y tế, bán lẻ, khách sạn... . TCEB sẵn sàng đóng vai trò hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm MICE Việt Nam đi du lịch Thái Lan, ví dụ kết nối nơi lưu trú, các nhà cung cấp địa phương; hỗ trợ các thủ tục hải quan, nhập cảnh đối với những đơn vị muốn tham gia trưng bày tại triển lãm.

Theo ông Puripan, những sự kiện này có thể đóng vai trò là nền tảng để các doanh nghiệp Việt Nam tìm nguồn sản phẩm mới; hình thành mạng lưới kinh doanh, cập nhật xu hướng của ngành, hoặc giành được các thỏa thuận kinh doanh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục