Việt Nam đứng đầu tăng trưởng khách du lịch tới Nhật Bản

16:06' - 21/06/2019
BNEWS Theo Sách trắng du lịch năm 2019, nếu thống kê các quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch cao nhất vào Nhật Bản năm 2018, Việt Nam đang đứng đầu với tốc độ tăng trưởng 125,9%.
Khách du lịch tản bộ dưới những cây hoa Anh Đào trên con đường gần đền Yasukuni, Tokyo. Ảnh: Thành Hữu-Pv TTXVN tại Nhật Bản

Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản cho biết, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) ngày 21/6 đã công bố Sách trắng du lịch năm 2019.

Theo đó, nếu thống kê các quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch cao nhất vào Nhật Bản năm 2018, Việt Nam đang đứng đầu với tốc độ tăng trưởng 125,9%.

Số lượng khách Việt Nam du lịch Nhật Bản năm 2018 là hơn 389.000 lượt người, tăng hơn 1,25 lần so với năm 2017.

Lượng khách du lịch Việt Nam tới Nhật Bản được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, do xu hướng học tập, lao động tại nền kinh tế thứ 3 thế giới tăng lên, cùng thu nhập người dân cũng ngày một tăng.

Năm 2018 đã có 31,19 triệu khách nước ngoài tới du lịch Nhật Bản với tổng chi tiêu là 4.518,9 tỷ yen (42,197 tỷ USD).

So với năm 2012, khách du lịch tới Nhật Bản năm 2018 đã tăng 3,7 lần, lượng chi tiêu cũng tăng 4,2 lần. Khoản chi tiêu nhiều nhất là mua sắm với 1.235,7 tỷ yen, tiếp theo là chi phí lưu trú với 949,9 tỷ yen.

Trung Quốc tiếp tục đứng đầu về số lượng khách du lịch tới Nhật Bản với hơn 8,3 triệu lượt người, chiếm tới 26,9% tổng số khách du lịch, tiếp theo là Hàn Quốc hơn 7,5 triệu lượt khách và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) là hơn 4,7 triệu lượt khách.

Sách trắng Du lịch năm 2019 cho thấy, ngoài những thành phố lớn, nổi tiếng về du lịch, các địa phương của Nhật Bản cũng ngày một hấp dẫn đối với khách nước ngoài.

Tổng chí phí của khách du lịch nước ngoài khi tới các địa phương này năm 2018 là 1.036,2 tỷ yen, tăng 58% so với năm 2015.

Sách trắng Du lịch 2019 của Nhật Bản cũng chỉ ra sự quan tâm ngày càng lớn của khách du lịch tới những trải nghiệm đặc biệt, sự giao lưu tương tác với người dân bản địa như du lịch với trải nghiệm trượt tuyết, sống cùng người dân trong rừng…

Bên cạnh những mặt tích cực, Sách trắng Du lịch của Nhật Bản cũng đề cấp tới các vấn đề phát sinh như khách du lịch không tuân thủ tập quán địa phương, làm thay đổi cuộc sống, sinh hoạt của người dân, cùng các vấn đề đặt ra với môi trường.

Nhật Bản sẽ tiếp tục chính sách thu hút khách du lịch với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cung cấp đầy đủ các mạng không dây tới những khu du lịch, địa điểm lưu trú, cũng như tích cực quảng bá du lịch bằng nhiều thứ tiếng kèm ứng dụng công nghệ mới hiện đại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục